Lời giải của bài toán năng lượng
Trong nỗ lực giảm giá xăng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc tung ra thị trường một triệu thùng dầu thô/ngày từ Kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) của Mỹ trong thời gian vài tháng. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng kêu gọi các nước khác mở kho dự trữ dầu để giảm áp lực nguồn cung cho thị trường. Nguồn cung năng lượng xem ra tiếp tục là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia.Giá xăng tăng cao trên toàn nước Mỹ đang gây nhiều tác động về kinh tế, xã hội, đặc biệt với những bang nằm trong “Vành đai Mặt trời”.
Theo tính toán, một hộ gia đình có một ô-tô ở Alabama, nơi giá xăng tăng 79 cent, dự kiến sẽ chi 4,25% thu nhập hằng tháng cho tiền xăng. Giá xăng ở bang này đã tăng 1,40 USD/gallon trong năm qua, cao hơn 30 bang khác.
Ðây cũng là một vấn đề chính trị đối với Tổng thống Biden và đảng Dân chủ, khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Ðể hạn chế đà tăng của giá xăng trong nước cũng như hỗ trợ bình ổn các thị trường năng lượng toàn cầu, chính quyền Tổng thống Biden cân nhắc tiếp tục giải phóng SPR, mà nếu được thực hiện có thể còn lớn hơn quyết định mở bán 30 triệu thùng hồi đầu tháng 3. Trong cùng thời gian, các nước thành viên IEA cũng đã nhất trí giải phóng hơn 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược. Tuy nhiên, hồi đầu năm, việc một số nước cùng mở kho dự trữ dầu đã không mang lại nhiều tác động giúp kìm chế đà tăng giá dầu.
Khu vực châu Âu vốn đã chứng kiến giá khí đốt tăng vọt do thiếu nguồn cung từ cuối năm ngoái, nay lại đối mặt nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga, trong bối cảnh tiến trình chuyển đổi năng lượng tại một số nước quá nhanh, không có giai đoạn chuyển tiếp đủ lâu để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng.
Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách chính sách khí hậu cho biết, EC sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống thiếu hụt khí đốt, sau khi Ðức kích hoạt một kế hoạch khẩn cấp để quản lý nguồn cung trong trường hợp xảy ra tình trạng gián đoạn dòng chảy khí đốt từ Nga.
Bộ trưởng Tài chính Pháp khẳng định, Pháp đã cân nhắc mọi kịch bản, trong đó có cả khả năng Nga đưa ra quyết định chấm dứt cung cấp khí đốt cho châu Âu. Chính phủ Hà Lan dự định đề nghị người dân và doanh nghiệp giảm sử dụng khí đốt song chưa kích hoạt kế hoạch khủng hoảng khí đốt.
Dầu mỏ và khí đốt được cho là sẽ chiếm hơn 50% tổng khối lượng năng lượng toàn cầu vào năm 2045 và tiếp tục đóng một vai trò quan trọng ngay cả khi thế giới hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn. Thế giới tiêu thụ mỗi năm khoảng 4 tỷ tấn dầu và 3.500 tỷ m3 khí.
IEA đã công bố kế hoạch khẩn cấp gồm 10 điểm để cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu, bao gồm giảm giới hạn tốc độ đường cao tốc ít nhất 6 dặm (khoảng 9,6 km)/h, làm việc tại nhà nhiều nhất ba ngày/tuần nếu có thể và triển khai chính sách ngày chủ nhật không có ô-tô ở đô thị.
Các bước khác trong kế hoạch khẩn cấp bao gồm tăng cường khai thác dịch vụ xe đi chung, sử dụng tàu cao tốc và tàu đêm thay vì máy bay, khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp và giao thông công cộng; thúc đẩy phát triển năng lượng “xanh”, năng lượng thay thế.
https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/loi-giai-cua-bai-toan-nang-luong-691570/