Tạo đà bứt phá cho kinh tế nông thôn
Những năm gần đây, thực tiễn phát triển kinh tế tập thể, chủ yếu là mô hình hợp tác xã (HTX) cho thấy có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế hộ nông dân. Nhiều mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả đã hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo làng quê...
Bài 1: Hợp tác xã nông nghiệp sát cánh cùng nông dân
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 18.327 HTX nông nghiệp và 91 liên hiệp HTX nông nghiệp, thu hút 3,78 triệu thành viên tham gia. Các mô hình này đã phát huy hiệu quả trong góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống nông dân, bảo đảm an sinh xã hội tại các vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Thành lập từ năm 2013, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình tại xã Cư Kty huyện Thăng Bình (Đắk Lắk) có 10 thành viên ban đầu, số vốn góp 500 triệu đồng. Các thành viên đã mạnh dạn góp đất trồng mía, bán cho Công ty cổ phần Mía đường Đắk Nông. Đến nay, HTX đã ký hợp đồng liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho hơn 400 hộ thành viên và nông dân tại các xã lân cận… với tổng diện tích từ 130 đến 300 ha/năm. Bên cạnh việc mở rộng liên kết sản xuất, HTX còn duy trì chính sách đầu tư trả chậm theo các tiêu chí đúng số lượng, thời điểm, chất lượng, đúng giá, giúp thành viên và nông dân có vốn sản xuất, được nhận vật tư xuyên suốt cả mùa vụ, sau vụ thu hoạch thì thanh toán với mức lãi suất ưu đãi. Nhờ HTX tổ chức quản lý sản xuất tốt, nên vào những thời điểm khó khăn nhất của ngành mía đường (năm 2017-2019), lợi nhuận của người trồng mía vẫn đạt từ 20 đến 30 triệu đồng/ha. Đỉnh điểm ở mùa vụ 2020-2021 khi giá mía lên 1,1 triệu đồng/tấn, nhiều hộ xã viên đạt doanh thu hơn 100 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, HTX còn là địa chỉ đỏ của thương hiệu gạo sạch Thăng Bình HTB, đạt chứng nhận VietGAP.
Tại huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), nhờ tận dụng lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng và biết phát huy đặc sản địa phương, HTX nông, lâm nghiệp Thổ Bình đã giúp người dân thoát nghèo. Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Thổ Bình, ông Ma Ngọc Thành cho biết, hiện HTX có ba sản phẩm OCOP đạt 3 sao (sản phẩm lạc và thịt dê), mỗi năm cung cấp khoảng hơn 100 tấn lạc và hàng chục tấn thịt dê tươi ra thị trường; ngoài ra còn nhiều dịch vụ cung ứng khác... Nhờ đó, năm 2021, HTX đạt doanh thu 3,3 tỷ đồng/năm, nâng cao thu nhập của người lao động đạt khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Thành cũng cho biết, sản phẩm lạc của HTX hiện chiếm 70% thị trường tại Tuyên Quang và Bắc Giang. HTX đang mở rộng xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường tại nhiều địa phương khác. Anh Ma Công Bẩy, thành viên HTX cho biết, từ khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất với HTX, gia đình anh đạt thu nhập bình quân hơn 150 triệu đồng/ năm.
Bên cạnh những đóng góp tích cực của các HTX nông nghiệp trong nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo thì vẫn còn đó nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cần sớm được khắc phục. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, nhìn chung, các HTX, tổ hợp tác vẫn còn bộc lộ nhiều điểm nghẽn về quy mô sản xuất, trình độ quản trị, ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, chế biến và cả tiêu thụ sản phẩm.
Tại HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thăng Bình, Giám đốc Võ Văn Sơn cho biết, đơn vị đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Hiện nhu cầu đầu tư máy móc chế biến các sản phẩm nông nghiệp và các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của HTX như cơ sở chế biến, trạm bơm, kênh mương, sửa chữa giao thông nội đồng rất lớn mà HTX không đủ vốn. Để duy trì mức thu nhập cho 48 thành viên chính thức, 328 thành viên liên kết và 16 lao động thường xuyên, 350 lao động thời vụ chia thành 12 tổ đội sản xuất, chế biến và dịch vụ, HTX đã phải cân đối mọi nguồn lực, tính toán chi tiết từng khoản chi tiêu. Đặc biệt, trong hai năm chịu tác động của dịch Covid-19 (2020-2021) việc sản xuất, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, HTX phải đầu tư thêm để phát triển thị trường, bán hàng trực tuyến và tham gia các sàn thương mại điện tử.
Theo Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Thành Chung, hiện nay, phần lớn các HTX trên địa bàn đều tổ chức sản xuất đăng ký sản phẩm OCOP. Một số HTX có sự gắn kết, liên kết với người dân khá chặt chẽ. Tuy nhiên, do mới hình thành và nội lực của HTX còn hạn chế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm cũng còn khó khăn. Bên cạnh đó, còn nhiều HTX quy mô nhỏ, số thành viên HTX có xu hướng giảm; tổ chức và hoạt động có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc và bản chất HTX; mức độ tiếp cận thị trường của HTX, liên hiệp HTX thấp; chưa chú trọng mở rộng, kết nạp thành viên, thu nhập thấp, khó thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao; số lượng các HTX áp dụng khoa học-công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh chưa nhiều; hoạt động sản xuất chưa gắn với nhu cầu thị trường hàng hóa; còn nhiều HTX chưa có đất để xây dựng trụ sở, làm cơ sở sản xuất, kinh doanh, quá trình tích tụ và tập trung đất đai còn chậm. Chưa kể các HTX thiếu khả năng thích nghi với môi trường cạnh tranh toàn cầu về hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ, vốn đầu tư, lao động...
Trong các khó khăn nêu trên thì vốn đầu tư cho sản xuất, đầu tư cho các thành viên HTX, tổ hợp tác phát triển sản xuất đã và đang được xem là bài toán khó, khi hầu hết chủ thể chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lớn từ ngân hàng và từ các chính sách cho vay hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của HTX, tổ hợp tác còn nhiều hạn chế về kiến thức chuyên môn, năng lực quản lý điều hành, chưa nhạy bén, linh hoạt trong chuyển đổi và tiếp cận thị trường và đặc biệt yếu về lĩnh vực marketing...
(Còn nữa)
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/tao-da-but-pha-cho-kinh-te-nong-thon-691347/