Thường trực HĐND tỉnh họp phiên thường kỳ lần thứ 9
Sáng 29/3, dưới sự chủ trì của đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ lần thứ 9.Dự phiên họp có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các ban HĐND tỉnh.
Quang cảnh phiên họp. |
Phiên họp thường kỳ lần thứ 9 đã thông qua báo cáo kết quả hoạt động tháng 3 và quý I năm 2022, phương hướng nhiệm vụ tháng 4/2022 của Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu HĐND tỉnh. Theo đó, Thường trực, các ban, các tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức triển khai 6 cuộc giám sát, khảo sát; phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức 2 cuộc khảo sát; ban hành 4 kế hoạch giám sát chuyên đề và 2 kế hoạch giám sát thường xuyên. Tính đến thời điểm báo cáo, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp chuyển UBND tỉnh và các ngành 174 ý kiến kiến nghị sau giám sát của Thường trực, các ban và các tổ đại biểu HĐND tỉnh. Đến nay, qua theo dõi đã có 145/174 kiến nghị đã được giải quyết xong, chiếm 83,33%, còn 29 ý kiến kiến nghị về một số nội dung như: việc rà soát, đề xuất một số chính sách cho sự nghiệp giáo dục; bố trí nguồn lực... đang trong quá trình xem xét, giải quyết, chiếm 16,66%.
Về thực hiện Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND – UBND – Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sau 1 năm thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương như: Trong năm 2021, các bên đã phối hợp tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2021-2026; phối hợp tổ chức hiệp thương, lựa chọn và trình tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ Nhất, bầu 25 vị Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026... Ngoài ra, trong năm qua, các bên liên quan đã tích cực phối hợp trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tổ chức các kỳ họp của HĐND; giải quyết những việc phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp của HĐND; triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua và chương trình an sinh xã hội.
Đại biểu thảo luận tại phiên họp. |
Phiên họp đã thống nhất dự thảo kế hoạch thực hiện Kết luận số 327-KL/TU ngày 31/12/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động HĐND các cấp của Thường trực HĐND tỉnh với một số nội dung, nhiệm vụ chủ yếu như: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động HĐND; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa hoạt động cơ quan HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND các cấp; đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND; tăng cường phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND với UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; tăng cường các điều kiện đảm bảo để HĐND hoạt động động hiệu quả. Hướng tới mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, xây dựng HĐND các cấp vững mạnh, thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Đổi mới phương thức hoạt động của Thường trực, các ban, các tổ đại biểu HĐND các cấp, thực hiện đảm bảo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động HĐND.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung trên, đồng thời, đóng gớp ý kiến về công tác chuẩn bị cho tổ chức kỳ họp để giải quyết những công việc phát sinh; công tác chuẩn bị tham dự hội nghị thường trực HĐND 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ Nhất tại Hòa Bình...
Đồng chí Vũ Xuân Cường phát biểu tại phiên họp. |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Xuân Cường yêu cầu các ban HĐND tỉnh căn cứ chương trình hoạt động, kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo chức năng đảm bảo kịp thời, hiệu quả; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định, tránh để tồn đọng, kéo dài; các bên cần có quy chế phối hợp chặt chẽ hơn, đảm bảo thực hiện hiệu quả; tiếp tục theo dõi, giám sát việc triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh và việc thực hiện công tác an sinh trên địa bàn.
* Giải trình chất vấn về công tác quản lý các công trình thủy điện và chất lượng, hiệu quả của dạy học thích ứng, linh hoạt
Tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh lần thứ 9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình chất vấn về chất lượng, hiệu quả của việc dạy học thích ứng, linh hoạt và việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Giám đốc Sở Công thương đã giải trình chất vấn về công tác quản lý các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Về nội dung chất lượng, hiệu quả của việc dạy học thích ứng linh hoạt, bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình: Ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường chủ
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình các nội dung chất vấn. |
động sắp xếp dạy học tăng 1 buổi/tuần để đẩy nhanh tiến độ chương trình, dành thời gian dự phòng khi phải nghỉ học trực tiếp để phòng, chống dịch; tiếp tục kết hợp dạy học trực tiếp với dạy trực tuyến ở một số bài, môn học; thực hiện giảm tải chương trình theo chỉ đạo… Đến thời điểm này, 100% trường đảm bảo tiến độ chương trình dạy học theo kế hoạch, chất lượng giáo dục được giữ vững. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế về công nghệ thông tin; nhiều học sinh vùng cao còn khó khăn không có điều kiện học trực tuyến, học sinh nghỉ ở nhà nên việc quản lý, đôn đốc, liên lạc và hướng dẫn, quản lý chất lượng học tập gặp khó; hầu hết giáo viên phải làm việc gấp đôi thời gian, nhiều giáo viên là F0 nên khó khăn trong việc bố trí, phân công nhiệm vụ.
Về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp; kế hoạch triển khai chương trình, sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới; năm 2017-2018 đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà công vụ giáo viên, nhà ở học sinh bán trú, nhà vệ sinh, công trình nước; năm 2020 đã cơ bản xóa phòng học tạm… Việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương hiện đang gặp một số khó khăn trong việc biên soạn, phát hành. Sở đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về phương án in ấn, phát hành. Về việc thiếu giáo viên các bộ môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và một số môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì hiện toàn ngành thiếu trên 1.000 biên chế. Ngành đã tăng cường giáo viên giúp đỡ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục thiếu giáo viên; thực hiện thỉnh giảng; rà soát, sắp xếp cử giáo viên đi học văn bằng hai; tham mưu UBND tỉnh tuyển dụng giáo viên ở những bộ môn còn thiếu…
Về việc quy hoạch và xây dựng các công trình thủy điện, đại biểu HĐND đã chất vấn Giám đốc Sở Công thương về việc quy hoạch, xây dựng thủy điện, trách nhiệm của ngành trong việc thẩm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc nhà đầu tư dự án chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương để giải quyết kịp thời quyền lợi chính đáng của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực từ các dự án thủy điện.
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương giải trình: Gần đây, Đoàn kiểm tra của Thường trực HĐND tỉnh tổ chức khảo sát trực tiếp tại một số hộ dân bị ảnh hưởng và làm việc với UBND huyện, Công ty Thủy điện Vĩnh Hà, Bắc Cuông, Phúc Long, huyện Bảo Yên và đánh giá cơ bản các thủy điện hoàn thành hồ sơ thủ tục theo quy định để xây dựng và vận hành và Đoàn kiểm tra cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế ở các thủy điện nêu trên là đúng. Một số tồn tại, hạn chế đó là: Tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân địa phương như gây ngập úng cây trồng, làm mất diện tích sản xuất; công trình khi xây dựng không tránh khỏi việc gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến hệ thống sinh thái khu vực dự án; hệ thống đường giao thông xuống cấp. Các dự án thủy điện đã có một số phương án khắc phục ảnh hưởng; Sở Công thương tiếp tục phối hợp với UBND huyện Bảo Yên đôn đốc chủ đầu tư thực hiện xong trước mùa mưa năm 2022 (15/5/2022).
Giám đốc Sở Công thương giải trình các nội dung chất vấn. |
Với nội dung chất vấn về tình trạng các nhà đầu tư không phối hợp tốt trong công tác giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân bị ảnh hưởng, hiện còn một số nhà đầu tư chưa thực sự phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết các vướng mắc, phát sinh đến đất đai, cây cối, hoa màu, tài sản của người dân khu vực lân cận dự án (khu vực giáp biên với ranh giới, phạm vi giải phóng mặt bằng nhưng chịu tác động ảnh hưởng của dự án như thủy điện Phúc Long, Vĩnh Hà, Mây Hồ). Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, sau khi nhận được thông tin phản ánh của nhân dân về các tồn tại, Sở đã phối hợp với địa phương cử đoàn công tác xuống làm việc trực tiếp với các dự án để nắm rõ thông tin, xử lý, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc kịp thời tham mưu báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các ngành có liên quan. Tuy nhiên, với nhiều lý do khách quan, chủ quan dẫn đến việc giải quyết phát sinh, tồn tại còn chậm trễ. Sở Công thương cũng đã đề xuất một số giải pháp liên quan đến công tác quản lý, chế tài xử lý các vi phạm hoặc các nhà đầu tư khi không phối hợp với địa phương trong thực hiện vai trò, trách nhiệm theo quy định.
Kết luận tại phiên chất vấn, đồng chí Vũ Xuân Cường, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công thương đã giải trình rõ ràng, chi tiết, có những giải pháp cụ thể liên quan đến các nội dung mà đại biểu HĐND chất vấn. Với các nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đồng chí Vũ Xuân Cường đề nghị UBND tỉnh đảm bảo kinh phí thường xuyên cho hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất; ngành giáo dục rà soát biên chế và xây dựng phương án để đảm bảo tối thiểu đáp ứng được hoạt động dạy học, trước mắt là phải đủ giáo viên trong năm học này; tiếp tục có phương án dạy học đảm bảo phòng, chống dịch và phù hợp với tình hình dịch bệnh; tham mưu UBND tỉnh sớm có giải pháp đảm bảo sách, tài liệu địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đối với nội dung liên quan đến quản lý các công trình thủy điện, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Sở Công thương tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát, đánh giá tác động môi trường ở các công trình đang vận hành và các công trình trong thời gian tới; có những giải pháp kịp thời, cứng rắn, yêu cầu các chủ đầu tư khắc phục những tác động xấu đến môi trường, đời sống của người dân; chính quyền các địa phương phối hợp với các ngành chủ động, tích cực giải quyết kịp thời, khắc phục những tác động đến đời sống của người dân, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư trước những tác động phát sinh từ dự án…
https://baolaocai.vn/bai-viet/354664-thuong-truc-hdnd-tinh-hop-phien-thuong-ky-lan-thu-9