Cây mận hậu đại thụ quý hiếm ở Sa Pa
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Công ty Du lịch sinh thái Cát Cát (Sa Pa) cho biết, cây mận hậu giống Tả Lý này là của gia đình anh Lê Xuân Thắng, ở đường Sở Than, phường Sa Pa.Cây mận có gốc rất to, chìm trong đất do quá trình gia đình san gạt đất làm nhà, nay từ gốc vươn lên 5 cành to như 5 thân cây chụm lại, tán vươn cao bằng ngôi nhà 2 tầng.
Cây mận Tả Lý hơn 60 tuổi thường nở hoa vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch. Ảnh: Nguyễn Trung Kiên |
Theo chị gái anh Thắng, cây mận này do bố chị xin giống về trồng từ năm 1961. Sau quá trình làm vườn và mở rộng đất làm nhà, nhiều cây mận cùng trồng dịp đó đã bị chặt từ lâu, chỉ còn 1 cây được gia đình giữ lại. Điều đặc biệt, cây mận nở hoa muộn, thường là cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch mới đơm nụ, nở hoa. Vì thế, khi quả chín thường vào dịp tháng 6, đây là thời gian hết mùa thu hoạch mận hậu Sa Pa nên giá bán cao.
Là giống mận hậu Tả Lý, quả chín có màu vàng nhạt trông hấp dẫn, quả to bằng quả trứng gà, hạt nhỏ, thịt mềm ngọt.
Cây mận hậu cổ thụ này càng già càng sai quả, bình quân mỗi năm gia đình thu khoảng 500 - 600 kg quả, năm thu nhiều nhất được hơn 1 tấn quả.
Năm giá rẻ bán 40.000 đồng/kg, năm cao nhất được 100.000 đồng/kg, còn bình quân 50.000 - 60.000 đồng/kg, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Trung Kiên cho biết, đây là cây mận hiếm có ở địa bàn thị xã Sa Pa, đặc biệt hơn là loại mận hậu chín muộn nhất, quả ăn ngon, có giá bán cao.
Mong sao ngành chức năng cùng chính quyền địa phương khảo sát, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của cây mận Tả Lý này để có thể nhân giống giúp nhiều nhà vườn Sa Pa cùng trồng.
https://baolaocai.vn/bai-viet/354427-cay-man-hau-dai-thu-quy-hiem-o-sa-pa