Chuyển từ “trồng dược liệu” sang “kinh tế dược liệu”

Lào Cai có điều kiện tự nhiên, khí hậu đa dạng, thuận lợi cho phát triển cây dược liệu. Lào Cai đang sở hữu khoảng 850 loài cây thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác; 78 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Những năm gần đây, Lào Cai xác định dược liệu là cây chủ lực, mũi nhọn để tập trung phát triển.

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có hơn 3.500 ha trồng các loại dược liệu chính, trong đó có 140 ha với 11 loại cây đã được Bộ Y tế đánh giá đạt tiêu chuẩn GACP-WHO trong sản xuất dược liệu. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp có xu hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thì việc chuyển từ “trồng dược liệu” sang “kinh tế dược liệu” là xu hướng tất yếu.

Nghiên cứu Chiến lược phát triển ngành dược liệu tỉnh Lào Cai, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Ơn, giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội cho rằng, Lào Cai cần định hướng lại, từ trồng cây thuốc sang kinh tế thảo dược (từ trồng dược liệu sang kinh tế dược liệu). Một trong những tiềm năng lớn có thể khai thác khi phát triển kinh tế dược liệu tại Lào Cai là gắn với du lịch.

Trồng cây dược liệu mang lại lợi ích kép, vừa phát triển kinh tế, vừa phát triển du lịch.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển, việc chăm sóc sức khỏe ít nhiều có liên quan đến y học cổ truyền hoặc thuốc từ dược thảo truyền thống. Với sự tăng trưởng kinh tế, thu nhập và đời sống người dân được cải thiện, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên đang là xu hướng chung của cả thế giới. Tại Việt Nam, dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng nguồn dược liệu trong nước mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chế biến, còn lại phải nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore (chủ yếu là dược liệu trồng). Trong khi đó, Việt Nam lại xuất khẩu chủ yếu nguyên liệu dược liệu tự nhiên, dược liệu hữu cơ (được coi là có giá trị kinh tế và y dược cao), đây cũng là ưu thế để đưa sản phẩm dược liệu của Việt Nam đến các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu…

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng dược liệu và sản phẩm dược liệu trong nước tăng dần trong những năm gầy đây và dự kiến tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên. Hơn nữa, các ưu điểm của dược liệu như an toàn, lành tính, hiệu quả và giá cả cạnh tranh là yếu tố cốt lõi giúp các sản phẩm từ dược liệu được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng. Ngoài ra, không chỉ là thuốc, xu thế mỹ phẩm dùng nguyên liệu từ thiên nhiên thay thế nguyên liệu tổng hợp đã chiếm 90% tổng số mỹ phẩm được sản xuất.

Các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch ngày càng phát triển, đặc biệt là các mô hình du lịch dịch vụ tắm thuốc, ngâm chân, xông hơi và các sản phẩm từ dược liệu làm quà tặng như cao atiso, các loại trà thảo dược, tam thất, các loại mỹ phẩm từ dược liệu… Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, lượng khách du lịch đến Lào Cai có khả năng tăng mạnh (dự báo trên 5 triệu lượt khách/năm), nếu mỗi du khách mua hoặc sử dụng 1 sản phẩm/dịch vụ từ thảo dược thì giá trị thu được sẽ rất lớn (giá trị ước đạt trên 500 tỷ đồng).

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong bối cảnh ngành nông nghiệp bắt đầu có chuyển hướng lớn từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì việc chuyển từ “trồng dược liệu” sang “kinh tế dược liệu” là rất cần thiết.

Theo ông Tô Mạnh Tiến, phải xác định rõ và đánh giá chính xác các yếu tố, đó là lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, định hướng thị trường, gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả, hợp tác và liên kết, nền kinh tế tuần hoàn, xây dựng thương hiệu, phát triển nhân lực, phát triển bền vững.

Các địa phương vùng cao đang chuyển dần từ trồng dược liệu sang kinh tế dược liệu.

Cùng với đó, lựa chọn và phân loại cây thuốc mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh hoặc có thị trường lớn, phục vụ chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh theo các xu hướng lớn. Trong đó, tập trung phát triển chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có thế mạnh của Lào Cai, gồm quế vừa làm thuốc vừa làm gia vị và hương liệu; atiso tạo ra sản phẩm bảo vệ gan; chùa dù theo hướng tạo ra sản phẩm cao xoa đặc trưng, làm thuốc giảm đau, cảm cúm và hương liệu thuốc tắm. Đối với các dược liệu mang tính cộng đồng, tập trung phát triển các loài đã biết như thuốc tắm, thực phẩm từ thảo dược… tiếp tục nghiên cứu và khai thác tri thức bản địa trong tỉnh và phát triển theo chương trình OCOP. Các loài còn lại khó cạnh tranh với Trung Quốc và các địa phương khác trong nước như đương quy, xuyên khung, cát cánh, đan sâm, bạch chỉ, bạch truật, vân mộc hương, đẳng sâm, ý dĩ cần phát triển theo nhu cầu thị trường một cách chắc chắn, thông qua các hợp đồng liên kết rõ ràng, có ràng buộc lâu dài với các doanh nghiệp.

Ưu tiên đầu tư hạ tầng (hệ thống thủy lợi, hệ thống đường nội đồng...) đáp ứng yêu cầu phát triển dược liệu hàng hóa. Xây dựng cơ chế hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất nhằm thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến sâu nhóm dược liệu. Lựa chọn một số đối tác chiến lược làm đầu tàu, thúc đẩy sự phát triển của ngành dược liệu địa phương. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến sâu dược liệu tại Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa, thành phố Lào Cai…

Trao đổi kỹ thuật thu hoạch dược liệu với nông dân.

Với lợi thế về văn hóa, cảnh quan, các hoạt động du lịch trong tỉnh phát triển mạnh, cần gắn các hoạt động “kinh tế dược liệu” với du lịch, thông qua xây dựng các trục văn hóa - dược liệu, tạo các vùng tham quan trải nghiệm dược liệu, chăm sóc sức khỏe. Cụ thể,trục phía Tây: Thành phố Lào Cai - Sa Pa (Tả Phìn, Ngũ Chỉ Sơn) - Bát Xát (Pa Cheo, Y Tý, Trịnh Tường), với các dược liệu chính như atiso, thuốc tắm người Dao đỏ, giảo cổ lam, chùa dù, sâm vũ diệp, thất diệp nhất chi hoa, xuyên khung, táo mèo.Trục phía Đông Bắc: Thành phố Lào Cai - Bắc Hà - Si Ma Cai - Mường Khương với các dược liệu chính như đương quy, xuyên khung, cát cánh, đan sâm, bạch chỉ, bạch truật, vân mộc hương, đẳng sâm, tam thất. Trục phía Đông: Bảo Yên (Bảo Hà, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô) - Bắc Hà (Bản Liền, Thải Giàng Phố, thị trấn Bắc Hà) với dược liệu chính là quế…

https://baolaocai.vn/bai-viet/354421-chuyen-tu-trong-duoc-lieu-sang-kinh-te-duoc-lieu

Theo Thanh Nam/LCĐT

Tin Liên Quan

Chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp xuất - nhập khẩu

Ngày 17/4/2024, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) triển khai chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp xuất - nhập khẩu năm 2024. Chương trình nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho vay ngắn hạn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xuất - nhập khẩu phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Cảnh báo, ngăn ngừa tình trạng phương tiện Việt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc

Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế ban hành Công văn số 488/BQL -QLCK cảnh báo, ngăn ngừa tình trạng phương tiện Việt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc.

Nhộn nhịp trên công trường thi công vòm thép cầu Phú Thịnh

Những ngày này, gần một trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công cầu Phú Thịnh (TP Lào Cai) đang chạy đua với thời gian, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt vòm thép, phấn đấu hoàn thành đúng dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Ngày Quốc tế lao động (1/5).

Hội nghị xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc tổ chức tại Lào Cai

Sáng 12/4, tại thành phố Lào Cai, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất - nhập khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

UBND tỉnh làm việc với đại diện Công ty Cổ phần tập đoàn T&T

Chiều 27/3, UBND tỉnh tổ chức cuộc làm việc với đại diện Công ty Cổ phần tập đoàn T&T về các dự án Tập đoàn đang đầu tư, triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Sáng 19/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện.