Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 16/3, tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 về hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường.Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ tọa phiên họp.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội giành thời gian 1 ngày để tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn lần này tiếp tục cho thấy hoạt động giám sát của Quốc hội được thực hiện thường xuyên, liên tục, có chuyển biến tích cực, thực chất, được dư luận và cử tri đánh giá cao, góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội bám sát thực tiễn và đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
Các cơ quan của Quốc hội và cơ quan hữu quan đã chuẩn bị các điều kiện, nội dung để tổ chức phiên họp .Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn 2 vấn đề, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương và lĩnh vực tài nguyên môi trường. Đây là 2 nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống Nhân dân. Công tác quản lý nhà nước không chỉ liên quan trực tiếp đến Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên - Môi trường mà còn liên quan đến các bộ. ngành liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.
Thời gian chất vấn không nhiều, để đảm bảo hiệu quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị: Trên cơ sở các tài liệu đã gửi và quá trình công tác, kinh nghiệm thực tiễn, đại biểu nghiên cứu kỹ, tập trung vào 2 vấn đề trên, chú ý nhóm nội dung liên quan đến thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành và những vấn đề mới phát sinh, có tính cấp thiết, thời sự, ảnh hưởng trực tiếp đến Nhân dân, đến hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, đại biểu đặt câu hỏi đúng, trọng tâm, phản ánh đúng vấn đề thuộc phạm vi chất vấn. Các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ, lắng nghe ý kiến, giải trình rõ, tập trung, có câu trà lời rõ ràng, cụ thể, chắc chắn đối với từng nhóm vấn đề cả trước mắt cũng như căn cơ, lâu dài. Đối với những vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, trong quá trình trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực, bộ trưởng, trưởng ngành liên quan sẽ cùng tham gia giải trình.
Đại biểu dự họp tại điểm cầu Lào Cai qua hình thức trực tuyến
Ngay sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu đã tiến hành chất vấn nhóm vấn về thuộc lĩnh vực công thương như: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng, dầu, công tác điều hành giá xăng, dầu thời gian qua; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp đảm bảo lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản... Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chính đối với các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới sản xuất, cung ứng, điều hành giá xăng, dầu và việc giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu, nhất là tại các cửa khẩu thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc.
Ngành chức năng tỉnh Lào Cai nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu
Trả lời các nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Giá xăng, dầu thế giới tăng đột biên là do đứt gãy nguồn cung ở các nước có sản lượng dầu thô lớn, gây đảo lộn thị trường trong thời gian qua. Ở trong nước, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất xuống 80%, có lúc chỉ 55%. Hiện, Việt Nam đảm bảo nguồn cung xăng, dầu hết tháng 3. Bộ Công thương đã chỉ đạo doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu tăng gấp 2 lần bình thường, cam kết nguồn cung xăng, dầu không thiếu.
Về giá xăng, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết: Trong thời gian qua đã thực hiện điều hành giá 10 ngày/lần. Trong khi đó, biên độ tăng giá thế giới lớn thì ở Việt Nam chỉ ở mức 29%-44%, đồng nghĩa với tiệm cận ở mức thấp nhất của thế giới. Ngoài ra, Quỹ bình ổn đã trích ra từ 500-1.500 đồng/lít. Sắp tới, sẽ giảm thuế bảo vệ môi trường.
Về tình trạng ùn ứ hàng nông sản tại các cửa khẩu, Bộ trưởng Bộ Công thương lý giải: Do phía Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid”, siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nông sản Việt Nam chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch, sản phẩm chưa đạt các tiêu chuẩn do phía bạn quy định nên gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Giải quyết tình trạng này, Bộ Công thương đã nêu cao trách nhiệm, tăng cường các hoạt động giao thiệp với cơ quan hữu quan phía bạn, xây dựng quy trình thông quan, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Các tỉnh biên giới đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cũng như thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, người dân trong nước nắm bắt tình hình, đồng thời tăng cường các hình thức tiêu thụ hàng hóa trong nước và một số thị trường khác.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng khuyến cáo các ngành, doanh nghiệp sản xuất theo kế hoạch, quy hoạch, theo tiêu chuẩn của từng thị trường, khu vực. Đây mới là giải pháp bền vững, giải quyết đầu ra cho nông sản, hàng hóa...
Tiếp tục chương trình làm việc, trong buổi chiều, đại biểu dự họp sẽ tham gia chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường.
https://baolaocai.vn/bai-viet/354107-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-lao-cai-tham-du-phien-chat-van-va-tra-loi-chat-van-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi