Nâng cao đời sống người dân nông thôn
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, cùng với sự quyết tâm hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, những năm qua, ngành nông nghiệp nỗ lực nâng cao đời sống của người dân nông thôn.Thay đổi tư duy sản xuất
Những năm qua, tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi. Người dân nông thôn từng bước có tư duy đổi mới từ sản xuất nông nghiệp truyền thống, tự phát, sang sản xuất quy mô hàng hóa.
Nông thôn Phú Nhuận (Bảo Thắng) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Ngọc Bằng |
Nói về những đổi thay của quê hương, ông Lý Văn Thắng, thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng) chia sẻ: Khoảng 20 năm trước, chúng tôi chỉ quan tâm trồng ngô, khoai, sắn và cấy lúa mong đủ ăn, nhưng bây giờ, nếu vẫn chỉ làm thế thì nghèo, phải thay đổi dần. Những mảnh ruộng thụt, tôi thuê máy về đào thành ao nuôi cá. Ở Bảo Thắng có nhiều cơ sở chế biến gỗ nên chúng tôi chuyển đổi đất đồi sang trồng rừng, kinh tế của người dân khá lên rất nhiều. Chúng tôi có tiền mua xe, xây nhà, mua sắm nhiều vật dụng phục vụ cuộc sống.
Cách chuyển đổi sản xuất của gia đình ông Lý Văn Thắng cũng là cách làm của hàng chục nghìn hộ nông thôn. Bên cạnh việc sản xuất đảm bảo nguồn lương thực, người dân đã từng bước chuyển đổi sang những cây trồng có lợi thế, phục vụ chế biến, nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Từ sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún, chỉ đủ để giải quyết bài toán lương thực thì giờ đây, người dân nông thôn đã ưu tiên, dành nhiều nguồn lực cho phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hình thành những vùng sản xuất có quy mô lớn như chè, dược liệu, chuối, dứa, quế…
Những thay đổi ấy không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của sự nỗ lực lâu dài, định hướng đúng đắn từ Đảng bộ tỉnh, các địa phương và ngành nông nghiệp. Những năm 2000 trở về trước, đời sống của người dân nông thôn gặp muôn vàn khó khăn, với một nền nông nghiệp lạc hậu, sản xuất chủ yếu phục vụ tự cấp, tự túc, tỷ lệ nghèo đói rất cao. Người dân quanh năm vất vả, làm việc quần quật vẫn không đủ ăn, hiện tượng thiếu đói lúc giáp hạt xảy ra thường xuyên, nhiều hộ trên địa bàn thiếu đói quanh năm, chạy ăn từng bữa. Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ nghèo đói cao là do người dân sản xuất độc canh cây lương thực với phương thức canh tác lạc hậu, năng suất cây trồng thấp. Nhận thức được những vấn đề trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2000 - 2005 đã xây dựng 7 chương trình công tác trọng tâm với 27 đề án cụ thể hóa mục tiêu nghị quyết đại hội. Trong đó, Đề án số 01 “Tập trung nghiên cứu chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng tăng nhanh giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích canh tác. Trước hết đầu tư để chuyển nền kinh tế tự cấp - tự túc sang sản xuất hàng hóa”. Đề án đã nhóm lên ngọn lửa nhỏ, tạo tiền đề cho những chuyển dịch tích cực, mang lại những đổi thay của người dân nông thôn.
Nông thôn “thay áo mới”
Tư duy sản xuất của người dân thay đổi, đời sống được nâng lên, đi cùng với đó, diện mạo khu vực nông thôn cũng thay một “tấm áo mới”, từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Hơn 10 năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn ngày càng đồng bộ, hiện đại. 100% xã có đường giao thông được rải nhựa hoặc đổ bê tông đến trung tâm xã; 100% thôn, bản có đường tới trung tâm thôn với khoảng 98% thôn, bản có đường đi lại thuận tiện 4 mùa; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng 91,94% diện tích canh tác, sản xuất nông nghiệp; 100% xã có điện lưới quốc gia; 100% cơ sở giáo dục có nhà lớp học kiên cố tại trường chính; thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2021 đạt 29,82 triệu đồng/người, tăng 22,38 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ giảm nghèo bình quân là 5,22%/năm…
Nghề trồng dâu nuôi tằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Bảo Yên. |
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, tại khu vực nông thôn, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất đang chuyển đổi hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang, sạch, đẹp.
Dân số tỉnh Lào Cai có hơn 70 vạn người, trong đó dân số vùng nông thôn chiếm gần 80%, do vậy, việc nâng cao đời sống Nhân dân vùng nông thôn là nhiệm vụ rất quan trọng của địa phương và của các cấp, các ngành. Thời gian qua, khu vực nông thôn đã có sự cải thiện rõ rệt thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, khu vực nông thôn của tỉnh vẫn còn không ít khó khăn như tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kinh tế nông nghiệp hàng hóa chưa phát triển rộng, môi trường nông thôn chưa thực sự trong lành.
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, dân tộc miền núi và xây dựng nông thôn mới với mục tiêu xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các tiêu chí được thực hiện bền vững; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3% đến 5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6%/năm trở lên; sắp xếp khoảng 2.500 hộ ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở và cơ bản không còn hộ ở phân tán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư các hạ tầng thiết yếu.
Bên cạnh đó, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa nhằm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống Nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Ngoài ra, cần tạo đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở 5 khâu: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, để phát triển sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.
https://baolaocai.vn/bai-viet/353717-nang-cao-doi-song-nguoi-dan-nong-thon