Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền: Phục hồi sản xuất giữa đại dịch

2 năm qua (2020 - 2021), Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền - VIMICO phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19 khiến sản xuất có thời điểm bị gián đoạn.
Khai thác quặng đồng Sin Quyền.

Đánh giá về hoạt động sản xuất 2 năm qua, Phó Giám đốc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền Trần Trọng Quỳnh khẳng định, đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn, việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật theo kế hoạch của Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam - TKV giao phải điều chỉnh.

Có 3 nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sản xuất được Phó Giám đốc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền đưa ra. Đó là, đại dịch Covid-19 làm thay đổi và gián đoạn tổ chức hoạt động sản xuất của chi nhánh. Khi chưa có chủ trương chuyển từ “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, những phân xưởng có trường hợp F1 phải cách ly 14 ngày. Do đặc thù làm việc theo ca nên với quy định như vậy, hầu như phải hết thời gian cách ly thì mới tổ chức sản xuất được. Trong năm 2021, chi nhánh phải tổ chức cách ly hai đợt với gần 300 F1. Để hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất, chi nhánh đã báo cáo và đề nghị Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam - TKV, tỉnh Lào Cai cho phép tổ chức cách ly tại chỗ đối với toàn bộ chi nhánh, vừa chống dịch, vừa tổ chức sản xuất theo đúng quy định và hướng dẫn. Mặc dù vậy, sản lượng khai thác, vận tải của chinh nhánh vẫn bị giảm 30% so với kế hoạch.

Mặt khác, do độ trễ của Dự án Nâng công suất, mở rộng Nhà máy Luyện đồng 20.000 tấn/năm kéo dài, nên sản phẩm tinh quặng đồng do chi nhánh sản xuất thường xuyên bị tồn đọng. Năm 2020, chi nhánh đã phải dừng hoạt động Nhà máy tuyển quặng đồng số 1 trong 2 tháng do lượng tinh quặng đồng tồn nhiều, không có chỗ chứa. Năm 2021, mỗi tháng chi nhánh bị tồn 3.000 tấn tinh quặng đồng, khiến 2 kho chứa quặng luôn trong tình trạng quá tải, buộc phải mở rộng kho để tăng năng lực chứa.

Một khó khăn nữa là khai trường tại Sin Quyền đang bước vào giai đoạn kết thúc khai thác, đồng thời gia tăng khối lượng bóc thải từ 12 triệu m3 lên 14 triệu m3, nên thường xuyên có hơn 20 máy xúc và hàng trăm xe vận tải cùng hoạt động, dẫn đến giảm năng suất, làm tăng tiêu hao nhiên liệu do thiếu đồng bộ thiết bị. Trong khi đó, quặng nguyên khai có xu hướng giảm cả về hàm lượng và khối lượng so với tài liệu địa chất; hàm lượng quặng về tuyển đạt trung bình ≥ 0,84% Cu (trung bình các năm từ 0,9 đến 0,92% Cu), nên khâu khai thác chịu áp lực lớn để cung cấp đủ quặng cho 2 nhà máy sản xuất.

Vận hành dây chuyền tuyển quặng đồng.

Năm 2022 được xác định còn nhiều khó khăn với Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, bởi quy mô lao động tăng nhanh, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ sản xuất và đổ thải còn chậm; tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Phó Giám đốc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền Trần Trọng Quỳnh cho biết: Mục tiêu chi nhánh hướng tới là tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất; đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Cụ thể, năm 2022, chi nhánh phấn đấu thực hiện khối lượng bóc đất đá là 14,5 triệu m3 (khối lượng cao nhất từ trước đến nay); khai thác 2,2 triệu tấn quặng nguyên khai (trong đó có 100.000 tấn quặng khai thác hầm lò, tăng gần 70.000 tấn so với năm 2021); sản xuất 68.300 tấn tinh quặng đồng, 127.000 tấn tinh quặng sắt.

Để thực hiện được mục tiêu này, ngay từ đầu năm, Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền đã triển khai quản lý theo hướng tinh gọn, linh hoạt, chuyên quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn với thực tế sản xuất, đồng thời tăng cường ứng dụng tin học hóa, tự động hóa, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Xây dựng kế hoạch chi tiết để kết thúc sớm khai thác khu Tây, triển khai đổ thải bãi thải trong nhằm giảm cung độ, tiết giảm chi phí sản xuất;

gia tăng khối lượng bóc thải trong những tháng mùa khô, thời tiết thuận lợi để giảm tiêu hao vật tư, nhiên liệu cũng như đảm bảo an toàn lao động.

Trong công tác khai thác hầm lò, xây dựng biện pháp thi công khoa học, cụ thể cho từng đường lò, gương lò; nghiên cứu, ứng dụng các kinh nghiệm trong khai thác quặng hầm lò của những đơn vị khác nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo kỹ thuật và an toàn lao động. Duy trì các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ tuyển, đối với tinh quặng đồng đảm bảo hàm lượng đạt >25% Cu; tinh quặng sắt đạt hàm lượng >64% Fe, S <1%. Đồng thời, thực hiện các giải pháp nâng cao thực thu khâu tuyển trong điều kiện quặng nguyên khai có xu hướng giảm so với địa chất, như tận thu sản phẩm tinh quặng đồng, sắt tại khu vực xuất quặng tại 2 nhà máy tuyển; phối trộn quặng nguyên khai đảm bảo hàm lượng ổn định và liên tục; tận thu các bán thành phẩm tinh quặng sắt chất lượng thấp. Đảm bảo năng lực vận hành của thiết bị, nhất là các thiết bị hiện đại, các thiết bị mới được đầu tư, nâng cao hệ số sử dụng thiết bị đạt trên 80%; ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý cơ điện, đưa tự động hóa vào các khâu sản xuất, kiểm soát rủi ro của thiết bị.

Tính đến hết tháng 1/2022, Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền đã bóc đất, đá được 709.041 m3; khai thác 158.315 tấn quặng nguyên khai, quặng khai thác từ hầm lò được 3.156 tấn; sản xuất được 4.975 tấn tinh quặng đồng, 8.346 tấn tinh quặng sắt.

https://baolaocai.vn/bai-viet/353590-chi-nhanh-mo-tuyen-dong-sin-quyen-phuc-hoi-san-xuat-giua-dai-dich

Theo Thanh Nam/LCĐT

Tin Liên Quan

Giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Sáng 9/10, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức diễn đàn “Kinh doanh và pháp luật” năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Người chăn nuôi không buông xuôi

Trận mưa lũ lịch sử vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Hàng trăm hộ đang đối mặt với khó khăn, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần khi hệ thống chuồng trại nhiều năm gây dựng, vật nuôi dày công chăm sóc đã bị cuốn trôi theo dòng nước.

Các đơn vị, nhà máy sản xuất công nghiệp vận hành ổn định, an toàn

Theo tin từ Sở Công Thương, đến thời điểm này, các đơn vị, nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vận hành ổn định, an toàn.

Giữ vững đà tăng trưởng ngành công nghiệp

Không khí thi đua lao động tại các công ty, nhà máy, đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì khá sôi nổi, với quyết tâm hoàn thành sớm kế hoạch năm.

Lào Cai cần cơ cấu lại công nghiệp theo hướng "xanh", quy mô lớn và bền vững

Làm việc với tỉnh Lào Cai ngày 30/8 về triển khai hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Lào Cai cần cơ cấu lại công nghiệp theo hướng "xanh", quy mô lớn và bền vững.

Gần 90 doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan tham gia kết nối giao thương

Sáng 29/8, trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Thái Lan” lần thứ 2 tại tỉnh Lào Cai, hơn 80 doanh nghiệp của Việt Nam đã tham gia chương trình kết nối giao thương với 9 doanh nghiệp Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực spa, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và các sản phẩm sử dụng trong khu nghỉ dưỡng cao cấp.