Lùng Phình - Sắc màu văn hóa của chợ phiên vùng cao
Nằm về phía Tây Nam, cách Bắc Hà 10 km và trụ sở xã Lùng Phình 100m, trên con đường độc đạo nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên ải Si Ma Cai dẫn du khách đến với Lùng Phình. Lùng Phình có nhiều cảnh sắc thiên nhiên mà chỉ riêng nơi đây mới có, đó là những dãy núi đá chập chùng, những đám mây lưng chừng núi, khí hậu mát mẻ, núi cao xen lẫn với thung lũng và những thửa ruộng bậc thang đã tạo nên cảnh đẹp kì vĩ, thơ mộng.Lùng Phình theo tiếng quan hoả có nghĩa là Rồng Bằng. Cái tên này gắn với địa thế của chợ. Trước đây, chợ Lùng Phình họp vào Chủ nhật hàng tuần, trùng với chợ phiên Bắc Hà nên vắng vẻ tiểu thương và đồng bào tham gia. Để giúp chợ Lùng Phình phát triển, thúc đẩy giao thương hàng hóa, huyện Bắc Hà đã đầu tư kinh phí nâng cấp, mở rộng, xây mới nhiều hạng mục và quyết định đổi lịch họp chợ vào sáng thứ 6 hàng tuần.
Ngay từ sáng sớm, khi núi rừng còn đậm hơi sương, mặt trời chưa kịp ló rạng, đồng bào các dân tộc Mông, Hoa, Giáy, Tày, Phù Lá… từ các bản làng nô nức kéo nhau về chợ: người đi bộ, người đi ngựa mang theo các sản phẩm dệt may, nông sản và gia súc, gia cầm.
Chợ Lùng Phình họp vào sáng thứ Sáu hàng tuần.
Chợ phiên vùng cao Lùng Phình được chia thành các khu riêng biệt: Khu bán các loại rau, củ, quả, sản phẩm thổ cẩm; Khu gia súc, gia cầm; Khu dụng cụ đồ gia dụng; Khu ẩm thực; Khu rượu dân tộc… Sôi động nhất có lẽ là khu ẩm thực, tiếng mời chào, chúc tụng, tiếng băm chặt dao thớt náo nhiệt cả góc chợ. Tại đây, đồng bào và du khách được thưởng thức một số món ăn đặc sản dân tộc như: Món phở chua của người Phù Lá mang đậm hương vị núi rừng; Món thắng cố - món ăn đặc sắc của người Mông, nấu từ thịt ngựa cùng với những hương liệu có sẵn trong tự nhiên như gừng, thảo quả, địa điền nướng thơm và gia vị muối, bột ngọt. Nhờ bàn tay khéo léo và tài năng của người Mông mà món ăn này đã không thể quên với bất kỳ ai từng thưởng thức.
Sôi động không kém là khu buôn bán gia súc, gia cầm như: Trâu, bò, lợn, dê, chó, ngựa, gà, vịt… Không khí trong khu vực này thật náo nhiệt, người mua, kẻ bán, đứng, ngồi rải rác và cùng thỏa thuận mua bán với nhau. Mặc dù không nổi tiếng như chợ trâu Cán Cấu (Si Ma Cai) nhưng số lượng gia súc tại chợ phiên Lùng Phình cũng tới vài trăm con.
Rất nhiều hàng hóa được bày bán trong phiên chợ vùng cao Lùng Phình. Khu chợ rau, củ quả xanh ở chợ cũng rất hấp dẫn với nhiều sắc màu của ớt đỏ tươi, rau xanh mướt, sáp ong vàng nghệ, cuốc xẻng đen đậm... Các sản vật bày bán được đựng trong chiếc thồ nhỏ hay bầy bán luôn xuống đất.
Khu bày bán rượu ngôn Bản Phố.
Bên cạnh đó, chợ phiên Lùng Phình cũng có khu dành riêng cho người dân bày bán đặc sản rượu ngô Bản Phố nổi tiếng được chưng cất từ loại men làm bằng lá cây rừng và nấu bằng nước suối trên độ cao hơn 1.200m. Từng can to, can nhỏ được người bán bày ra và người mua có thể thưởng thức hương vị của rượu trước khi mua mang về.
Đến với phiên chợ Lùng Phình, du khách đang đến với ngày hội giao duyên, nơi gặp gỡ của tình yêu đôi lứa. Đối với những người đã có tuổi đến chợ để trao đổi hàng hoá, buôn bán, để gặp bạn tâm giao bên chảo thắng cố hay bên mâm rượu. Với thanh niên nam nữ, chợ chính là không gian tâm tình để trao lời tâm sự, lời yêu thương, hò hẹn. Các cô gái Mông, Daođến chợ với những bộ váy áo rực rỡ còn thơm mùi chàm. Các chàng trai mang theo bên mình những cây sáo, cây kèn, chiếc đàn môi để thể hiện tình yêu, tài năng của mình cho đối tượng đang tìm hiểu. Họ đi chợ để chơi chợ, để tìm bạn chứ không bận tâm tính toán, bán mua. Số tiền thu được qua phiên chợ, các chàng trai dùng ngay vào buổi làm quen bên những chảo thắng cố với li rượu ngô nồng say. Khi mặt trời đã ngả xuống núi, các chàng trai chếnh choáng men rượu, má các cô gái ửng hồng. Khi đó cuộc vui bên mâm rượu mới tạm dừng nhường chỗ cho tiếng kèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi tâm tình cất lên rìu rặt, thủ thỉ, sâu lắng. Chợ tan, trai gái bịn rịn chia tay để cùng đợi chờ đến phiên chợ tới./.