Tình người La Chí

 Đến vùng đồng bào La Chí ở xã Nậm Khánh (huyện Bắc Hà) vào ngày đẹp trời cuối năm, đón chúng tôi từ trụ sở UBND xã Nậm Khánh, anh Lý A Nó, người La Chí, 26 tuổi, ở thôn Mà Phố, xã Nậm Khánh hồ hởi giới thiệu về quê hương mình.

Lý A Nó sinh ra và lớn lên ở Nậm Khánh, nhưng bố mẹ anh quê gốc ở Hà Giang. Gia đình anh Nó chuyển đến xã Nậm Khánh sống, gắn bó với miền sơn cước này từ năm 1993, đem theo hy vọng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc nơi đây. Gần 30 năm dựng xây cuộc sống nơi miền đất mới đã hun đúc tình yêu của gia đình Lý A Nó và hàng chục hộ người La Chí đối với vùng “cao nguyên trắng” Bắc Hà.

Phụ nữ người La Chí kéo sợi.

Lý A Nó tâm sự: Người dân nơi đây rất thân thiện, đoàn kết, luôn yêu quý và giúp đỡ gia đình em từ những ngày đầu đến đây. Với em, đất Nậm Khánh là quê hương thứ hai mà em và gia đình sâu nặng ân tình.

Cũng theo Lý A Nó, người La Chí đặc biệt hiếu khách. Không cần phải thân quen, chỉ cần đặt chân đến thôn người La Chí sinh sống, bước vào ngôi nhà sàn của họ thì đó đã là khách quý, không phân biệt dân tộc nào, tới từ đâu, làm công việc gì, già hay trẻ. Có lẽ nhờ vậy, chúng tôi được cả gia đình anh Nó đón tiếp nồng hậu đến mức tôi có cảm giác như mình đang được gặp những người thân ở quê nhà.

May mắn tới gia đình anh Nó đúng dịp bác của anh làm lễ cúng rằm tháng 11, nên chúng tôi được chứng kiến các nghi lễ và hiểu thêm về phong tục, tập quán của người La Chí. Theo phong tục của người La Chí, ngoài lễ mừng cơm mới vào tháng 9 âm lịch thì mỗi năm, họ chỉ cúng 3 rằm chính, vào tháng 3, tháng 7 và tháng 11; trong đó, rằm tháng 11 được người La Chí coi là lễ “khóa kho thóc” với ý nghĩa tổng kết một năm làm ăn, thu hoạch. Dịp này, người La Chí dâng mâm cúng không quá cầu kỳ, mà chỉ đơn giản là một mâm rượu, thịt và 2 đôi sừng trâu để báo với tổ tiên những việc đã làm được và chưa làm được trong năm qua, đồng thời mời ông bà, tổ tiên về ăn cơm với con, cháu.

Điều khiến chúng tôi thấy thú vị là người La Chí cúng rằm tháng 11 nhưng không chọn đúng ngày rằm, mà chỉ cần là một ngày đẹp trời, gia chủ có thời gian và chuẩn bị được đầy đủ thực phẩm thết đãi anh em, họ hàng. Mâm cúng được đặt ngay trước bếp, trên nhà sàn. Thầy cúng khấn bài cúng dài, giống như đang trò chuyện với ông bà, tổ tiên. Thi thoảng, thầy cúng lại rót một chút rượu vào sừng trâu mời tổ tiên và cùng uống. Khi lễ cúng sắp kết thúc, thầy cúng gọi 4 người con, cháu là nam thanh niên trong gia đình tới ngồi quanh mâm lễ, mỗi người cầm một sừng trâu đã được rót một ít rượu và thực hiện nghi lễ mời rượu tổ tiên trước khi cùng uống. Sau đó, các mâm cỗ gồm các món ăn từ những thực phẩm do chính tay người dân ở đây nuôi trồng, thu hoạch như gà, vịt, ngan, lợn, rau, củ, quả... tươi, ngon đãi khách.

Dệt vải là nghề truyền thống của phụ nữ La Chí.

Sau khi được thưởng thức những món đặc sản vùng cao cùng gia đình anh Nó, chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu thêm về văn hóa người La Chí. Ly A Nó nói, người La Chí chỉ có tiếng nói, thường hát đối đáp, giao duyên vào những ngày lễ, tết nhưng hiện nay, rất ít người biết hát do không có chữ viết, nên nét văn hóa này đã mai một nhiều. Người La Chí có truyền thống ở nhà sàn và dù sinh sống ở đâu cũng luôn giữ nghề dệt truyền thống. Đó là nét văn hóa riêng, độc đáo được các thế hệ người La Chí nơi đây giữ gìn và phát huy.

Khi những câu chuyện về nghề dệt được anh say sưa kể thì chúng tôi thấy một nhóm phụ nữ trong trang phục người La Chí đang tập trung ở mảnh ruộng lớn cùng rất nhiều sợi chỉ trắng được căng dài. Hóa ra, họ đang kéo sợi chuẩn bị dệt vải. Chúng tôi được biết họ đang giúp gia đình chị Lý Thị Phương, người La Chí ở thôn Nậm Khánh kéo sợi chuẩn bị dệt vải, may áo cho gia đình đón năm mới. Mỗi năm, họ thường tranh thủ lúc nông nhàn vào cuối năm để kéo sợi. Thông thường, để có đủ vải may trang phục cho mọi người trong gia đình, mỗi phụ nữ La Chí phải kéo sợi sao cho đủ dệt được từ 5 đến 11 tấm vải. Công việc kéo sợi vất vả nhưng theo chị Lý Thị Phương, đây là nghề truyền thống của phụ nữ La Chí. Từ khi mới 14 - 15 tuổi, các cô gái La Chí đã phải học se chỉ, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm để may trang phục cho bản thân và gia đình. Đến nay, đây vẫn là công việc bắt buộc, bởi hầu hết người La Chí vẫn mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt và lao động.

Chị Lý Thị Phương cho biết: Việc kéo sợi phải thực hiện trên cánh đồng vì chỉ ở đây mới đủ rộng rãi, thuận tiện để căng sợi. Công việc này rất tỉ mỉ, cầu kỳ nên cần nhiều người hỗ trợ. Vì vậy, mỗi năm, chị em trong thôn thường đổi công giúp nhau kéo sợi. Mỗi lần kéo sợi thường cần 5 - 8 người cùng làm. Để đủ sợi dệt khoảng 8 tấm vải thường mất 2 - 4 tiếng đồng hồ. Dù vất vả nhưng ai cũng vui vì như vậy tết mới có váy, áo mới mặc đi chơi.

Nhìn những đôi tay chai sạn, rám nắng, tôi hiểu những phụ nữ nơi đây không dễ dàng gì trong cuộc sống mưu sinh, ngay cả với công việc kéo sợi mỗi năm chỉ làm một lần.

Là một trong những người La Chí tại địa phương, ông Lý Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khánh thông tin: Người La Chí di cư từ huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần (Hà Giang) sang Nậm Khánh từ năm 1976, với 6 hộ đầu tiên. Số hộ tăng dần qua từng năm, tới nay đã có 66 hộ, 388 nhân khẩu, sống chủ yếu ở 3 thôn: Nậm Táng, Nậm Khánh và Mà Phố. Người La Chí rất cần cù lao động, có kinh nghiệm khai hoang ruộng bậc thang, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm và vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Những năm qua, người La Chí sinh sống trên địa bàn luôn là những công dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số hộ có mô hình kinh tế trang trại, trồng quế đem lại hiệu quả cao, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, được UBND huyện Bắc Hà tuyên dương, khen thưởng… Tuy nhiên, do trình độ hạn chế, thường sinh sống ở vùng đồi núi cao, nên phần lớn người La Chí vẫn gặp khó khăn trong phát triển kinh tế hoặc tiếp cận với công nghệ. Đó là điều khiến cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn băn khoăn, trăn trở trong việc giúp người La Chí có vươn lên.

Trên đường về trụ sở UBND xã, Lý A Nó tâm sự: Hầu hết thanh niên người La Chí rất chăm chỉ, xốc vác, chịu khó tìm tòi, học hỏi. Bản thân anh Nó, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về cũng học hỏi và rèn luyện được nhiều, biết tự xây nhà cho mình và xây nhà giúp chị gái, anh trai. Anh Nó mong có điều kiện đầu tư xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi, trồng trọt; các con, cháu người La Chí được học hành đầy đủ, có cơ hội tìm việc làm tốt ở nhiều nơi hoặc đem kiến thức và kinh nghiệm học được về giúp đỡ gia đình, xây dựng quê hương.

Hy vọng những mong muốn của Lý A Nó và những người La Chí ở Nậm Khánh sẽ thành hiện thực, để những con người chân chất, hiền lành, hồn hậu có điều kiện vươn lên, mảnh đất này mãi là nơi gắn bó, mang nặng nghĩa tình của người La Chí, họ là bông hoa đẹp trong vườn hoa 25 dân tộc Lào Cai.

https://baolaocai.vn/bai-viet/352767-tinh-nguoi-la-chi

 

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...