Kèn lễ “Laux puaz” của người Mông
Người Mông có 2 loại nhạc cụ rất đặc trưng và gần như đối nghịch nhau về không gian, nghi lễ sử dụng, đó là khèn (kênhx) và kèn lễ, tiếng Mông gọi là “Laux puaz”. Trong khi khèn được sử dụng trong các dịp cưới xin, lễ hội vui xuân, giao duyên…thì kèn lễ “Laux puaz” chỉ được dùng trong đám tang, đám ma khô và các nghi lễ cúng tâm linh.Thử kèn “Laux puaz” tại chợ phiên Bắc Hà. |
Ở các chợ phiên vùng cao của huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, bao giờ cũng có một khu vực dành riêng cho những người đàn ông bán kèn “Laux puaz”. Điều đặc biệt, người ghé qua khu bán kèn lễ hầu như chỉ là đàn ông cao niên hoặc trung niên.
Ông Giàng Seo Chô, người bán kèn Mông, nhà ở xã Bản Phố (huyện Bắc Hà) bảo, giờ ở vùng cao, số người biết thổi kèn “Laux puaz” còn ít, chủ yếu là thầy mo và các cụ cao niên. Bản thân ông Chô mãi khi cập tuổi 50 mới học thổi kèn. Ông Chô lo lắng mình đã “gần đất, xa trời”, rất muốn truyền dạy nghề làm kèn, thổi kèn “Laux puaz” cho các con trong nhà, trong họ để giữ gìn văn hóa truyền thống, nhưng rất ít người muốn theo nghề.
Theo ông Chô, việc làm và bán khèn không mang lại nhiều lợi nhuận về kinh tế nhưng đã theo nghiệp cha truyền nên ông vẫn kiên trì gìn giữ. Từ gần 20 năm nay, cứ mỗi phiên chợ ông lại xếp kèn và đồ nghề vào lù cở (gùi)đi bộ gần chục cây số đến chợ phiên Bắc Hà bán. Nói là bán chứ có khi cả mấy phiên mới có người mua một cây kèn. Ông mang kèn đến chợ chủ yếu gặp các bạn tri kỷ, tâm giao trò chuyện, biết thêm tình hình đời sống người dân trong xã, trong huyện và cùng nhau thổi các bài kèn cho đỡ quên.
Kèn lễ của người Mông độc đáo bởi hình dạng, cấu tạo và chức năng tạo âm thanh. Cấu tạo của kèn lễ “Laux puaz” gồm 3 phần: Đầu thổi, thân kèn và loa kèn, các phần có thể tháo rời thu gọn lại. Đầu thổi là một ống gỗ nhỏ, phía trên để lắp lưỡi gà, phía dưới hơi phình thông với thân kèn. Thân kèn là ống gỗ thuôn tròn khoét rỗng có chiều dài từ 30 - 40 cm, trên đó dùi 7 lỗ nhỏ thông hơi vừa ngón tay với khoảng cách đều nhau, ngoài ra có 1 lỗ ở mặt sau để khi thổi có thể phát ra âm thanh độc đáo hơn. Loa kèn cũng được làm bằng gỗ dạng phễu. Nhìn hình dáng kèn lễ “Laux puaz” của người Mông gần giống với kèn pí lè của người Giáy, nhưng bộ phận loa kèn lại làm bằng gỗ, điều này khiến âm thanh của“Laux puaz” trầm hơn (loa kèn pí lè làm bằng đồng).
Nghề làm kèn “Laux puaz” của người Mông thường theo truyền thống gia đình, mỗi vùng chỉ có một, hai nghệ nhân làm được. Người Mông thường dùng loại gỗ rừng như thông đá, kim giao hoặc pơ mu già… làm thân kèn vì những loại gỗ này sau khi phơi khô thường dẻo dai dễ khoét mà không bị nứt. Bộ phận đặc biệt nhất là lưỡi kèn thường được các nghệ nhân chọn cây lúa nếp già mang về phơi khô, sau đó cắt lấy đoạn ống rạ gần gốc mang đi tẩm ép rồi buộc 2 mảnh với nhau để thổi.
Vừa dùng nắm lá chuối khô đã vò nát để đánh bóng cây kèn mới làm, ông Giàng Seo Chô chia sẻ: Kèn chủ yếu dùng trong các nghi lễ tâm linh như tiễn đưa người chết sang thế giới bên kia, nghi lễ làm ma khô (tục lệ tiễn linh hồn người chết về với tổ tiên), nghi lễ cúng thần linh… Nói chung theo lý của người Mông, tiếng kèn giúp kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh. Mỗi nghi lễ có riêng một bài kèn và cách thể hiện nhịp điệu cũng khác nhau. Chỉ cần nghe tiếng kèn lễ, cộng đồng làng bản có thể biết nhà ai đó, dòng họ nào đó đang làm nghi lễ gì và hiểu được tâm tư, tình cảm của gia chủ muốn nói với người đã khuất, với thần linh, với trời đất...
Thường mỗi thôn người Mông sẽ có một đội thổi kèn “Laux puaz” phục vụ các đám tang, đám ma khô, lễ cúng… Đội ít nhất có 3 người thay nhau thổi hoặc hòa âm với nhau. Việc chọn người vào đội kèn “Laux puaz” cũng rất cẩn thận, thường thì đội trưởng sẽ là người thổi kèn giỏi nhất, biết các nghi lễ, các thành viên còn lại phải có sức khỏe tốt, được người trong thôn,bản quý mến.
Kèn “Laux puaz” của người Mông tuy ít được sử dụng nhưng lại song hành trong đời sống sinh hoạt cộng đồng tộc người này, vì thế, dù trải qua bao đời nhưng loại nhạc cụ này vẫn được gìn giữ bảo tồn nguyên vẹn đến hôm nay.
https://baolaocai.vn/bai-viet/351691-ken-le-laux-puaz-cua-nguoi-mong