Lào Cai tiếp tục nguôn lực xây dựng nông thôn mới
Trong những năm qua, Lào Cai luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là việc triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được xác định đảm bảo thực chất, bền vững.Xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao rõ nét.
Để hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch của năm 2021, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các cơ quan, đơn vị phụ trách tiêu chí nông thôn mới rà soát, đánh giá, thẩm định các tiêu chí do đơn vị phụ trách đối với các xã phấn đấu về đích năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao năm 2021. Đôn đốc các chủ đầu tư, UBND xã, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các danh mục công trình đã giao. Tổ chức thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách theo đúng quy định, đảm bảo hoàn thành kế hoạch nguồn vốn không để kết dư nguồn kinh phí phải hoàn trả về Trung ương, đơn vị chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh…
Với phương châm “làm đâu, chắc đó”, triển khai đồng bộ những giải pháp căn cơ, không chạy theo thành tích, phấn đấu không nợ tiêu chí. Cách làm này được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai áp dụng triển khai để xây dựng nông thôn mới, để xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất và bền vững, mang lại hiệu quả và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Trong năm 2021, toàn tỉnh Lào Cai đã hoàn thành và duy trì 61/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiêu chí bình quân đạt 15,15 tiêu chí/xã (tăng 11,82 tiêu chí so với năm 2010); Thành phố Lào Cai được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; xã Xuân Quang – Bảo Thắng được UBND tỉnh công nhận đạt “Xã nông thôn mới nâng cao”; huyện Bảo Thắng đã hoàn tất hồ sơ trình Trung ương đề nghị thẩm định, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới để đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa. Xây dựng nông thôn mới tạo ra sự phát triển hài hòa giữa các vùng, đặc biệt là tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các khu vực có nhiều khó khăn như ở vùng sâu, vùng cao và vùng có nhiều đồng bào dân tộc ít người, nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng Lào Cai phát triển nhanh, mạnh, vững chắc, tiếp tục là tỉnh phát triển tốp đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc…. Tỉnh cũng đặt mục tiêu hết năm 2025, toàn tỉnh có 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, bao gồm: 3 huyện: Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên và TP. Lào Cai; 01 huyện nông thôn mới nâng cao (huyện Bảo Thắng); toàn tỉnh có 94/127 xã duy trì và đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 74% tổng số xã trên địa bàn tỉnh (tăng 37 xã so với giai đoạn 2016 - 2020). Trong đó: phấn đấu toàn tỉnh có 20 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao” và 9 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới kiểu mẫu”. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND các huyện, thị xã, thành phố công nhận 90 thôn đạt “Thôn kiểu mẫu” và 110 thôn đạt “Thôn nông thôn mới”. Bình quân tiêu chí đạt 17,3 tiêu chí/xã. Không còn xã dưới 10 tiêu chí. Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025 là 4.622.000 triệu đồng. Trong đó: vốn Ngân sách trung ương trực tiếp đầu tư là 1.050.000 triệu đồng; Vốn ngân sách địa phương là 1.250.000 triệu đồng; vốn lồng ghép: 1.800.000 triệu đồng; vốn doanh nghiệp hỗ trợ là 150.000 triệu đồng; cộng đồng dân cư tham gia đóng góp là 372.000 triệu đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, Lào Cai cần tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại kinh tế nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội nông thôn. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường…