Lào Cai: Chú trọng xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân
Đội ngũ doanh nhân có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Do đó, tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có năng lực, trình độ, uy tín để đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh.
Hội nghị giải đáp kiến nghị, phản ánh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Lào Cai năm 2021
Tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Lào Cai đã triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Những năm qua, để thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp, tỉnh Lào Cai đã công khai minh bạch Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm quyền lợi đầu tư, giảm rủi ro kinh doanh cho doanh nhân khi tham gia hoạt động đầu tư kinh doanh tại địa phương.
Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong đó chú trọng đến cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, giảm thiểu thời gian giao dịch, tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải - xây dựng... Thực hiện cắt giảm 30% thời gian giải quyết TTHC đối với 731/1.995 TTHC, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong việc tham gia giải quyết TTHC.
Lào Cai cũng thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; qua đó tiếp nhận những phản ánh, vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm, kịp thời. Hàng năm lãnh đạo tỉnh Lào Cai đều tổ chức hội nghị đối thoại, tiếp xúc, gặp gỡ với doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn tỉnh; trong các hội nghị tiếp xúc, nhiều ý kiến, kiến nghị, thắc mắc của doanh nghiệp, người lao động được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương giải đáp; đồng thời thông qua đó, các doanh nghiệp, người lao động cũng đưa ra các đề xuất, hiến kế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Những chuyển biến tích cực
Thực tế cho thấy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, nhận thức của cả hệ thống chính trị về vai trò của đội ngũ doanh nhân có chuyển biến tích cực, rõ rệt. Các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, hướng hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nếu như năm 2015, toàn tỉnh có 1.826 doanh nghiệp thì đến nay đã có trên 3.300 doanh nghiệp, hàng trăm họp tác xã, trang trại đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp với hàng ngàn doanh nhân đang tích cực làm việc, cống hiến với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”. Đóng góp của khu vực doanh nhân, doanh nghiệp (kinh tế tư nhân) chiếm tỷ trọng trung bình khoảng 28% GRDP của tỉnh, là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ba khu vực ngoài nhà nước (tư nhân, tập thể, cá thể). Đóng góp trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục tăng về tỷ trọng, từ 15,8% năm 2011 lên 42,7% năm 2019 (năm 2020 giảm xuống còn 27,2% do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Năm 2011 với trên 42,26 nghìn lao động làm việc trong các doanh nghiệp, đến năm 2020 đã tăng lên lên gần 80 nghìn lao động, bình quân tăng 9%/năm; tiền lương bình quân trong doanh nghiệp Nhà nước đạt khoảng 8,8 triệu đồng/người/tháng, doanh nghiệp dân doanh 6,2 triệu đồng/người/tháng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 6 triệu đồng/người/tháng;… góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, từ năm 2011 đến nay, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh về số lượng, quy mô và chất lượng; nhiều doanh nghiệp đã thể hiện rõ bản lĩnh sáng tạo, có tầm nhìn, vươn lên cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Với phương châm “ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức Đảng”, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, có tính đột phá để đẩy nhanh tiến độ phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 21 lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng cho hơn 500 quần chúng ưu tú thuộc các doanh nghiệp; thành lập được 16 chi bộ cơ sở, kết nạp 288 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, trong đó có 18 chủ doanh nghiệp; qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đảng, chính trị - xã hội của người lao động, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa thị trường, tỉnh đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nhân về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, trang bị cho doanh nhân những kiến thức cần thiết về kinh doanh, về pháp luật và trách nhiệm xã hội…; từng bước tiếp cận chuẩn mực pháp luật quốc tế trong đào tạo quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Giai đoạn 2012 – 2020, tỉnh đã tổ chức trên 20 khóa đào tạo về Khởi sự doanh nghiệp với gần 1.400 học viên và 07 khóa Quản trị doanh nghiệp với 480 học viên là các doanh nhân, cán bộ quản lý doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đào tạo cho gần 150 nghìn lao động, trong đó đã tổ chức liên kết đào tạo cho trên 300 đơn vị, đáp ứng nhu cầu về lao động của doanh nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh Lào Cai cũng tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô; nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn thông qua đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá về các lĩnh vực, ngành nghề nhằm thu hút đầu tư, hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ về thuế, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện công tác đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu sản phẩm và áp dụng hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ…
Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã tích cực tham gia công tác xã hội, chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, xây dựng nông thôn mới… thể hiện tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua 10 năm vận động đóng góp, Quỹ vì người nghèo các cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã huy động được sự ủng hộ của các doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh được trên 100 tỷ đồng để giúp làm nhà cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở cùng nhiều góp phần cùng với tỉnh thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Thêm nhiều giải pháp
Bước sang giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu “Xây dựng đội ngũ doanh nhân Lào Cai lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội cao; tuân thủ pháp luật; có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật và thực hiện chuyển đổi số, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu”.
Theo đó, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển của tỉnh và địa phương. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động trí lực của đội ngũ doanh nhân tích cực thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; đặc biệt là thực hiện 15 đề án phát triến kinh tế, văn hóa, xã hội giai đoạn 2020-2025 của Tỉnh ủy Lào Cai. Ðẩy mạnh công tác phát triển Ðảng trong đội ngũ doanh nhân, nhất là ở các doanh nghiệp, ngành nghề giữ vị trí quan trọng của nền kinh tế.
Tiếp tục tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, thượng tôn pháp luật; hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong tình hình dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ (đặc biệt các chính sách về thuế, đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ,…); quan tâm hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nhân đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng “công nghệ xanh”, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và vận hành doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đổi mới sản phẩm dịch vụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; chú trọng xây dựng, tôn vinh, quảng bá, khẳng định giá trị hàng hóa và thương hiệu địa phương.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần quan tâm làm tốt vai trò “cầu nối” trong việc tổng hợp thông tin, phản hồi từ phía doanh nghiệp nhằm giúp cấp ủy đảng, chính quyền nắm chắc tình hình, có giải pháp kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Thông qua Hiệp hội doanh nghiệp, các Hiệp hội và tổ chức doanh nghiệp khác tập hợp ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của doanh nhân từ đó tham mưu cho tỉnh trong xây dựng, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp, doanh nhân, lợi ích của người lao động, lợi ích cộng đồng./.