Đưa hương cốm bay xa
Vừa mang ý nghĩa bảo tồn di sản văn hóa nghề truyền thống, vừa phát huy giá trị kinh tế nông nghiệp, du lịch, nhiều địa phương tại Lào Cai đã từng bước khôi phục và phát triển nghề làm cốm truyền thống.Phụ nữ dân tộc Giáy đi ngắt lúa nếp về làm cốm. |
Từ nghi lễ truyền thống…
Đồng bào các dân tộc thiểu số Lào Cai có rất nhiều nghi lễ mừng lúa mới, trong đó đồng bào Tày ở các xã Tà Chải, Bản Liền (Bắc Hà), Liêm Phú (Văn Bàn), Nghĩa Đô (Bảo Yên) có tục lệ dâng cốm; đồng bào Giáy ở các xã Tả Van (Sa Pa), Quang Kim (Bát Xát) tổ chức nghi lễ Then cốm; đồng bào Nùng Dín (Bắc Hà) cũng làm cốm để rước hồn mẹ lúa... Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, người chuyên sưu tầm và nghiên cứu văn hóa, Phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đây là nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Lào Cai. Sau một năm trồng cấy, bà con thường tổ chức nghi lễ cúng dâng lên tổ tiên những hạt cốm đầu mùa mang ý nghĩa tạ ơn thần lúa, cầu mong mùa màng năm tới bội thu…
Ông Nguyễn Thành Sinh, Bí thư Huyện ủy Văn Bàn Ngày hội “Hương cốm mới” được huyện Văn Bàn tổ chức trong tháng 10/2021 tại xã Thẳm Dương, không chỉ quảng bá sản phẩm “đệ nhất nếp” Khẩu Tan Đón của đồng bào dân tộc Thái, mà còn khích lệ bà con duy trì nguồn giống tốt, mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng. Trong thời gian tới, huyện sẽ khôi phục và phát triển một số làng nghề làm cốm ở vùng đồng bào Tày (Liêm Phú), đồng bào Thái (Thẳm Dương)... |
Đồng bào dân tộc Giáy ở Tả Van (Sa Pa) thường tổ chức ăn cơm mới vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9 âm lịch hằng năm, tùy thuộc vào thời gian lúa nếp chín. Ở Tả Van, các gia đình làm cốm mừng lúa mới, thực hiện nghi lễ cúng tổ tiên nên việc tổ chức diễn ra đơn giản hơn. Còn ở những gia đình nhà thầy Then cũng làm lễ cúng dâng tổ tiên và dâng tổ Then, việc tổ chức diễn ra rất cầu kỳ, có phần hát Then, cúng Then lâu hơn… Theo Nghệ nhân dân gian Sần Cháng, người Giáy ở Tả Van, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quan niệm truyền thống của đồng bào Giáy ở Tả Van, nếu gia đình tổ chức vào tháng 8 thì chọn ngày Dậu, nếu tổ chức vào tháng 9 sẽ chọn ngày Tuất… Đây là nghi thức độc đáo liên quan đến tín ngưỡng thờ mặt trời của cư dân nông nghiệp.
Cả người Tày và người Giáy đều tổ chức ăn cơm mới theo từng gia đình. Mỗi gia đình có thể chọn các ngày khác nhau trong tháng để mời anh em họ hàng, làng xóm đến ăn cơm mới cùng gia đình. Trong ngày tổ chức ăn cơm mới không thể thiếu nghi lễ quan trọng là rước hồn lúa và làm cốm mới. Sáng sớm diễn ra nghi lễ, phụ nữ trong gia đình ra mảnh ruộng của nhà mình, chọn những bông lúa nếp chín bánh tẻ vừa đủ độ dẻo, ngắt mang về làm cốm.
Sản vật cốm nếp cũng là món ăn truyền thống trong văn hóa ẩm thực của người Tày Liêm Phú (Văn Bàn). Vào mùa cốm, trên mâm cơm khách đặt của gia đình chị Lương Thị Hoa, chủ cơ sở dịch vụ ẩm thực đồng bào Tày ở Liêm Phú không thể thiếu đặc sản cháo cốm vịt, nhiều thực khách rất thích món độc đáo này. Chị Lương Thị Hoa cho biết: Chúng tôi cũng tổ chức ăn mừng lúa mới như một số dân tộc anh em, trong đó có làm cốm để dâng cúng tổ tiên. Cũng từ cốm, người Tày đã làm ra món cháo cốm vịt, xôi cốm và cốm rang.
Đồng bào Tày Nghĩa Đô phục dựng nghề làm cốm truyền thống. |
… đến phục dựng và phát triển làng nghề
Những năm gần đây, cốm Na Lo (xã Tà Chải) và đặc sản khẩu rang đã trở thành thức quà mùa thu của vùng cao Bắc Hà. Cốm được bày bán ở chợ phiên, ở thị trấn Bắc Hà. Những gia đình đón khách nghỉ tại nhà thì làm cốm để du khách trải nghiệm. Hương cốm Bắc Hà theo chân du khách và thương lái đi muôn nơi, đồng bào Tày ở xã Tà Chải cũng vì thế thêm thu nhập từ nghề làm cốm. Nhiều gia đình ở làng người Tày còn biết cấy lúa nếp rải vụ để có lúa nếp làm cốm trong 2 - 3 tháng. Lúa nếp ở Tà Chải và các xã quanh thị trấn Bắc Hà không đủ, nhiều gia đình phải lên tận nương lúa nếp của người Mông mua về làm cốm. Thời điểm chưa có dịch Covid-19, khách du lịch tấp nập, bà con người Tày ở làng cốm Tà Chải làm không kịp bán, giá dao động từ 120 đến 150 nghìn đồng/kg cốm xanh, chính vụ cốm, giá bán từ 100 đến 120 nghìn đồng/kg.
Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên Năm 2021, huyện Bảo Yên tổ chức phục dựng thành công nghi lễ dâng cốm và phát triển làng nghề làm cốm truyền thống của đồng bào Tày xã Nghĩa Đô. Đây là hoạt động nằm trong lộ trình phát triển du lịch cộng đồng của địa phương, nhằm tôn vinh, bảo tồn bản sắc văn hóa, tạo ra đặc sản của địa phương, phục vụ phát triển du lịch… |
Chị Lù Thị Tươi, dân tộc Tày, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cốm, khẩu rang ở thôn Na Lo cho biết: Với mong muốn duy trì và phát triển nghề làm cốm truyền thống gắn với phát triển du lịch, tôi đã quyết tâm khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu cốm. Hiện tại, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cốm và khẩu rang, nhưng bước đầu đã giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, hạn chế tình trạng đi làm xa của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại huyện Bát Xát, Hội Nông dân xã Trịnh Tường vừa ra mắt Hội nghề làm cốm xanh truyền thống của đồng bào Giáy. Cùng với các sản vật khác địa phương, đặc sản cốm truyền thống của đồng bào Giáy Bát Xát sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế du lịch.
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, nên chăng, các địa phương trong tỉnh cần có quy hoạch và định hướng trong việc phát triển và bảo tồn nghề truyền thống, trong đó có nghề làm cốm của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với những xã, huyện có tiềm năng, thế mạnh về du lịch cộng đồng theo tinh thần chỉ đạo mới đây của Chính phủ về xây dựng các mô hình bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
https://baolaocai.vn/bai-viet/349920-dua-huong-com-bay-xa