Văn hóa tạo động lực để Lào Cai phát triển
Những năm qua, Lào Cai đã có những cách làm sáng tạo và đạt nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Lào Cai, từng bước hiện thực hóa khát vọng đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.Để hiểu rõ hơn về nội dung này, nhân khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 (24/11/2021), phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Phóng viên: Thưa ông, trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Lào Cai đã đạt được những kết quả như thế nào?
Ông Dương Đức Huy: Kế thừa, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước và vùng đất biên cương Tổ quốc, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai từ khi thành lập tỉnh, đặc biệt là 30 năm từ khi tái lập (1/10/1991) đến nay đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Với sự quyết tâm trong chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cách làm sáng tạo và sự vào cuộc của cấp ủy đảng các cấp cũng như cả hệ thống chính trị, tính đến hết năm 2020, tỉnh đã đạt được một số chỉ tiêu quan trọng về văn hóa. Cụ thể: 75% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; 83% hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”; 86% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 62% di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia, 69% di tích cấp tỉnh được tu bổ, phục hồi; toàn tỉnh đạt 35% dân số và 20% gia đình thường xuyên luyện tập thể dục - thể thao, có gần 1.000 câu lạc bộ thể dục - thể thao… Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về văn hóa, Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo học tập, quán triệt, ban hành đề án, kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết một cách khoa học, nghiêm túc, khách quan.
Biểu diễn nghệ thuật trong Festival “Tinh hoa Tây Bắc - hương sắc Lào Cai”. |
Đặc biệt, chương trình “Biến di sản thành tài sản”, “Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có một loại đặc sản trở thành hàng hóa” trở thành thương hiệu của Lào Cai trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần tạo nguồn lực phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 37 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 50 di tích, danh thắng cấp quốc gia và cấp tỉnh, 1 bảo vật quốc gia; gần 20 lễ hội đặc sắc của 13 dân tộc, tiêu biểu như Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, La Chí, Hà Nhì… được khôi phục, bảo tồn. Nhiều lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phóng viên: Để có được những kết quả ấy, chắc hẳn công tác xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, thách thức, thưa ông?
Ông Dương Đức Huy: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, phát triển văn hóa của Lào Cai còn tồn tại một hạn chế như: Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu còn hạn chế; một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự chú trọng xây dựng nền văn hóa công vụ văn minh, hiện đại; còn tiềm ẩn nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng, đạo đức, lối sống; một số thanh thiếu niên còn bị tác động, ảnh hưởng bởi lối sống, văn hóa ngoại lai. Việc tổ chức sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể còn giản đơn, chưa khoa học, dẫn đến chưa tái hiện đầy đủ hệ giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc; một số tập tục lạc hậu ở vùng cao, vùng sâu vẫn còn và chậm được khắc phục.
Không những vậy, trình độ, năng lực của một số cán bộ làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu; một số chính sách đặc thù đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật còn thiếu... Những hạn chế trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn.
Phóng viên: Thời gian tới, tỉnh đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp gì để khắc phục hạn chế và phát huy hiệu quả công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Lào Cai, thưa ông?
Ông Dương Đức Huy: Trên quan điểm “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc, nguồn lực và sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Lào Cai”, thời gian tới, tỉnh xác định tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Đó là xác định xây dựng, phát triển vǎn hóa, con người Lào Cai là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, trong đó sự lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của người đứng đầu đóng vai trò quan trọng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng con người Lào Cai phát triển toàn diện, có nếp sống văn hóa, văn minh, hiện đại gắn với hội nhập, giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa, mang đậm nét đặc trưng của con người Lào Cai: “Đoàn kết - yêu nước - kỷ cương - văn minh - hiếu khách”.
Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Lào Cai gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phấn đấu tỷ lệ người tham gia luyện thể dục - thể thao thường xuyên đến năm 2025 đạt trên 37,5% và năm 2030 đạt trên 40% dân số của toàn tỉnh; tỷ lệ gia đình luyện tập thể dục - thể thao đến năm 2025 đạt trên 23% và năm 2030 đạt trên 30% hộ trong toàn tỉnh.
Tỉnh đặt mục tiêu, đến năm 2030, tỷ lệ hộ được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt trên 88%; đẩy mạnh các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường, đến năm 2025 có 100% trường học đạt danh hiệu “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”; xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa với trên 80% thôn, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” vào năm 2025 và trên 85% vào năm 2030.
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia được tu bổ, phục hồi đạt trên 75%; di tích cấp tỉnh được tu bổ, phục hồi đạt trên 80%. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu 100% huyện, thị xã, thành phố có đủ 3 thiết chế văn hóa: Nhà văn hóa, thư viện, sân vận động.
Xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, hội nhập; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm có uy tín, chất lượng, mang đặc trưng văn hóa, con người Lào Cai.
Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh và các cấp, ngành, cùng sự chung tay của toàn xã hội, tỉnh sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng, góp phần đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước trong thời gian không xa.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
https://baolaocai.vn/bai-viet/349832-van-hoa-tao-dong-luc-de-lao-cai-phat-trien