Vang mãi nhịp khèn Mông

Từ bao đời nay, tiếng khèn là sợi dây gắn kết cộng đồng, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mông. Người Mông nghe tiếng khèn từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt từ giã cõi đời. Để quê hương vang mãi nhịp khèn, người Mông ở xã Bản Phố (huyện Bắc Hà) ra sức giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa lâu đời này.

Cứ mỗi tuần 2 buổi tối, em Chấu Khái Hoàng, 13 tuổi, người Mông ở thôn Phéc Bủng, xã Bản Phố lại cùng các bạn trong thôn tới tham gia lớp học khèn Mông của Câu lạc bộ (CLB) Khèn Mông Bắc Hà. Bước sang năm thứ 2 của lớp học này, Hoàng đã biết thổi một số điệu cơ bản. Để có thể thổi được khèn và múa khèn giỏi thì em còn cần nhiều thời gian nữa. Chấu Khái Hoàng cho biết: Ngày nhỏ em thường được ông nội và bác trai dạy thổi khèn. Khi tham gia CLB Khèn Mông Bắc Hà, em được các thầy dạy nhiều hơn về kỹ thuật và ý nghĩa các bài khèn; khi không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, em còn được đi biểu diễn cùng các thành viên CLB tại chợ đêm Bắc Hà.

Câu lạc bộ Khèn Mông Bắc Hà thu hút nhiều thanh thiếu niên người Mông tham gia học thổi khèn.

Chấu Khái Hoàng hiện là 1 trong hơn 50 học viên ở 2 lớp khèn Mông của CLB Khèn Mông Bắc Hà. Được mở từ tháng 8/2020, lớp khèn Mông A1 dành cho các em từ 8 đến 10 tuổi và lớp khèn Mông A2 dành cho các em từ 11 đến 18 tuổi. Tham gia các lớp học này, các em được hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết, như kỹ thuật ngón tay, lấy hơi, hiểu cấu tạo cây khèn, học thổi những bài khèn cổ, học thổi khèn kết hợp múa… Dù nhiều thời điểm lớp học bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đến nay, các lớp học vẫn được duy trì bằng tình yêu và tâm huyết của những người nặng lòng với văn hóa dân tộc Mông cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Anh Giàng Thiên Hải, Chủ nhiệm CLB Khèn Mông Bắc Hà cho biết: Tôi là người con của đồng bào Mông, muốn thành lập CLB để góp phần gìn giữ, phát huy giá trị cây khèn truyền thống của người Mông, giúp nhiều thanh thiếu nhi ở Bắc Hà hiểu hơn về khèn, biết thổi khèn và nuôi dưỡng niềm đam mê cũng như ý thức giữ gìn nét văn hóa của người Mông trên địa bàn. Lớp học còn có sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các nghệ nhân am hiểu văn hóa Mông, khèn Mông, nên các em có thể nắm đầy đủ, bài bản về loại nhạc cụ này. Mục tiêu của CLB là kết thúc các khóa học khèn sẽ đào tạo được những thầy khèn giỏi, trở thành những “hạt nhân” nòng cốt tiếp tục truyền dạy khèn cho thế hệ sau.

Nghệ nhân Lý Seo Phổng là một trong những thầy dạy khèn cho các lớp học của CLB Khèn Mông Bắc Hà từ những ngày đầu thành lập. Ông là người am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc Mông, trong đó có nguồn gốc, ý nghĩa các bài khèn, kỹ thuật thổi hoặc múa khèn… Tâm huyết với chiếc khèn dân tộc và lo nét đẹp văn hóa này bị mai một nên ông đã nhận lời truyền dạy tại lớp khèn Mông của CLB Khèn Mông Bắc Hà cho thanh thiếu niên địa phương. Nghệ nhân Lý Seo Phổng cho biết: Học thổi khèn không khó, nhưng để thổi thành bài, thành điệu rất khó, đòi hòi người học phải kiên trì, tập liên tục. Dạy thổi khèn cho các cháu nhỏ cần dạy từ từ, kiên trì và tỉ mỉ từng nốt nhạc, kỹ thuật lấy hơi, rồi mới đến luyện bài. Cũng may là hầu hết các cháu tham gia lớp học rất yêu thích thổi khèn, lại được bố mẹ quan tâm ủng hộ nên tiến bộ nhanh.

Sau khi được truyền dạy, em Chấu Khái Hoàng thường xuyên tự rèn luyện kỹ năng.

Cũng theo nghệ nhân Lý Seo Phổng, khèn là loại nhạc cụ được dùng vào nhiều dịp khác nhau của người Mông. Mỗi dịp lại có một điệu khèn khác nhau, điệu dùng cho đám cưới, điệu dùng cho đôi lứa giao duyên, có điệu dùng khi tiễn đưa người vừa khuất… Mỗi tiếng khèn là một câu chuyện của cuộc sống, của trời và đất được kể bằng giai điệu thấm đẫm lòng người. Do đó, để trở thành người thổi khèn giỏi, múa khèn đẹp, người thổi phải có quá trình rèn luyện qua nhiều năm. Thổi khèn còn phải kết hợp với múa khèn mới tạo ra được điệu khèn Mông uyển chuyển, hấp dẫn, độc đáo. Múa khèn có nhiều điệu như “Múa nhảy đưa chân”, “Quay đổi chỗ”, “Quay tại chỗ”, “Vờn khèn”, “Múa ngồi xổm”…

Ngoài CLB Khèn Mông Bắc Hà, hiện nay, nhiều trường học nơi đây cũng đã thành lập các CLB khèn Mông ngay tại trường và mời các nghệ nhân tới truyền dạy, tạo cơ hội để các em được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội sử dụng nhạc cụ khèn Mông, vừa giúp các em học hỏi, thể hiện khả năng của bản thân, vừa tạo môi trường đậm chất văn hóa truyền thống dân tộc.

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Bản Phố cho biết: Với 100% học sinh là người Mông nên chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện để các em có thể hiểu và giữ gìn văn hóa dân tộc ngay tại trường. Cùng với việc thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa tập thể cho học sinh, thành lập CLB khèn Mông của trường với gần 200 học sinh tham gia, nhà trường còn cử 10 học sinh có năng khiếu tham gia CLB Khèn Mông Bắc Hà để về truyền dạy lại cho các học sinh khác.

Văn hóa hiện đại đang hiện diện khắp các thôn, bản vùng cao, thế nhưng niềm đam mê tiếng khèn với các thế hệ người Mông chưa bao giờ dứt. Khi những nghệ nhân lớn tuổi già yếu và ít dần thì những thanh thiếu nhi ở Bản Phố chính là thế hệ “tiếp lửa” cho tiếng khèn của người Mông mãi ngân vang.

https://baolaocai.vn/bai-viet/349784-vang-mai-nhip-khen-mong

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...