Phát triển vùng trung du và miền núi Bắc bộ: Không thể mạnh ai nấy làm
Tại hội thảo "Định hướng liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", các đại biểu đến từ các tỉnh trong khu vực đã thảo luận, chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết để phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa vùng phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Theo các đại biểu, cần có cái nhìn tổng thể, tránh mạnh ai nấy làm.Các đại biểu tham gia thảo luận. |
Cần có chính sách thúc đẩy phát triển vùng
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, liên kết phát triển vùng trung du, miền núi Bắc bộ không phải là vấn đề mới được đặt ra, trong giai đoạn phát triển hiện nay, với sự hội nhập sâu rộng thì liên kết vùng là tất yếu. Các địa phương trong vùng nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng đã nhận thức rõ điều này, tuy nhiên chưa có chính sách, thể chế cụ thể để các tỉnh triển khai.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong tham gia ý kiến tại hội thảo. |
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh, trong ba trụ cột chiến lược để phát triển toàn diện đất nước mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng thì đối với vùng trung du và miền núi Bắc bộ quan trọng là thể chế, nếu phù hợp thì sẽ thu hút nhân lực, phát huy được yếu tố con người, huy động được nguồn lực từ xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng.
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông tham gia ý kiến tại hội thảo. |
Đồng tình với quan điểm này, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho rằng, hạ tầng liên kết vùng có vai trò quan trọng; tuy nhiên, các tỉnh trong vùng còn cần có cơ chế chỉ đạo liên vùng cụ thể hơn, tránh tình trạng mạnh tỉnh nào tỉnh nấy làm. Ví dụ trong sản xuất nông nghiệp, không nên tỉnh nào cũng đầu tư nhà máy chế biến quy mô, nguồn nguyên liệu tương tự nhau, thay vào đó liên kết phát triển vùng nguyên liệu và đầu tư nhà máy sản xuất quy mô lớn ở một địa điểm phù hợp, từ đó mới tạo ra chuỗi sản xuất. Theo Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông, nên ban hành nghị quyết mới, phân quyền, phân cấp cho các địa phương mạnh hơn nữa.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý bày tỏ tư duy liên kết vùng có nhiều đổi mới, trong đó Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã chú trọng đến quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, đây là điều kiện thuận lợi cho các tỉnh xây dựng chiến lược phát triển cho mình trong tổng thể chung. Tuy nhiên, thách thức là các địa phương trong vùng có nghiêm túc tuân thủ quy hoạch không, công tác quản lý quy hoạch ra sao để không mạnh ai nấy làm, thay đổi quy hoạch tùy tiện.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy tham gia ý kiến tại hội thảo. |
Nhấn mạnh đến trách nhiệm của từng địa phương trong sự phát triển chung của vùng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng, những năm qua, vùng trung du và miền núi Bắc bộ nói chung và mỗi địa phương trong vùng nói riêng đã định vị rõ tiềm năng, thế mạnh của mình cũng như định hướng được các lĩnh vực cần tập trung để tạo động lực phát triển. Tuy nhiên, nhận thức chung về trách nhiệm phát triển vùng của mỗi địa phương chưa rõ ràng, thống nhất; chưa chú trọng xây dựng thể chế kiểm soát, thúc đẩy liên kết vùng, việc hoạch định chính sách, xây dựng chương trình còn đang lúng túng. Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, vùng phải đảm nhiệm nhiều chức năng, từ an ninh, quốc phòng đến bảo vệ nguồn sinh thủy, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số... trong nhiều chức năng như thế khi nguồn lực có hạn, nên ưu tiên cho chức năng nào cũng là bài toán khó. Để phát triển vùng toàn diện, cần có thể chế, mô hình quản lý cấp vùng, nguồn lực đầu tư, danh mục đầu tư cấp vùng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, cần thiết phải xây dựng được một hội đồng điều phối vùng để xác định những hướng ưu tiên như tập trung xây dựng vùng động lực, cực tăng trưởng phù hợp, hỗ trợ thu hút đầu tư, đào tạo lao động...
Đầu tư hạ tầng giao thông kết nối
Đối với vùng trung du và miền núi Bắc bọ, việc nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng có ý nghĩa rất lớn, đặt biệt là hạ tầng giao thông trong kết nối nội vùng và liên vùng. Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW đã nêu rõ ưu tiên hàng đầu là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đẩy nhanh xây dựng và nâng cấp hệ thống đường bộ, đặc biệt là các dự án giao thông, trục kết nối liên tỉnh, liên vùng, hệ thống đường cao tốc, đường bộ... phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh, đây là vùng có chiến lược đặc biệt nên phải có sự quan tâm thống nhất đặc biệt, trung ương cũng có sự quan tâm hơn; không chỉ phát triển kinh tế mà phải giải quyết tốt các vấn đề môi trường, xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh tham gia ý kiến tại hội thảo. |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh, tính kết nối hạ tầng giao thông của vùng hiện chưa đáp ứng yêu cầu, các tỉnh trong vùng chủ yếu chỉ phát triển dựa vào đường bộ, nhiều tỉnh chỉ có đường độc đạo, vì vậy tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, mở các tuyến kết nối ngang giữa các tỉnh là hết sức cần thiết. Để huy động sử dụng nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển cần có "nhạc trưởng" điều phối, phân bổ hợp lý.
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ tham gia ý kiến tại hội thảo. |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ, thời gian qua, Chính phủ, bộ, ngành quan tâm phân bổ nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông cho các địa phương, trong đó có Lai Châu, góp phần kết nối các nội vùng và liên vùng, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do địa hình chủ yếu là đồi núi cao, địa hình chia cắt nên việc đi lại, giao thương gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, hạ tầng giao thông vùng trung du và miền núi Bắc bộ cần được tiếp tục quan tâm đầu tư, tạo liên kết vùng để các tỉnh cùng hưởng lợi.
Dẫn chứng về việc sân bay Điện Biên được phê duyệt đầu tư nâng cấp nhưng kết nối giao thông từ sân bay đi khu vực lân cận còn hạn chế, không đồng bộ dẫn đến lãng phí trong đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng cho rằng, đầu tư hạ tầng giao thông cần đảm bảo đồng bộ, hoàn thiện và kết nối. Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng cũng bày tỏ nguồn lực đầu tư cho hạ tầng từ ngân sách khó khăn nhưng chưa có cơ chế chính sách phù hợp để huy động nguồn lực từ xã hội, đây cũng là vấn đề cần được sớm tháo gỡ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang Lê Thị Kim Dung tham gia ý kiến tại hội thảo. |
Cùng với các trục giao thông kết nối Bắc - Nam, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang Lê Thị Kim Dung, cần đầu tư nâng cấp thêm các tuyến kết nối Đông - Tây, điều này sẽ tăng tính liên kết đối với các tỉnh vùng lõi, không có nhiều loại hình giao thông, không có cao tốc chạy qua như Hà Giang, Tuyên Quang. Muốn có hệ thống hạ tầng tốt, các tỉnh phải đồng thuận trong kết nối tuyến, giải phóng mặt bằng. Cũng nhấn mạnh đến khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư hạ tầng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang Lê Thị Kim Dung phân tích thêm vận động 1 dự án đôi khi mất nhiều thời gian, có dự án khi hoàn thành không còn nhiều ý nghĩa như xây dựng mục tiêu ban đầu, vì vậy cần cơ chế phân bổ vốn nhanh và phù hợp cho các tỉnh để dự án sớm được triển khai và phát huy hiệu quả.
https://baolaocai.vn/bai-viet/349563-phat-trien-vung-trung-du-va-mien-nui-bac-bo-khong-the-manh-ai-nay-lam