Nhiều bước đột phá trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở Lào Cai
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực chất, duy trì vững chắc và nâng cao chất lượng, hiệu quả phổ cập giáo dục; đẩy mạnh phân luồng học sinh; phát triển giáo dục dân tộc; chuẩn hóa giáo dục vùng cao; tạo đột phá về ứng dụng CNTT và giáo dục STEM,… là các giải pháp được Lào Cai triển khai nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản các chỉ số giáo dục vùng cao đứng đầu cả nước.
Lãnh đạo tỉnh tặng lẵng hoa chúc mừng ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh
tại Lễ tuyên dương khen thưởng nhà giáo tiêu biểu năm 2021.
Những dấu ấn quan trọng
Thời gian qua, công tác quy hoạch, phát triển quy mô mạng lưới trường lớp luôn được tỉnh Lào Cai quan tâm đầu tư nhằm từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, đặc biệt là ở vùng cao, vùng khó khăn. Năm 2015, tỉnh Lào Cai phê duyệt Đề án rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai. Sau 6 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã sáp nhập 137 trường thành 67 trường, giảm 70 trường, tăng 5,4% so Đề án. Sáp nhập 232/194 điểm trường lẻ mầm non với tiểu học, tăng 19,58% so kế hoạch; xóa 92/41 điểm trường, đạt 224,4%; qua đó đã đưa 18.191/8.300 học sinh ở điểm trường lẻ về trường chính, đạt 219,2% mục tiêu đề án; nâng cấp 04 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và THPT, tiết kiệm trên 700 biên chế.
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 612 cơ sở giáo dục (bao gồm cả 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên) với 8.242 lớp và trên 227,7 nghìn học sinh; trong đó, có 390/612 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia (chiếm 63,7%). Toàn tỉnh hiện có gần 18 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học (năm 2021, có 612 nhà giáo tiêu biểu được Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh khen thưởng). Đặc biệt, tỷ lệ giáo viên đang công tác ở xã, thôn bản chiếm 65%. Toàn tỉnh có 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Đội ngũ giáo viên, cán bộ đã từng bước được nâng cao chất lượng, căn bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới về giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.
Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, tỉnh Lào Cai đã tập trung ưu tiên, huy động nhiều nguồn lực xã hội, lồng ghép các chương trình, dự án. Đến nay toàn tỉnh có 8.384 phòng học; trong đó có 6.270 phòng kiên cố (chiếm 74,9%); 1937 phòng bán kiên cố (chiếm 23,1%). Thiết bị dạy và học cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục – đào tạo. Cơ bản các trường học có nước sạch, điện lưới quốc gia và được kết nối mạng Internet.
Đối với công tác phổ cập giáo dục, từ năm 2013, tỉnh Lào Cai đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Từ năm 2000, Lào Cai được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, từ đó đến nay công tác phổ cập giáo dục tiểu học tiếp tục được đẩy mạnh và duy trì vững chắc ở 152/252 xã, phường thị trấn; trong đó có 150 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học ở mức độ 3. Năm 2007, Lào Cai đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Hiện nay, tiếp tục duy trì chuẩn ở 152/152 xã, phường, thị trấn.
Theo thống kê, năm 2014, Lào Cai có 9,7% dân số trong độ tuổi 15 - 60 mù chữ; do đó, tỉnh đã xây dựng Đề án xóa mù chữ giai đoạn 2015 - 2020, chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc huy động, vận động người mù chữ ra lớp. Đến hết năm 2020, tỉnh đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; số người trong độ tuổi 15-60 biết chữ đạt 94,2%; toàn tỉnh có 7/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và 145/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2. Đồng thời, hệ thống trung tâm học tập cộng đồng được củng cố ở 100% xã, phường, thị trấn đã góp phần làm thay đổi rõ rệt toàn diện sự nghiệp giáo dục của địa phương.
Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục có những chuyển biến rõ nét, thực chất hơn, toàn diện hơn ở cả ở vùng thấp và vùng cao. Có nhiều sáng tạo trong đổi mới giáo dục, nhất là giáo dục tiểu học, giáo dục vùng cao, trường dân tộc bán trú. Nhiều mô hình giáo dục hiệu quả như: trường học “Nông trường, nông trại”, “Du lịch, sinh thái”; trường học “Đa văn hóa” đã phá huy ưu thế, đạt được kết quả bước đầu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới quản lý, phương pháp giáo dục.
Đặc biệt, cách đây 5 năm, khái niệm về trường học chất lượng cao, trường học thông minh đối ở Lào Cai còn khá xa lạ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành Giáo dục – đào tạo tỉnh đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý. Để tạo bước đột phá và điểm nhấn trong giáo dục hội nhập, những năm qua, việc dạy học tiếng Anh và tiếng Trung Quốc được đẩy mạnh. Các trường học ở thành phố Lào Cai cũng tiếp nhận nhiều tình nguyện viên nước ngoài đến giảng dạy ngoại ngữ. Đặc biệt, nhiều trường học ở Lào Cai đã tổ chức các giờ học kết nối với giáo viên và học sinh các nước như Anh, Mỹ, Singapore, Ấn Độ…; các hoạt động trải nghiệm, giáo dục STEM, khuyến khích ý tưởng sáng tạo của học sinh; những mô hình mới và hiện đại này, đang trở thành mục tiêu phấn đấu của không ít trường học trên địa bàn tỉnh
Khảo sát thực tế tại Trường THPT Chuyên Lào Cai, hiện nay 4 chương trình giáo dục thông minh đang được triển khai, đó là: Wifi thông minh, thẻ học sinh thông minh, học và thi kết nối trực tuyến, quản lý hệ thống bài giảng và giáo án điện tử của thầy cô giáo qua mạng internet. Điều thú vị là phần mềm học và thi kết nối trực tuyến là một mô hình dạy học đảo ngược, học sinh được chủ động tiếp cận trước kiến thức qua phần mềm, sau đó cùng thảo luận tại giờ học trên lớp, qua đó phát huy tính sáng tạo và chủ động trong giảng dạy và học tập của thầy và trò.
Công tác bồi dưỡng, phát hiện học sinh giỏi, năng khiếu, nghiên cứu khoa học kỹ thật được chú trọng, đạt kết quả vượt bậc. Năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở cả vùng thấp, vùng cao; kết quả chất lượng giáo dục mũi nhọn được giữ vững. Nổi bật là 554 học sinh tiểu học, THCS đoạt giải tại các cuộc thi quốc tế; 48 học sinh đoạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia; trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia có 2 dự án tham gia và đoạt 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, trong đó 1 dự án tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế đã được Hội Khoa học Tâm lý Hoa Kỳ trao giải Ba và Hội Thống kê Hoa Kỳ tặng Bằng khen; Cuộc thi Phát minh và Sáng chế công nghệ tổ chức ở Ba Lan có dự án của học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai đã xuất sắc giành Huy chương Vàng…
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; do đó việc tổ chức dạy và học trực tuyến phòng chống dịch COVID-19 luôn được ngành Giáo dục – đào tạo chú trọng thực hiện với chủ đề: “Mỗi nhà trường là một pháo đài phòng, chống đại dịch; mỗi thầy cô giáo và học sinh là một chiến sỹ đi đầu trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về công tác phòng, chống COVID-19 và dạy trực tuyến”, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã kịp thời chỉ đạo toàn ngành triển khai dạy trực tuyến cho học sinh, cùng với sự kiểm soát chặt chẽ của giáo viên qua internet để lựa chọn hình thức phù hợp đối với từng nhóm học sinh là phương thức dạy học chính trong giai đoạn này. Vừa chống dịch, vừa bảo đảm được chất lượng giáo dục đã tạo nên dấu ấn đặc biệt của toàn Ngành trong các năm học từ năm 2020 đến nay.
Kết thúc năm 2020, lần đầu tiên tỉnh Lào Cai có học sinh THPT được kết nạp Đảng, đó là em Thái Bá Minh lớp 12D1 Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai được kết nạp Đảng ngày 26/6/2020 tại Chi bộ Đảng Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai. Đây là niềm tự hào của học sinh Lào Cai, cũng là sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của học sinh Lào Cai trong thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Duy trì bền vững
Bước sang giai đoạn 2021- 2025, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Dương Bích Nguyệt, để phấn đấu đến năm 2025, giáo dục vùng cao Lào Cai là một trong các tỉnh đứng tốp cả nước, đến năm 2030 đứng tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh quyết tâm nâng cao và duy trì bền vững chất lượng giáo dục toàn diện.
Theo đó, Ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh tiếp tục xây dựng và triển khai quy hoạch mạng lưới trường, lớp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tích hợp trong quy hoạch tỉnh Lào Cai); trong đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường, lớp cụ thể đến từng lớp, từng thôn, bản; đây là một nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện giảm số lượng trường, xóa, gộp điểm trường, giảm lớp, giảm học sinh ở điểm trường lẻ, tăng số học sinh ở trường chính, tăng số học sinh/lớp để tập trung đầu tư; gắn sắp xếp trường, lớp với thực hiện tinh, giản biên chế, đáp ứng tốt nhu cầu học học tập của nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, trường trung học phổ thông chuyên; trường chất lượng cao để các trường này trở thành hệ thống trường nòng cốt, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực.
Triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội; đổi mới mạnh mẽ đồng bộ về nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Đánh giá, tổng kết và nhân rộng các mô hình trường học, mô hình tổ chức các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp giáo dục, mô hình quản lý giáo dục hiệu quả. Chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, kỹ năng sống; phát huy tính tích cực, chủ động, năng lực sáng tạo của học sinh, sinh viên. Mở rộng, nâng cao chất lượng dạy học môn tin học, môn ngoại ngữ ở các cơ sở giáo dục. Đánh giá, tổng kết và nhân rộng các mô hình trường học, mô hình tổ chức các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp giáo dục, mô hình quản lý giáo dục hiệu quả của giáo dục Lào Cai.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá một cách sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Huy động nguồn xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; đảm bảo đủ thiết bị dạy học. Từng bước đầu tư xây dựng trường học hiện đại, chất lượng cao, trường học thông minh.
Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua, hướng tới thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm học; chú trọng xây dựng điển hình tiên tiến, mô hình giáo dục, gương người tốt, việc tốt, cách làm sáng tạo gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện đổi mới giáo dục./.