Đại biểu Hà Đức Minh hiến kế phục hồi nền kinh tế thông qua hai giải pháp tăng mức bội chi ngân sách và nới trần nợ công
Phát biểu tại phiên thảo luận, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vào chiều 9/11, đại biểu Hà Đức Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã hiến kế phục hồi nền kinh tế thông qua hai giải pháp là tăng mức bội chi ngân sách và nới trần nợ công.Ngày 9/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024.
Đại biểu Hà Đức Minh phát biểu tại phiên thảo luận chiều 9/11. |
Tại phiên thảo luận, có 60 ý kiến phát biểu, 2 ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội, trong đó, đại diện cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Hà Đức Minh phát biểu trực tiếp tại hội trường với hiến kế phục hồi nền kinh tế thông qua 2 giải pháp tăng mức bội chi ngân sách và nới trần nợ công.
Đại biểu Hà Đức Minh nhấn mạnh: Sau gần hai năm bùng phát, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo với sự xuất hiện các biến chủng mới có khả năng lây nhiễm mạnh hơn. Khoa học đến nay chưa xác định rõ liệu dịch Covid-19 sẽ trở thành một dịch bệnh đặc hữu (như cúm mùa) hay dịch thông thường có thể đẩy lùi triệt để, do đó chưa thể dự báo thời điểm kết thúc dịch Covid-19.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nhà khoa học hàng đầu nhận định dịch Covid-19 chưa thể được kiểm soát trong năm 2021 - 2022, có thể kéo dài nhiều năm vì phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là tốc độ và phạm vi tiêm chủng, hiệu quả bảo vệ của các vắc -xin trước các biến chủng mới. Vì vậy, các nước dường như mặc nhiên xác định dịch Covid-19 kéo dài, là một yếu tố phải tính đến trong hoạch định và thực thi chính sách.
Ý kiến của đại biểu Hà Đức Minh nêu rõ, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết thể hiện quyết tâm tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch; nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và nhiều gói hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đời sống nhân dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều vấn đề dẫn đến chưa phát huy được hết hiệu quả, một trong các nguyên nhân đó là các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế của Việt Nam hiện nay mới dừng ở khoảng 2% GDP, trong khi các nước trên thế giới đã là từ 3%-6%, thậm chí tới 10% GDP.
Tham gia đóng góp ý kiến, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho rằng, cần có những dự báo tình hình tích cực hơn, từ đó có chiến lược ứng phó, các kế hoạch phát triển toàn diện trước tình hình phức tạp của bệnh dịch Covid-19. Chiến lược đó phải dựa trên tổng nguồn lực sẵn có, nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, nhu cầu đầu tư mua sắm các trang thiết bị y tế và quan trọng nhất là dự kiến nhu cầu vắc -xin.
Theo đại biểu Hà Đức Minh, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cần đảm bảo 5 mục tiêu là: Linh hoạt các phương án phòng, chống và kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, nâng cao khả năng chữa trị bệnh cho hệ thống y tế; bảo đảm việc làm cho người dân và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khởi động lại các hoạt động kinh tế sau phong tỏa, giãn cách; tái cấu trúc nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt trước thảm họa; tăng cường khả năng đối phó với các thảm họa trong tương lai.
Dẫn chứng của đại biểu Hà Đức Minh là đến tháng 8/2021, có 57/63 địa phương đã sử dụng hết nguồn dự phòng ngân sách địa phương, 8/63 địa phương đã sử dụng tối đa 70% số dư quỹ dự trữ tài chính, trong khi nhu cầu kinh phí dự kiến thời gian tới còn rất lớn, bởi vậy đại biểu đề xuất với Quốc hội thực hiện 2 giải pháp là tăng mức bội chi ngân sách và nới trần nợ công.
Lý giải về việc cần thiết tăng mức bội chi ngân sách, đại biểu Hà Đức Minh cho rằng, hiện bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 là gần 344 nghìn tỷ đồng, bằng 4% GDP, dự kiến phương án đang trình ra Quốc hội năm 2022 là gần 373 nghìn tỷ đồng, cũng bằng khoảng 4% GDP. Trong khi đó, tổng chi đầu tư phát triển năm 2022 dự kiến tối thiểu là 526 nghìn tỷ đồng (trong đó ngân sách địa phương là 304 nghìn tỷ đồng, ngân sách trung ương là 222 nghìn tỷ đồng), như vậy dư địa bội chi theo Luật Ngân sách nhà nước còn khoảng 153 nghìn tỷ đồng, nên đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu xem xét tăng bội chi ngân sách thêm khoảng 100 nghìn tỷ đồng để có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển mà vẫn được giữ được giới hạn an toàn.
Đối với việc đề xuất nới trần nợ công, đại biểu Hà Đức Minh cho rằng, mức quy định là khoảng 60% GDP nhưng trên thực tế mới đạt khoảng 44%-45% GDP, nên hoàn toàn có thể nới trần nợ công lên 50%-52% GDP để huy động nguồn lực chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Đại biểu Hà Đức Minh còn nêu ý kiến trước Quốc hội: Với các địa phương, nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khá quan trọng, nhất là những nơi chưa tự cân đối được ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm dần sự chênh lệch giữa các vùng, miền. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét để tăng hạn mức dư nợ của địa phương từ 20% (theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước) lên 30% số thu được hưởng theo phân cấp để đảm bảo trần nợ công theo kế hoạch vay và trả nợ giai đoạn 2021 - 2025.
https://baolaocai.vn/bai-viet/349289-dai-bieu-ha-duc-minh-hien-ke-phuc-hoi-nen-kinh-te-thong-qua-hai-giai-phap-tang-muc-boi-chi-ngan-sach-va-noi-tran-no-cong