Lào Cai: Hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
Nhằm kịp thời hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho người dân, người lao động và doanh nghiệp để ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh, Lào Cai đã và đang triển khai nhiều giải pháp với mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, duy trì mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đưa đời sống sinh hoạt của Nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.
Nhiều bệnh nhân điều trị Covid-19 được hưởng hỗ trợ (ảnh: LCĐT)
Thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
Tổ công tác đặc biệt có trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân. Chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân. Rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân của Tổ công tác đặc biệt gồm: Ưu tiên trực tiếp giải quyết các kiến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực quan trọng, thiết yếu nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp trong hoạt động, đầu tư, kinh doanh cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các quy định, hướng dẫn của cơ quan Trung ương. Trực tiếp giải quyết các kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đặc biệt là các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên tinh thần đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Trước đó, tỉnh cũng đã thành lập 08 Tiểu ban gồm: Tiểu ban Y tế; Tiểu ban An ninh trật tự xã hội; Tiểu ban An sinh xã hội; Tiểu ban Tài chính, hậu cần; Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa; Tiểu ban Vận động và huy động xã hội; Tiểu ban Truyền thông; Tiểu ban Điều phối ôxy. Trong đó các Tiểu ban An sinh xã hội, Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa, Tiểu ban Vận động và huy động xã hội là những tiểu ban có nhiệm vụ chăm lo đời sống người dân, tổ chức hỗ trợ tại các vùng, địa phương có dịch, quan tâm người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh COVID-19; chỉ đạo việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; huy động các nguồn lực xã hội, tổ chức vận động, động viên các tầng lớp nhân dân chủ động, tự giác tuân thủ và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Triển khai chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19
Tính đến ngày 04/11/2021, UBND đã tỉnh ban hành các Quyết định phê duyệt cho 3.174 đối tượng bao gồm Người lao động ngừng việc; chấm dứt HĐLĐ; hỗ trợ cho người đang điều trị Covid-19 hoặc cách ly y tế; nhóm hỗ trợ bổ sung và trẻ em điều trị Covid-19 hoặc cách ly y tế; đạo diễn nghệ thuật hạng chức danh nghề nghiệp hạng IV; hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất kinh doanh và nhóm lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động với tổng kinh phí hỗ trợ là 4.968.941.000 đồng. Thực hiện hỗ trợ cho 49.196 lao động đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số kinh phí là 79.249.600.000 đồng. Cơ quan Bảo hiểm Xã hội đã rà soát và thông báo cho 1361 đơn vị sử dụng lao động với tổng số tiền 9.069.150.431 đồng để người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện hỗ trợ tiền ăn cho công dân từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương phải thực hiện cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 1/10 đến hết ngày 31/10/2021. Cụ thể mức hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày.
Việc triển khai chính sách nhằm góp phần hỗ trợ người dân, người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động và phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động.
Triển khai dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19
Theo đó, 5 dịch vụ công trực tuyến bao gồm: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; Hỗ trợ người lao động ngừng việc; Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Tỉnh đã giao cho các sở, ngành, địa phương, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, người dân, doanh nghiệp việc giải quyết trực tuyến các thủ tục hành chính.
Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19
Với mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Lào Cai vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Lào Cai phấn đấu đến hết năm 2021, đảm bảo 70% đến 80% các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh; cơ bản đưa các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ triển khai 4 nhóm giải pháp, đó là: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia. Đồng thời kêu gọi, vận động cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung tay, chung sức, đồng hành, chia sẻ khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, cùng nhau chiến thắng dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Với sự chủ động, tích cực và kịp thời trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Lào Cai đã, đang hiện thực hóa những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới, là những hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Lào Cai đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”./.