Độc đáo nghi lễ “rước hồn mẹ lúa” của người Nùng Dín

Nghi lễ rước hồn mẹ lúa (còn gọi là đón lúa mới) của người Nùng Dín ở Nậm Mòn (Bắc Hà) không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, sản xuất nông nghiệp, mà còn thể hiện giá trị văn hóa độc đáo trong các nghi thức thuần nông của đồng bào nơi đây. Vì vậy, giá trị để lại là việc thể hiện của con người đối với sự tôn vinh cây lúa trong đời sống, sản xuất và nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc ở Lào Cai nói chung và đồng bào dân tộc Nùng Dín ở Nậm Mòn nói riêng.

Cứ mỗi độ thu về, khi màu vàng trải dài trên khắp nương đồi của vùng núi cao cũng là báo hiệu mùa thu hoạch lúa mới được diễn ra trên khắp các bản làng của đồng bào các dân tộc miền Tây Bắc. Người Nùng Dín ở Nậm Mòn cũng háo hức chờ đón những ngày này với truyền thống, nét đẹp của quê hương mình. Đó là chuẩn bị nghi lễ “đón lúa mới”, còn gọi “rước hồn mẹ lúa” về nhà với những nét đặc sắc. Lễ đón lúa mới của đồng bào Nùng Dín diễn ra với ý nghĩa cầu cho con người sức khỏe dồi dào, mùa màng tốt tươi.

Phụ nữ Nùng Dín thực hiện nghi thức “rước hồn mẹ lúa”.

Người Nùng Dín quan niệm mọi vật đều có linh hồn, nên cây lúa cũng có linh hồn. Vì vậy, mỗi khi tổ chức nghi lễ mừng lúa mới thì mỗi gia đình phải đi rước “hồn lúa mới” nương lúa, ruộng lúa của mình về nhà. Lễ đón hồn mẹ lúa (rặp khau mờ) của đồng bào Nùng Dín ở Nậm Mòn thường tổ chức vào ngày Tuất đầu tiên của tháng 9 âm lịch hằng năm. Để chuẩn bị chu đáo cho nghi lễ này, người đàn ông chủ sự gia đình thường là người dậy đầu tiên trong nhà. Việc đầu tiên của người chủ gia đình là mặc trang phục truyền thống và lấy một bát gạo đầy dâng lên bàn thờ tổ tiên cùng với các vật dụng như thỏi bạc giấy, liềm cắt lúa… cho vợ cùng con gái đi “rước hồn mẹ lúa” về.

Khi còn tờ mờ sáng, ông chủ gia đình nhẹ nhàng rời khỏi nhà đi lấy cây vía ở những nơi thích hợp trong vùng để dâng lên bàn thờ tổ tiên trước khi làm các nghi lễ khác. Họ phải đi lấy đủ 2 loại cây, trong đó có một loại cây có gai với ý nghĩa để các loại ma hại không thể vào nhà. Sau khi người chủ gia đình lấy cây về rồi thì đến lượt người vợ cùng con gái chuẩn bị đồ lễ đi rước hồn mẹ lúa về nhà. Vật dụng mang theo của họ gồm gùi, một can nước, ít thỏi bạc giấy, một túi tro bếp trộn lẫn muối và cám, mấy nén hương. Trước khi ra khỏi nhà, hai phụ nữ này phải mặc đầy đủ trang phục truyền thống và dứt khoát phải đội nón trong suốt thời gian đi rước hồn mẹ lúa về nhà. Trên đường đi, họ không được nói chuyện và nhất là khi gặp người khác không được chào hỏi hoặc nói chuyện, bước chân phải hết sức nhẹ nhàng. Theo quan niệm của người Nùng Dín nơi đây, việc làm này là để tránh con ma ác nhập vào và theo họ ra ruộng lúa cũng như khi về nhà. Đồng bào nơi đây đều hiểu phong tục trong những ngày này nên khi gặp nhau, họ đều tôn trọng, không có trường hợp làm khó xử cho đôi bên. Khi ra đến ruộng lúa, việc đầu tiên họ làm là thắp hương, rắc túi tro bếp mang theo ra một nơi sạch sẽ nhất trên ruộng lúa. Trong khi thắp hương và đốt thỏi bạc giấy, họ sẽ nói hoặc thường là cất lên khúc hát nho nhỏ như muốn tạ ơn thần linh, thần đất, trời và hồn mẹ lúa đã ban cho họ mùa màng bội thu. Hát xong, họ nhẹ nhàng lấy liềm gặt một chút lúa gọi là hồn mẹ lúa rồi mang về nhà dâng lên bàn thờ bẩm báo tổ tiên về lễ cầu mùa.

Trong lễ “rước hồn mẹ lúa” của người Nùng nơi đây thì hồn cốt vẫn là việc làm các sản phẩm từ hạt lúa mới để chế ra các vật phẩm dâng lên cúng tổ tiên. Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến món cốm mới, được lựa chọn từ những bông cốm vừa độ và tuốt ra rồi tiến hành các công đoạn làm ra 3 loại cốm: Cốm rang, bánh cốm và cháo cốm. Ngoài ra, lễ vật trong mâm cúng của các gia đình rất phong phú và đa dạng tùy theo điều kiện của từng gia đình mà làm to hay nhỏ. Nhưng tựu trung, những thức ăn này đều được chế biến từ các sản vật do gia đình tự chăn nuôi và trồng cấy như các loại thịt (thịt gà, thịt lợn, thịt cá…) đến các loại rau, quả, củ, thực phẩm, bánh trái... Khi cúng cơm mới, mâm lễ được đặt tại bàn trước bàn thờ gia tiên. Ngoài ra, các bàn thờ khác như thổ địa, bà mụ, cô hồn… cũng được chia phần thức ăn cúng cùng nhưng không cần đầy đủ các món ăn như trong mâm cúng gia tiên và do gia chủ khấn lễ. Khi cúng xong, các bông lúa trên bàn thờ được người chủ gia đình xin xuống cắm lên các nơi trang trọng trong nhà và mang ra cắm lên vách trước cửa nhà, cửa bếp. Tục lệ này hàm ý muốn nói lên ước nguyện của chủ nhà là khắp trong nhà nơi đâu cũng đầy đủ hồn mẹ lúa, cầu mong sự sung túc, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nghi lễ “rước hồn mẹ lúa” của người Nùng Dín ở Nậm Mòn không chỉ là một nghi lễ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp mà còn là ngày hội mừng mùa thu hoạch mới. Sau khi thực hiện nghi thức cúng lễ, gia chủ sẽ bày các mâm cỗ mời anh em họ mạc, hàng xóm láng giềng ngồi cùng ăn uống, nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, những tâm tư trong đời sống hằng ngày. Lễ “rước hồn mẹ lúa” không chỉ là phong tục văn hóa độc đáo mà còn thể hiện một tâm thức, tín ngưỡng về cây lúa trong nông nghiệp, loại cây quan trọng nhất trong đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người Nùng.

https://baolaocai.vn/bai-viet/349081-doc-dao-nghi-le-ruoc-hon-me-lua--cua-nguoi-nung-din

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...