Thành phố Lào Cai: Ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư phát triển

Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Lào Cai huy động đạt 38.365 tỷ đồng vốn toàn xã hội cho đầu tư phát triển. Kế hoạch của UBND thành phố giai đoạn 2021 - 2025 sẽ huy động 115.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, gấp 3 lần so với giai đoạn trước đó. Trong điều kiện nền kinh tế trong nước và khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, để thực hiện mục tiêu trên, thành phố Lào Cai đã đặt ra hàng loạt giải pháp đồng bộ, căn cơ, quyết liệt.

Năm 2020, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 2.700 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với năm 2015, chưa kể nguồn thu từ đất để đầu tư hạ tầng xã hội đạt gần 4.000 tỷ đồng. Tính trung bình nguồn vốn đầu tư toàn xã hội từ năm 2016 đến nay trên địa bàn thành phố đạt 4.500 tỷ đồng/năm, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm gần 1/3 cơ cấu, vốn ngân sách chủ yếu dành cho các công trình, dự án trọng điểm như kè 2 bên bờ sông Hồng, hệ thống giao thông như đường Võ Nguyên Giáp, đường Trần Phú, đường Trần Hưng Đạo kéo dài và hạ tầng trung tâm phường Xuân Tăng, xã Cam Đường, xã Vạn Hòa, các khu, cụm công nghiệp...

Với nguồn vốn ngoài ngân sách, thành phố Lào Cai huy động để đầu tư vào dự án xây dựng cơ sở công nghiệp như Nhà máy đồng Tả Phời; các dự án khai thác và tuyển quặng apatit; các dự án đầu tư đô thị, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại… góp phần tô điểm diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Thành phố Lào Cai hôm nay.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố Lào Cai cho biết: Dù chỉ số thu hút đầu tư tăng trong thời gian qua nhưng so với nhiều đô thị tỉnh lỵ, kể cả trong khu vực miền núi phía Bắc, thành phố Lào Cai vẫn đạt thấp, đặc biệt là thiếu những dự án FDI có quy mô lớn, hiện đại, giá trị gia tăng cao. Kế hoạch của UBND thành phố Lào Cai về triển khai Đề án huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển của Tỉnh ủy và Nghị quyết huy động nguồn vốn cho đầu tư, phát triển, tăng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 của Đảng bộ thành phố, trong đó đề ra mục tiêu mỗi năm huy động 23.000 tỷ đồng. Cơ cấu huy động nguồn vốn gồm 6 nội dung như huy động ngân sách nhà nước từ nguồn địa phương; nguồn vốn nhà nước Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn vốn vay ODA; vốn vay từ các quỹ tài chính của tỉnh; nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn doanh nghiệp và dân cư. Để huy động nguồn lực, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ, kế hoạch của UBND thành phố Lào Cai chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp thực hiện như: Đối với thu - chi ngân sách là tăng thu, đẩy mạnh việc chống thất thu; với chi ngân sách là tăng chi đầu tư phát triển, giảm mức chi thường xuyên.

Đối với nguồn lực ngoài ngân sách, thành phố thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, nhất là nhà đầu tư có tiềm lực mạnh và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thành phố Lào Cai cũng ưu tiên cải cách hành chính, triển khai tích cực các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, tập trung tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn. Thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong kết nối với nhà đầu tư lớn để trao đổi thông tin, kêu gọi đầu tư, xúc tiến thị trường, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp các chính sách ưu tiên, nhất là các tập đoàn, tổng công ty có tiềm năng như Geleximco, T&T, Bitexco, Sungroup.

Về cơ chế, chính sách, thành phố Lào Cai thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tích cực áp dụng hình thức đầu tư PPP, BOT, BT để thu hút nguồn lực cho các dự án, công trình cụ thể.

Đặc biệt, sau nhiều lần kiến nghị, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 16 về phát triển thành phố Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tạo điều kiện, thời cơ để thành phố Lào Cai áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có việc phân cấp quản lý ngân sách, phân cấp quản lý, sử dụng tài nguyên, quản lý quỹ đất, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp... Nói cách khác, Nghị quyết số16 là “nguồn lực” quan trọng nhất để thành phố tự tin bước đi trong một tư thế mới.

Tiểu khu đô thị số 5 (thành phố Lào Cai), một trong những điển hình thu hút nguồn lực đầu tư từ vốn ngoài ngân sách.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố Lào Cai cho biết thêm, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thành phố vẫn thu hút được một số dự án đầu tư lớn, điển hình như Tiểu khu đô thị số 15 có tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng; khu đô thị mới đường B8 đạt mức 661 tỷ đồng; khu đô thị tại phường Duyên Hải 370 tỷ đồng; hoàn thành dự án chung cư Tecco Tower Lào Cai 350 tỷ đồng... Trong thời gian tới, thành phố sẽ đón nhận thêm một số dự án lớn như khu nhà ở thương mại tại Tiểu khu đô thị số 2 do Công ty Cổ phần Bitexco đầu tư với tổng mức đầu tư 1.531 tỷ đồng; dự án khu nhà ở thương mại Đại lộ Trần Hưng Đạo thuộc phường Bắc Lệnh 396 tỷ đồng; dự án khu nhà ở thương mại Phú Hưng 335 tỷ đồng; dự án nhà ở thương mại tại nút giao thông ngã sáu; dự án nhà ở thương mại Hoàng Liên...

Thu hút nguồn lực đầu tư phát triển không chỉ giúp thành phố Lào Cai sớm đạt các tiêu chí đô thị loại I, mà còn tạo điều kiện khai thác thế mạnh, tiềm năng, tạo thế bứt phá vươn lên trở thành điểm sáng đô thị vùng Tây Bắc.  

* Thành phố đang thực hiện quy hoạch phát triển hài hòa

Ông Nguyễn Văn Quân (Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch xây dựng Lào Cai).

Năm 2001, thành phố Lào Cai đã có quy hoạch tổng thể, tiếp đó đã một số lần điều chỉnh, bổ sung, lần gần đây nhất là quy hoạch năm 2019 do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thuộc Bộ Xây dựng thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng thành phố Lào Cai tới một phần huyện Bát Xát và một phần huyện Bảo Thắng.

Điểm nổi bật và cũng là “xương sống” của bản quy hoạch phát triển tổng thể thành phố Lào Cai là bám theo trục sông Hồng cả 2 bờ tả, hữu, đây là không gian lý tưởng, không phải đô thị nào cũng có được. Bởi vậy, khi triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án, công trình lớn, theo tôi cần tôn trọng và bám sát trục quy hoạch tổng thể để tạo không gian phát triển hợp lý và hài hòa.

* Đô thị hóa mạnh, đời sống người dân cũng phải tốt lên

Ông Phạm Việt Anh (Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hòa)

Những năm gần đây, xã Vạn Hòa bước vào giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ, kế hoạch đến năm 2023 sẽ trở thành phường. Hiện xã có 6 thôn đã đạt các tiêu chí đô thị, 4 thôn còn lại với diện tích khoảng 135 ha đang được triển khai hàng loạt dự án trọng điểm.

Đô thị hóa đang đặt ra nhiều vấn đề như chuyển đổi việc làm từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, thu hút dân số, an ninh, trật tự… Mong muốn của các hộ trên địa bàn là thành phố có kế hoạch để sớm giải quyết những vấn đề trên, đặc biệt là thực hiện mục tiêu: Đô thị hóa mạnh thì đời sống của đại đa số người dân phải tốt lên.

* Phải giải quyết dứt điểm tình trạng ngập lụt

Ông Vàng Văn Sẻn (Phường Bắc Cường).

Những năm qua, tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố Lào Cai diễn ra rất phức tạp, làm hư hỏng nhiều tài sản, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Mỗi khi mưa lớn, trên địa bàn phường Bắc Cường lại xuất hiện một số điểm ngập lụt nặng, nước rút đi rồi, còn lại bùn, đất tràn vào nhà, làm hư hỏng tài sản, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt.

Là đô thị đang đà phát triển mạnh, lại được quy hoạch tốt nên tôi nghĩ rằng tình trạng ngập lụt cần sớm được thành phố Lào Cai giải quyết dứt điểm. Phải triển khai tốt các dự án thoát lũ, cải tạo hạ tầng thoát nước. Với những tiểu khu, khu đô thị mới đang và sẽ triển khai cần có sự khảo sát, đánh giá thật kỹ năng lực hoạt động hệ thống thoát nước, coi đó là yêu cầu bắt buộc đối với chủ đầu tư.

* Để thành phố Lào Cai sớm trở thành đô thị loại 1

Ông Phạm Thanh Hoàn (Phường Lào Cai)

Từ một thị xã hoang tàn, chìm trong lau sậy và bom mìn, sau 30 năm, thành phố Lào Cai trở thành đô thị trẻ trung, năng động và hiện đại, nhất là chất lượng cuộc sống người dân đã nâng cao gấp nhiều lần.

Để sớm trở thành đô thị loại I, theo tôi, thành phố cần cải tạo, nâng cấp hạ tầng, hệ thống cây xanh, hè phố, điện chiếu sáng có sự thống nhất, đồng bộ.

Sau mở rộng, thành phố Lào Cai có thêm nhiều vùng nông thôn, ngoại đô, nơi đời sống một số hộ chưa được nâng cao nên vấn đề xóa hẳn cái đói, tích cực giảm nghèo phải được coi trọng hơn nữa.

https://www.baolaocai.vn/bai-viet/349001-thanh-pho-lao-cai-uu-tien-huy-dong-nguon-luc-dau-tu-phat-trien

Báo Lào Cai

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...