Nước Mỹ "thoát hiểm"
Thỏa thuận này chấm dứt bế tắc tài chính chỉ vài giờ trước khi Washington chạm trần nợ công và thỏa thuận cũng giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ bị vỡ nợ và cấp ngân sách cho Chính phủ hoạt động trở lại sau hai tuần đóng cửa.
Cũng tại phiên họp, lãnh đạo 2 Đảng đã nhất trí sẽ thành lập Ủy ban chung có nhiệm vụ tìm kiếm các nguồn tài chính thay thế cho các khoản cắt giảm chi tiêu toàn diện. Ngay sau khi thỏa thuận được thông báo, Tổng thống Barack Obama cho biết rất ông vui mừng khi Thượng viện đã cùng đồng lòng đưa ra một đề xuất, đồng thời hối thúc Hạ viện, nơi phe Cộng hòa chiếm đa số nhanh chóng thông qua thỏa thuận do Thượng viện thông qua để đảm bảo "Chính phủ được mở lại và nguy cơ vỡ nợ được xóa bỏ". "Chúng tôi hy vọng rằng hai viện có thể nhanh chóng hành động vì chúng ta đã ở ngày thứ 16 của tình trạng Chính phủ ngừng hoạt động và Bộ Tài chính không còn thẩm quyển vay tiền để thực hiện các cam kết của chúng ta".
Theo luật định, th��a thuận mới còn cần phải chờ được Hạ viện thông qua. Trong tuyên bố mới nhất về thỏa thuận này, Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố cơ quan này sẽ không ngăn cản dự luật của Thượng viện, mở ra triển vọng nước Mỹ có thể tạm thời tránh được việc vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Ông Boehner cũng cho biết nếu cần sẽ dựa vào sự ủng hộ của hầu hết các nghị sỹ của Đảng Dân chủ nhằm thông qua dự luật này trước khi trần nợ công tới hạn 16.700 tỷ USD vào ngày 17/10.
Phát biểu sau khi thỏa thuận đạt được, Thượng nghị sỹ lãnh đạo phe đa số của Đảng Dân chủ Harry Reid gọi thỏa thuận đạt được kể trên là một diễn biến lịch sử. Ông tuyên bố, "đất nước của chúng ta đã thoát khỏi bờ vực của thảm họa" và cho rằng nó sẽ cho Quốc hội thêm thời gian để cùng làm việc nhằm hướng tới một thỏa thuận ngân sách lâu dài.
Còn theo Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, chính quyền liên bang sẽ hoạt động trở lại và tránh được nguy cơ vỡ nợ nhờ có dự luật nói trên. Chính phủ Mỹ đã rơi vào trạng thái ngừng hoạt động một phần kể từ ngày 1/10, sau khi quốc hội nước này không phá vỡ được thế bế tắc về cấp gói ngân sách mới cho các cơ quan chính quyền. Tình trạng này đã kéo dài suốt 16 ngày, giữa lúc nước Mỹ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử nếu như không nâng được mức trần nợ trước hạn chót.
Cũng trong ngày 16/10, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đặt mức tín nhiệm AAA của Mỹ trong tình trạng “giám sát tiêu cực” với viện dẫn về khả năng Bộ Tài chính Mỹ có thể bị vỡ nợ sau ngày 17/10 nếu trần nợ công không được nâng lên. Động thái trên của Fitch diễn ra một ngày trước khi hai phe Cộng hòa và Dân chủ chưa đạt được một thỏa thuận cung cấp tài chính cho Chính phủ và nâng mức trần nợ công 16.700 tỷ USD của nước này./.