Hệ thống thực phẩm bền vững giúp bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng
Thế giới cần cam kết xây dựng một hệ thống thực phẩm bền vững. (Ảnh: AFP)
Ngày Lương thực thế giới được tổ chức hằng năm ở hơn 150 quốc gia nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về nạn đói trên thế giới; khuyến khích tất cả các quốc gia chú ý hơn tới sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy các nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực này trong các kế hoạch quốc gia, song phương, đa phương và phi chính phủ.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để thúc đẩy chuyển giao công nghệ; tăng cường tình đoàn kết quốc gia và quốc tế trong cuộc đấu tranh chống đói nghèo, suy dinh dưỡng và thu hút sự chú ý vào những thành tựu đã đạt được về phát triển lương thực và nông nghiệp; khuyến khích sự tham gia của người dân nông thôn, đặc biệt là phụ nữ và những đối tượng yếu thế vào quá trình ra quyết định và các biện pháp ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ; khuyến khích hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa các nước đang phát triển.
Kể từ năm 1981 đến nay, mỗi năm Ngày Lương thực thế giới đều chọn một chủ đề khác nhau để làm nổi bật các phạm vi cần thiết cho hành động và đưa ra một tiêu điểm chung. Năm 2013, chủ đề của Ngày Lương thực thế giới được lựa chọn là: “Các hệ thống thực phẩm bền vững giúp bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng”.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, hiện nay, gần 870 triệu người đang bị suy dinh dưỡng kinh niên. Các mô hình phát triển không bền vững gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đe dọa các hệ sinh thái và đa dạng sinh học – những nhân tố không thể thiếu đối với an ninh lương thực trong tương lai của chúng ta.
Hệ thống thực phẩm được tạo thành từ môi trường, con người, các tổ chức và các quá trình có liên quan đến việc sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm lương thực. Mỗi một thành phần của hệ thống thực phẩm đều có một tác động nhất định tới sự phát triển của con người và do đó người tiêu dùng thực phẩm phải tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, dinh dưỡng thường rất hiếm khi được xem là mục tiêu đầu tiên của các chính sách và biện pháp can thiệp đối với các hệ thống thực phẩm.
Chống suy dinh dưỡng đòi hỏi phải hợp tác hành động, dựa trên các biện pháp can thiệp bổ trợ lẫn nhau trong sản xuất nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp, quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sức khỏe cộng đồng, giáo dục và các lĩnh vực khác. Chính vì vậy, với chủ đề được đưa ra năm nay, Ngày Lương thực thế giới đem đến cơ hội để giải quyết các vấn đề về xác định một hệ thống thực phẩm bền vững cũng như khả năng và những mục tiêu hành động để đạt được điều này. Từ đó, xây dựng một hệ thống thực phẩm bền vững sẽ góp phần đưa đến một tương lai ổn định và tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Trong ngày kỷ niệm đặc biệt này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gửi bức thông điệp trong đó một lần nữa nhấn mạnh tới vấn nạn đói và suy dinh dưỡng trên toàn thế giới. Theo ông Ban Ki-moon, để cải thiện các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng và bảo đảm cho tất cả mọi người được hưởng những quyền liên quan đến lương thực thì chúng ta phải cải thiện hệ thống lương thực. Để làm được điều này, thế giới cần một phương pháp tiếp cận thông minh hơn, chính sách và đầu tư bao gồm cả môi trường, con người, tổ chức và quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, phân phối đến người tiêu dùng của các sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững.
Trong thông điệp được đưa ra, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng đánh giá cao việc nhiều nước trên thế giới đã tham gia chiến dịch “Không đói nghèo” và cam kết sẽ cùng hành động để xây dựng một hệ thống lương thực bền vững. “Cùng với nhau, chúng ta có thể bảo đảm rằng mọi người đều có đủ lương thực bổ dưỡng mỗi ngày. Nhân Ngày Lương thực thế giới năm nay, chúng ta hãy hướng tới mục tiêu không còn đói nghèo trong thời đại của chúng ta”, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nêu rõ./.