Dự án xây dựng Nhà máy DAP số 2: Tiến độ thuộc hàng “siêu tốc”
Một số hạng mục xây dựng chính của Dự án đang chuẩn bị hoàn thành. |
Trong hàng chục dự án chế biến khoáng sản tại tỉnh, thì Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát (DAP) số 2, Công ty cổ phần DAP số 2 thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, có tiến độ xây dựng thuộc hàng “siêu tốc” so với các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Được khởi công từ cuối năm 2011, nhưng do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục vay vốn, ký kết hợp đồng thầu xây dựng, cung cấp thiết bị, nên đến đầu năm 2013, Dự án mới chính thức bước vào giai đoạn đẩy mạnh xây dựng. Đến trung tuần tháng 9/2013, đã có 8/22 hạng mục xây dựng chính cơ bản hoàn thành, giá trị đầu tư xây dựng đạt hơn 1.600 tỷ đồng, chiếm 50% tổng giá trị đầu tư của Dự án tính trong phần xây lắp. Theo thực tế tiến độ xây dựng và kế hoạch đầu tư, thì đến tháng 5/2013 (tức là sau 17 tháng thi công), Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 sẽ cơ bản hoàn thành phần xây lắp và tiến hành chạy thử các dây chuyền, thiết bị. Đến đầu quý IV năm sau, Nhà máy sẽ chính thức vận hành và cho xuất xưởng loạt sản phẩm đầu tiên.
Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 (gọi tắt là Dự án) có tổng mức đầu tư tới 265,2 triệu USD, tương đương với 5.170 tỷ đồng, thuộc hàng công trình trọng điểm của quốc gia.
Theo thiết kế, Dự án hoàn thành sẽ sản xuất được 330 nghìn tấn phân bón DAP mỗi năm, tính theo thời giá hiện tại thì doanh thu mang lại khoảng 4.000 nghìn tỷ đồng/năm. Đó là chưa kể đến doanh thu từ các sản phẩm phụ như 420 nghìn tấn axít sunfuaríc và 162 nghìn tấn axít phốtphoríc mỗi năm. Đặc biệt, đây là một trong những dự án đầu tiên của cả nước có tận thu nguồn nhiệt năng dư thừa trong quá trình sản xuất công nghiệp để xây dựng nhà máy phát điện với công suất lên tới 15 MW. Đối với phân bón DAP, là loại phân bón tổng hợp cao cấp, có tác dụng kích thích sinh trưởng cho nhiều loại cây trồng. Sau khi VINACHEM xây dựng nhà máy DAP số 1 tại Đình Vũ, Hải Phòng (nguồn nguyên liệu sản xuất chính từ quặng Apatít khai thác tại Lào Cai) với công suất 330 nghìn tấn/năm, thị trường trong nước vẫn phải nhập khẩu tới 60% lượng phân bón DAP, Dự án tại Tằng Loỏng hoàn thành sẽ giảm lượng phân bón DAP nhập khẩu xuống còn 20%.
Để đạt tiến độ xây dựng như trên, ông Đồng Văn Quyết, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP số 2 cho rằng, đơn vị đã tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục đầu tư, công tác chuẩn bị các điều kiện thi công. Đặc biệt, thông qua đấu thầu quốc tế mà chủ đầu tư đã lựa chọn được tổng thầu EPC có năng lực rất mạnh, đó là liên danh 5 nhà thầu đến từ Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam, trong đó nhà thầu Nhật - Thái là đơn vị đứng đầu liên danh. Trong quá trình thi công, nhà thầu EPC đã thực hiện thi công 3 ca liên tục trong ngày, trung bình mỗi ngày có đến 1.200 lượt, cán bộ, công nhân làm việc tại công trường trong mọi điều kiện thời tiết. Với tiến độ xây dựng “đáng nể” như trên, Dự án hoàn toàn xứng đáng là mô hình đầu tư mẫu mực để các dự án phát triển công nghiệp khác noi theo./.