Những “bông hoa” nơi “tuyến lửa”
Hơn 50 năm trước, 600 cán bộ, thanh niên các dân tộc tỉnh Lào Cai với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Vì miền Nam ruột thịt” đã vượt dãy Trường Sơn chi viện cho chiến trường, cho tỉnh kết nghĩa Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay). Hôm nay, Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và thêm một lần nữa, cả tỉnh Lào Cai lại hướng về miền Nam, về Bình Dương với tình cảm đặc biệt. Từng đoàn y, bác sỹ của Lào Cai mang nặng nghĩa tình, trách nhiệm dấn thân nơi “tuyến lửa”, trong đó có những người đã để lại sau lưng thiên chức làm vợ, làm mẹ, để lại cuộc sống bình yên, xung phong vào Bình Dương chống dịch.Nơi tuyến đầu nóng bỏng, những y, bác sỹ của Lào Cai thực sự là những chiến binh dũng cảm chiến đấu, chống lại đại dịch. Những gian khó thể hiện rõ trong bài thơ “Tạm biệt Bình Dương” của bác sỹ Phạm Văn Chiến, thành viên đoàn công tác gồm 50 y, bác sỹ của Lào Cai tham gia hỗ trợ Bình Dương chống dịch. Bài thơ có đoạn: “Những tháng ngày cả đoàn quân bận bịu/Vì lương tri, trách nhiệm với cộng đồng/Ngẩng mặt lên vừa thấy bình minh/Bỏ mũ áo ngẩng đầu sao đã sáng…”.
Những nữ cán bộ y tế của Lào Cai tham gia chống dịch tại Bình Dương. |
Tâm sự, trăn trở của bác sỹ Phạm Văn Chiến qua lời thơ cũng thể hiện sự đồng cảm với những đồng nghiệp trong đoàn, trong đó có chị Nguyễn Thị Kim Xuyến, Trung tâm Y tế thành phố Lào Cai. Sau những ngày lăn lộn tại Bệnh viện Dã chiến số 1 Bình Dương, chị Xuyến kể lại: Tháng 8, thời tiết miền Nam nóng như đổ lửa, mặc trang phục bảo hộ suốt 4 đến 6 tiếng đồng hồ, quần áo trong người tôi ướt sũng, mắt cay xè, bàn tay nhăn nheo vì mồ hôi chảy thành dòng. Có lúc tôi tưởng như mình sắp kiệt sức, nhưng tiếng báo trên máy thở, tiếng người bệnh than vãn, tiếng ho, tiếng khóc nấc khiến tôi thấy mình như người khác, mạnh mẽ hẳn lên...
Trong đoàn công tác miền Nam lần này nhưng làm việc ở bệnh viện dã chiến thì nam, nữ không phân biệt, công việc của bác sỹ, điều dưỡng cũng không còn lằn ranh. Ngoài chuyên môn, chị Xuyến cũng phụ trách cả việc chăm sóc, giúp bệnh nhân ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh cá nhân. Chị Xuyến nhớ lại: Có nữ bệnh nhận phải thở ô xy hơn 1 tháng, mỗi lần tôi vào thăm khám, chị lại thều thào qua máy thở: Các cháu cứu cô với, cô chưa muốn chết...
https://baolaocai.vn/bai-viet/348547-nhung-bong-hoa-noi-tuyen-lua
Chị Xuyến bảo, bệnh nhân nào cũng đấu tranh với dịch bệnh, vấn đề là có mạnh mẽ hay không. Có người tưởng chừng không qua khỏi nhưng nhờ nghị lực sống phi thường mà họ vượt qua “cửa tử”, sức khỏe hồi phục.
Kỷ niệm của chị Xuyến còn là sau một ngày vào miền Nam thì gặp nam bệnh nhân chạy lên khu vực cấp cứu khóc mếu nói với bác sỹ: Bác sỹ cho em chuyển lên bệnh viện trên tỉnh để em được chăm sóc vợ trên đó, vợ em nặng quá rồi, không biết có vượt qua được không...
Nước mắt, bờ vai run run, sự suy sụp của người đàn ông trước mặt khiến chị cảm thấy như nỗi đau của chính bản thân mình. “Tôi đã báo cáo lại quản lý tại Bệnh viện Dã chiến và chuyển anh lên bệnh viện trên tỉnh để tiện chăm sóc vợ, nhưng đáng tiếc vợ anh sau đó không qua khỏi. Chứng kiến sự sinh ly, tử biệt, tôi và đồng nghiệp càng nhắc nhau phải cố gắng hơn nữa để cứu chữa người bệnh”, chị Xuyến nghẹn ngào.
Điều dưỡng Lã Thị Ngọc Hà, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa bước sang tuổi 25, ngay sau khi có chủ trương cử y, bác sỹ vào Bình Dương, chị đã quyết định viết tâm thư tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch ở nơi mà chưa bao giờ nghĩ mình đặt chân tới. “Em đi để thấy tuổi trẻ của mình ý nghĩa hơn, để được cống hiến, chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân mắc Covid-19, để được góp sức mình hỗ trợ đồng nghiệp đang quá tải nơi tuyến đầu chống dịch”, điều dưỡng Hà chia sẻ với chúng tôi.
Hình ảnh ở cơ sở y tế tại Bình Dương vẫn còn y nguyên, như đang ở trước mắt nữ điều dưỡng viên. Chị Hà kể, có lần đang đi kiểm tra cho bệnh nhân, một bệnh nhân kéo áo bảo hộ của chị lại rồi thều thào: Cô mệt, đau, khó thở lắm, có lúc chả thiết sống nữa, nhưng thấy các con vất vả, cô thấy mình cần sống để trả ơn!
Có trường hợp cả gia đình 3 người vào bệnh viện, người vợ bị nặng lắm, chị khó thở rồi cứ thiếp đi mãi, điều dưỡng Hà đến gọi mãi mà bệnh nhân không có phản hồi, chồng chị bế đứa con hơn 1 tuổi đứng bên như chết lặng. Cứ tưởng không cứu vãn được thì giác quan thứ 6 khiến đứa trẻ dù không hiểu gì nhưng khóc thét lên như tiếng cứa lòng và dấu hiệu của sự sống từ người mẹ dần trở lại. Điều kỳ diệu đã đến, người mẹ sau đó hồi phục tốt, tự thở mà không cần máy hỗ trợ theo hướng dẫn của điều dưỡng viên.
Tinh thần đoàn kết, lạc quan của những nữ cán bộ y tế trong những ngày làm việc ở Bệnh viện Dã chiến tỉnh Bình Dương. |
Sau mỗi ca trực, thoát khỏi bộ đồ bảo hộ trên người là mỗi lần chị Hà lại tự động viên mình phải cố gắng, cố gắng hơn nữa, rồi có những buổi sau ca trực không đủ dũng cảm để gọi cuộc gọi video về nhà vì lo bố mẹ thấy mình lại khóc nấc. Chị Hà bảo, ở Bệnh viện Dã chiến số 1 Bình Dương, cán bộ y tế, người bệnh đã như người thân ruột thịt. Không như thông thường, ở đây, cán bộ y tế làm tất cả việc chăm sóc người bệnh thay người thân của họ. Rất, rất nhiều bệnh nhân nặng, nguy cơ diễn biến xấu, công việc lúc nào cũng căng như dây đàn, có những lúc y, bác sỹ thấy mình sắp khụyu xuống, ngã gục, kiệt sức nhưng thấy bệnh nhân có dấu hiệu cải thiện thì năng lượng trong cán bộ y tế lại được nhân lên nhiều lần.
Hơn chục năm công tác trong ngành y, nữ hộ sinh Trương Thị Mến, Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa đã quen với áp lực công việc nhưng hơn 2 tháng chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Bình Dương mới thấy mọi khó khăn, vất vả trước đây của mình chưa thấm vào đâu. Mỗi ca trực, chị Mến và đồng nghiệp phải phụ trách chăm sóc, điều trị khoảng 70 bệnh nhân. Mọi người liên tục quay cuồng trong công việc, từ cho bệnh nhân ăn uống, vệ sinh, thay bỉm, hút đờm, đến theo dõi sát sao tình trạng của bệnh nhân để kịp thời nhận ra những dấu hiệu cảnh báo chuyển biến nặng. “Có lúc thấy mình làm việc như cỗ máy nhưng khi có bệnh nhân trở nặng, thoi thóp, chúng tôi lại cố gắng an ủi, vỗ về và truyền động lực, tinh thần lạc quan bằng ánh mắt, nụ cười để họ có đủ nghị lực chiến thắng bệnh tật. Điều quý nhất giữa lằn ranh sự sống - cái chết thì chỉ tình người mới có thể cứu rỗi, ở bệnh viện tuyến lửa, không hề có người Nam - người Bắc, người xa lạ, tất cả đều là người một nhà”.
Chị Xuyến, chị Mến, chị Hà còn kể, khi họ giới thiệu với bệnh nhân mình là đoàn cán bộ y tế đến từ tỉnh Lào Cai, ánh mắt các bệnh nhân đều bất chợt sáng ngời. Họ cảm động và thều thào bảo rằng khi nào khỏi bệnh, có điều kiện họ sẽ ra Lào Cai và tìm gặp y, bác sỹ để cảm tạ. Ngày đoàn hoàn thành nhiệm vụ, chia tay người bệnh, rất nhiều bệnh nhân đã nức nở như phải tạm xa người thân yêu nhất. Cả đoàn công tác bất chợt cùng vang lên trong lòng đoạn cuối của bài thơ “Tạm biệt Bình Dương”của bác sỹ Phạm Văn Chiến:“Bình Dương ơi!Sẽ rất nhanh thôi nhé/Cả phố phường cùng nhộn nhịp tiếng cười/Niềm hạnh phúc lan tỏa khắp muôn nơi/Vang khúc ca khải hoàn trong chiến thắng”.