Lào Cai 30 năm: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Gần 120 năm trước, người Pháp đặt chân đến Sa Pa và lựa chọn cao nguyên Lồ Suối Tủng để đặt trạm nghỉ dưỡng, đặt nền móng cho du lịch của Lào Cai. Đến nay, du lịch Lào Cai đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn trên bản đồ du lịch Việt Nam.Đỉnh Fansipan - điểm du lịch hấp dẫn du khách (Ảnh minh họa: Dương Toản)
Sau khi tỉnh Lào Cai mới được tái lập, du lịch Lào Cai lúc đó gần như bắt tay làm lại từ đầu. Năm 1992, Lào Cai mới chỉ đón được khoảng 8 nghìn lượt khách, doanh thu đạt trên 825 tỷ đồng. Năm 2013 đánh dấu bước đột phá của du lịch Lào Cai sau ngày tái lập tỉnh với con số khách du lịch đạt mốc trên 1 triệu lượt. Với những quyết sách sớm, xác định hướng đi đúng đắn, cùng nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ của Đảng bộ và chính quyền, du lịch Lào Cai giai đoạn từ sau 2010 đã có những bước tiến dài, thực sự trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Sáng tạo, đi đầu trong chủ trương, chính sách phát triển du lịch
Ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2010-2015), Lào Cai đã xác định mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và XVI, du lịch được xác định là khâu “đột phá” để tạo nên sự phát triển đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh. Sau khi Nghị quyết số 08-NQ/TW được ban hành, Lào Cai đã nhanh chóng xây dựng Chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW với mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất của vùng Tây Bắc, là một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam, là một trung tâm du lịch lớn của quốc tế vào năm 2025.
Việc ban hành các nghị quyết chuyên đề, chính sách, đề án để làm cơ sở, định hướng phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Lào Cai đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện sớm và đồng bộ. Lào Cai là địa phương đi đầu trong cả nước xây dựng được các đề án chuyên đề về phát triển du lịch với các Đề án trọng tâm của BCH Đảng bộ tỉnh các khóa XIV, XV, XVI từ năm 2010 đến 2025. Tỉnh đã quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn 2015- 2020, tầm nhìn 2030; ban hành Nghị quyết phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với trọng điểm du lịch Sa Pa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển toàn diện thị xã Sa Pa. Tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030. Sa Pa - từ một trạm nghỉ dưỡng nhỏ đã vươn mình phát triển với khát vọng trở thành Khu du lịch quốc gia mang tầm cỡ quốc tế. Tháng 12/2017, Sa Pa đã trở thành Khu du lịch thứ hai trong cả nước sau Khu du lịch hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng) chính thức đạt đủ các tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia. Ngay từ năm 2012, Lào Cai đã được sự hỗ trợ từ các chuyên gia Pháp xây dựng Quy chế đô thị Sa Pa và Quy hoạch chung đô thị du lịch Sa Pa. Đến năm 2016 đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch phong phú, ngành du lịch cũng đã xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, mạo hiểm. Một số sản phẩm đã có “thương hiệu” như Giải marathone vượt núi quốc tế VMM – được mệnh danh “giải đua khắc nghiệt nhất hành tinh”, giải đua xe đạp “Một đường đua hai quốc gia”, Lễ hội bốn mùa… Với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Lào Cai trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc sắc nhất vùng Tây Bắc, tỉnh xác định tập trung vào việc khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, bảo vệ môi trường để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh cao.
Nắm bắt xu hướng tất yếu của phát triển du lịch thông minh, ngành du lịch Lào Cai đã có những bước tiếp cận ngay từ rất sớm. Lào Cai là một trong số 30 tỉnh, thành phố đầu tiên ứng dụng bộ giải pháp du lịch thông minh (Cổng du lịch thông minh, Ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone, phần mềm Quản lý lưu trú). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng là sở chuyên ngành đầu tiên trong cả nước thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Việc triển khai nhanh chóng các giải pháp du lịch thông minh sẽ tạo điều kiện để du lịch Lào Cai phát triển theo kịp sự phát triển của công nghệ 4.0.
Xác định đầu tư nguồn lực cho du lịch là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã vận dụng nhiều chính sách, giải pháp linh hoạt, đồng bộ cho đầu tư và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Ưu tiên đầu tư cho các vùng có tiềm năng phát triển du lịch như thành phố Lào Cai, Bát Xát, Bắc Hà và đặc biệt là Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Nguồn lực từ ngân sách đầu tư tập trung cho việc phát triển hạ tầng. Lào Cai đã hội tụ đủ các loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường thủy và tiến tới là đường hàng không. Hệ thống đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã hoàn thành, tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa đang được xây dựng và một loạt tuyến đường du lịch nội tỉnh là những yếu tố rất quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển. Trong giai đoạn từ 2010 -2020, Lào Cai đã thu hút trên 40 dự án đầu tư quy mô lớn với tổng mức đầu tư đạt khoảng 50.000 tỷ đồng vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí cao cấp, trung tâm thương mại của các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Sun Group, Sài Gòn Tourist, Công ty Cổ phần đầu tư Indochina, Công ty Cổ phần Bitexco ISC… Trong đó, điển hình nhất là dự án cáp treo Fansipan với vốn đầu tư 4.400 tỷ đồng của Tập đoàn Sun Group. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng chất lượng và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Liên kết và hợp tác để cùng phát triển, tỉnh Lào Cai đã có sáng kiến hình thành các chương trình liên kết trong nước và quốc tế như Chương trình “Du lịch về cội nguồn” Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ, Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ - Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu – Hà Giang). Từ năm 2020, Chương trình của 8 tỉnh tiếp tục mở rộng hợp tác với TP Hồ Chí Minh. Trong các chương trình hợp tác của tỉnh Lào Cai với vùng Novelle Aquitaine (Cộng hoà Pháp) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thì hợp tác về du lịch luôn là một trong những nội dung quan trọng được ưu tiên tập trung.
Không chỉ đề ra quyết sách đúng, định hướng có tính chiến lược cho du lịch, mà còn phản ứng và thích ứng nhanh trong các điều kiện bất ngờ và bất lợi. Năm 2020, đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có do đại dịch Covid-19, ngành du lịch Lào Cai cùng với ngành du lịch Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là sự chuyển hướng thực hiện các chương trình kích cầu, xây dựng các sản phẩm du lịch hướng tới thị trường nội địa; chuyển đổi hình thức các hoạt động du lịch trực tuyến, online, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Thành tựu ấn tượng
Du lịch Lào Cai sau 30 năm tái lập tỉnh đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Đến hết năm 2019 đón khoảng 5,5 triệu lượt khách du lịch với doanh thu toàn xã hội từ hoạt động du lịch đạt trên 22.800 tỷ đồng. Con số này vượt xa so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là đến hết năm 2020 đạt 4 triệu lượt khách. Năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành du lịch Lào Cai vẫn đón trên 2,5 triệu lượt khách và đạt doanh thu khoảng 6.700 tỷ đồng. Cơ sở vật chất chuyên ngành có bước nhảy vọt về số lượng cũng như chất lượng. Toàn tỉnh có 1.310 cơ sở lưu trú, trong đó có 12 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao và 340 homestay. Ngành du lịch đã thu hút và giải quyết việc làm cho trên 32.000 lao động. 32 hãng lữ hành, bao gồm 30 hãng lữ hành quốc tế hoạt động tại Lào Cai. Tỉnh có 1 Khu du lịch quốc gia, 2 Khu du lịch cấp tỉnh và 30 điểm du lịch.
Du lịch Lào Cai được nhiều đơn vị truyền thông có uy tín của thế giới đánh giá và xếp hạng cao. Sa Pa luôn nằm trong Top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á, Top 9 điểm đến được trông đợi nhất của thế giới và Top 5 điểm đến hấp dẫn nhất của Việt Nam. Gần đây nhất, kênh truyền hình National Geopraphic (Mỹ) đã bình chọn Hoàng Liên Sơn - Sa Pa đứng thứ 7 trên tổng số 28 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2019 và là điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á năm 2019. Trong năm 2017, Sa Pa (thứ 10), thành phố Lào Cai (thứ 24), Bắc Hà (thứ 51) nằm trong danh sách 71 địa điểm hấp dẫn của Việt Nam theo bình chọn của mạng du lịch lớn nhất thế giới Trip Advisor (Mỹ). Chợ văn hóa Bắc Hà được Tạp chí Serendib (Srilanka) giới thiệu là 1 trong 10 chợ hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Ruộng bậc thang Sa Pa được Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới. Sun World Fansipan Legend liên tiếp hai năm 2019 và 2020 được World Travel Awards trao tặng danh hiệu “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới”...
Những đánh giá xếp hạng của truyền thông về các điểm đến của du lịch Lào Cai khẳng định vị trí của du lịch Lào Cai trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế. Sức phát triển mạnh mẽ của du lịch 30 năm qua đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giá trị văn hóa, tinh thần đổi mới, sáng tạo của người Lào Cai sẽ là nguồn sức mạnh nội sinh, nguồn động lực quan trọng cho phát triển ngành du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung./.