Phấn đấu Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước
Sau 30 năm tái lập (1/10/1991 - 1/10/2021), với những cách làm sáng tạo, đột phá, từ một tỉnh nghèo nhất cả nước, Lào Cai vươn lên trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và tốp đầu trong 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc. Những thành tựu đạt được sau 30 năm là nền tảng vững chắc để Lào Cai hiện thực hóa những mục tiêu xa hơn trong giai đoạn tới. Nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung này.Các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn nút khai trương Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lào Cai. |
Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh! Những thành tựu đạt được sau 30 năm tái lập đã tạo cho Lào Cai vị thế như thế nào?
Đồng chí Trịnh Xuân Trường: Sau 30 năm tái lập, xây dựng và phát triển, thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã đoàn kết, thống nhất, vận dụng linh hoạt và sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tế phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, Lào Cai đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Từ 1 trong 6 tỉnh nghèo nhất cả nước, Lào Cai đã bứt phá vươn lên trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc.
Với những thành tựu đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh, vị trí, vai trò của Lào Cai trong khu vực Tây Bắc và trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh ngày càng được khẳng định, tạo ra vị thế mới cho Lào Cai. Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục có những chủ trương, chính sách ưu tiên tập trung phát triển khu vực vùng núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, nhiều dự án trọng điểm về công nghiệp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, chế biến sâu khoáng sản, cơ sở dịch vụ, đầu tư kinh tế cửa khẩu… tăng trưởng đột phá; khu du lịch quốc gia Sa Pa, Y Tý, Bắc Hà, thành phố Lào Cai ngày càng hấp dẫn du khách trong nước và ngoài nước. Đặc biệt, việc khẩn trương đầu tư hoàn thành đưa Cảng Hàng không Sa Pa vào hoạt động sẽ mở ra không gian và tiềm năng để Lào Cai phát triển, trở thành trung tâm của vùng và cả nước.
Thành phố Lào Cai hôm nay. |
Thực tiễn 30 năm qua đã khẳng định sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của Lào Cai. Vậy, tinh thần này tiếp tục được kế thừa và hiện thực hóa trong giai đoạn tới như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trịnh Xuân Trường: Thực tiễn đã cho thấy, việc phát huy tinh thần đoàn kết, tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là một trong những yếu tố quyết định, mang đến những thành công trong 30 năm qua. Vì vậy, Lào Cai luôn xác định tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới sẽ tiếp tục được kế thừa và xuyên suốt trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh giai đoạn tới.
Trong đó, Lào Cai sẽ đổi mới mạnh mẽ tư duy theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, đó là “những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội” nhằm giải phóng nguồn lực, khơi nguồn sáng tạo, quyết tâm hoàn thành toàn diện mục tiêu kế hoạch năm 2021, tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021 - 2025.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Quy hoạch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã đề ra mục tiêu: Xây dựng Lào Cai phát triển toàn diện trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam (Trung Quốc); đến năm 2025, Lào Cai tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, năm 2045 là tỉnh phát triển của cả nước. Vậy đồng chí cho biết: Để đạt được mục tiêu này, Lào Cai đã xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức nào?
Đồng chí Trịnh Xuân Trường: Điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng đã đem lại cho Lào Cai nhiều tiềm năng, lợi thế để có thể phát triển thành trung tâm của vùng Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Đó là:
Lào Cai ở vị trí trung tâm, nằm giữa khu vực Tây Bắc và Đông Bắc, đồng thời là tỉnh trung tâm của các tỉnh biên giới Việt Nam với Vân Nam (Trung Quốc). Do vậy, Lào Cai là điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ, cầu nối không chỉ của Việt Nam, mà cả các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc, một kết nối quan trọng của hành lang Bắc Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê kông (GMS).
Lào Cai có nhiều lợi thế để phát triển du lịch gắn với sự phát triển của vùng và cả nước. Đặc biệt, Khu Du lịch quốc gia Sa Pa sẽ phát triển trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, tâm linh... cùng với các danh lam, thắng cảnh, bản sắc văn hóa dân tộc phong phú, độc đáo và nhiều lợi thế khác. Nhờ đó, Lào Cai trở thành hạt nhân, trụ cột trong phát triển du lịch vùng Tây Bắc, là điểm du lịch kết nối các vùng miền của cả nước, đặc biệt là kết nối giữa Trung Quốc với Việt Nam.
Lào Cai giàu tài nguyên khoáng sản, có 35 loại khoáng sản khác nhau với trên 150 điểm mỏ có giá trị công nghiệp, trong đó nhiều loại khoáng sản quý, có chất lượng cao, trữ lượng lớn hàng đầu Việt Nam như apatit, sắt, đồng, graphit, đất hiếm... Hệ thống sông, suối dày với địa hình dốc tạo ra lợi thế cho Lào Cai trong phát triển thủy điện vừa và nhỏ.
Thổ nhưỡng phong phú, địa hình chia cắt mạnh tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu, thuận lợi cho phát triển nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao, đặc hữu, như dược liệu, rau, quả ôn đới, chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và có điều kiện phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, công nghệ cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Lào Cai có điều kiện giao thông thuận lợi với đủ loại hình mang tính kết nối quan trọng với các tỉnh trong vùng và quốc tế. Đó là đường bộ (Quốc lộ 70, 4D, 4E, 279, cao tốc Nội Bài - Lào Cai); tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai nối với Côn Minh (Trung Quốc), đường thủy (có sông Hồng là sông Cái của vùng Trung du và miền núi phía Bắc đổ ra biển; đường hàng không với Cảng Hàng không Sa Pa quy mô cấp 4C đang chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương, các bộ, ban, ngành, các địa phương trong cả nước; sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong triển khai các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện thực tế địa phương, xác định đúng lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tập trung vào những khâu đột phá và có lộ trình thực hiện phù hợp. Cùng với đó là sự nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn tỉnh; sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, truyền thống đoàn kết, gắn bó của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi trên, Lào Cai phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như quy mô, tiềm lực kinh tế của tỉnh còn nhỏ; biến đổi khí hậu, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi thường xuyên xảy ra; đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế có tỷ trọng dịch vụ, du lịch cao của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh chưa đồng bộ và hoàn thiện; nhiều xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; đời sống của Nhân dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; tình hình an ninh nông thôn, tội phạm, tệ nạn xã hội tiềm ẩn các yếu tố phức tạp…
Bản làng vùng cao Nậm Tha (Văn Bàn). Ảnh: Mạnh Dũng |
Từ những thuận lợi, khó khăn, thách thức, Lào Cai cần phải làm gì, đặc biệt là những quyết sách như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra, thưa đồng chí?
Đồng chí Trịnh Xuân Trường: Với khát vọng vươn lên vì một Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định những mục tiêu lớn, không chỉ cụ thể cho 5 năm, mà cho cả tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước và đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển của cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp và 2 lĩnh vực đột phá để thực hiện đến năm 2025; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng bằng 18 đề án trọng tâm cùng với 24 mục tiêu.
Giải pháp có tính quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã xác định, đó là xây dựng và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách để phát triển các lĩnh vực có lợi thế; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án quy mô thu hút sử dụng nguồn nhân lực lớn; thu hút nhân tài, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đối với những lĩnh vực then chốt gắn với thúc đẩy đổi mới, sáng tạo để Lào Cai thực sự là trung tâm, là động lực phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, gắn với việc tự chủ để các địa phương tích cực phát huy các lợi thế, chủ động trong nguồn lực, dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm và dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Quy hoạch và thực hiện đồng bộ quy hoạch, chú trọng các quy hoạch mới gắn kết với các quy hoạch hiện có, như quy hoạch đô thị ven sông Hồng, quy hoạch các đô thị du lịch (Y Tý, Bắc Hà, mở rộng Sa Pa, Tân An - Bảo Hà,…), xây dựng thành phố Lào Cai trở thành đô thị loại I với tiêu chí đô thị thông minh… Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển hạ tầng giao thông (Cảng Hàng không Sa Pa, nâng cấp đường sắt khổ 1.435 mm, phát triển đường sông, hoàn thành giai đoạn 2 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai). Phát triển hạ tầng số (viễn thông, hạ tầng số, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số). Coi phát triển du lịch - dịch vụ là mũi nhọn để đột phá; trong đó tập trung xây dựng Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế; đưa Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành trung tâm logistics lớn của cả nước. Phát triển công nghiệp là trụ cột, tập trung chế biến sâu các sản phẩm công nghiệp. Chuyển dịch mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi, gắn với thị trường để nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho khu vực nông thôn.
Tin tưởng rằng, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới của người dân, doanh nghiệp; sự hợp tác cùng phát triển của các địa phương, bạn bè quốc tế, Lào Cai sẽ hiện thực hóa được mục tiêu đề ra.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!
https://baolaocai.vn/bai-viet/347812-phan-dau-lao-cai-tro-thanh-tinh-phat-trien-cua-ca-nuoc