Lào Cai: Phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị, đội ngũ doanh nhân của tỉnh Lào Cai ngày càng phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bằng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Trung ương và của tỉnh, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Lào Cai ngày càng lớn mạnh không ngừng. Đến nay, tỉnh Lào Cai có trên 5.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn đăng ký trên 70.300 tỷ đồng, trong đó có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp được phân bố rộng tại các địa phương trong tỉnh, hoạt động với các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh đa dạng và phong phú. Từ năm 2011 đến nay, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh về số lượng, quy mô và chất lượng, nhiều doanh nghiệp đã thể hiện rõ bản lĩnh sáng tạo, có tầm nhìn, vươn lên cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
Những năm qua, Lào Cai đã triển khai hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân. Công khai minh bạch Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, bảo đảm quyền lợi đầu tư cho doanh nhân khi lựa chọn Lào Cai là điểm đến. Triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Chính phủ với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp và phương châm "Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển".
Trao quyết định chủ trương đầu tư cho 8 doanh nghiệp thực hiện 11 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019- 2025.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân. Lào Cai hiện đã thực hiện cung cấp gần 1.600/1.999 thủ tục hành chính (TTHC) đạt mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tỷ lệ này đạt 80% tổng số TTHC toàn tỉnh, đồng thời đạt chỉ tiêu Chính phủ giao cho cả giai đoạn 2021- 2025. Rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp xuống còn 1,5 ngày; đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian mua hóa đơn VAT hoặc tự in hóa đơn xuống còn 1 ngày; rút ngắn thời gian nộp thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất và trước bạ còn 4 ngày; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa nhanh chóng; lĩnh vực tài nguyên môi trường đã cắt giảm 30% thời gian giải quyết đối với 4 TTHC giảm từ 50 ngày xuống còn 35 ngày làm việc,... Bãi bỏ hơn 500 TTHC. Tỉnh Lào Cai cũng đã phê duyệt danh mục 828 TTHC cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương. Thực hiện kết nối phần mềm một cửa điện tử với ứng dụng zalo để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tra cứu kết quả và quá trình giải quyết TTHC.
Năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Lào cai xếp thứ 16/63 tỉnh, thành trong cả nước, xếp nhóm điều hành Khá. Thứ hạng này tăng 9 bậc so với năm 2019. Xếp hạng về chuyển đổi số, Lào Cai đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động
Lào Cai tích cực hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp mở rộng khả năng tham gia thị trường: thúc đẩy liên kết sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường cho đầu ra của sản phẩm, thường xuyên tổ chức các hội chợ, lễ hội, kết nối doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay đã có 70 doanh nghiệp xây dựng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử với gần 265 dòng sản phẩm được gắn mã (QR), kết nối gần 80 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an tòan. Hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng với Chương trình "Kết nối ngân hàng – Doanh nghiệp. Hỗ trợ về thuế, ứng dụng CNTT trong quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, thực hiện đồng bộ, thông suốt cơ chế "một cửa liên thông". 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được cấp mã số thuế khai thuế qua mạng và thực hiện nộp thuế điện tử. Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước,… cho doanh nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nhân ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Lào Cai năm 2019.
Từ những cơ chế, chính sách thuận lợi đó, đóng góp của khu vực dân doanh, doanh nghiệp cho sự phát triển kinh tế của tỉnh ngày càng tăng. Tỷ trọng đóng góp trung bình khoảng 28% GRDP của tỉnh, là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ba khu vực ngoài nhà nước (tư nhân, tập thể, cá thể). Đóng góp trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục tăng về tỷ trọng, từ 15,8% (năm 2011) lên đến 42,7% (năm 2019). Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp cũng tăng gần gấp đôi từ trên 42. 000 lao động lên gần 80.000 lao động. Bình quân tăng 9%/năm. Tiền lương bình quân trong doanh nghiệp nhà nước ước đạt 8.890.000 đồng/người/tháng; doanh nghiệp dân doanh 6.200.000 đồng/người/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 6.000.000 đồng/người/tháng… góp phần giải quyết việc làm, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm bình quân hằng năm từ 4-5%/năm. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 7,04%.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế Asean, hành làng kinh tế Đông - Tây, tham gia các Hiệp định FTA mới, nhất là các Hiệp định TPP và FTA với EU, “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và khu vực tự do ASEAN - Trung Quốc, đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, doanh nhân Lào Cai được tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ rộng lớn.
Lào Cai đang hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân Lào Cai lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội cao; tuân thủ pháp luật, có đủ năng lực và trình độ để lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp hoạt động chất lượng, hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật và thực hiện chuyển đổi số, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu./.