Lào Cai trong tôi!
Nơi tôi sinh ra
Mảnh đất bao la mà đối với tôi thì có lẽ nó chẳng bao giờ là xa lạ
Nơi mà - luôn có những ngọn núi vẫn bị mây mù che phủ phía xa xa
Không khí ở đây trong lành chứ ko ngột ngạt như nơi chốn phồn hoa…
Giới thiệu với mọi người - Lào Cai yêu dấu là nơi tôi đã sinh ra.
(“Lào Cai nơi tôi sinh ra” của tác giả Hiếu Bon.)
Ngày 01/01/1996, trong cái rét se lạnh đầu xuân, lần đầu tiên cô bé lớp 3 là tôi đặt chân lên thị xã Lào Cai. Tôi vẫn nhớ cảm giác choáng ngợp trước ánh đèn lung linh trên đường Hoàng Liên, trục đường chính của thị xã Lào Cai bấy giờ. Nhưng khi đó Lào Cai vẫn còn nhiều khó khăn, khu Tỉnh uỷ là những dãy nhà cấp 4 cũ được vây quanh bởi lau, sậy. Ngoài trục đường chính thì hầu hết là đường đất, đường rải đá dăm, cuộc sống của nhân dân còn rất nghèo khó. Lúc bấy giờ công cuộc xây dựng của Lào Cai đang tiến hành với muôn vàn khó khăn, thách thức.
Một góc thành phố Lào Cai
10 năm, 20 năm, 30 năm, cô bé lớp 3 ngày nào lớn dần trong sự nhộn nhịp, hối hả của một Lào Cai đổi mới. Chứng kiến con đường ổ gà ngày nào giờ được trải nhựa với những ngôi nhà san sát hai bên; những bãi lau, sậy nhường chỗ cho khu hành chính khang trang, hiện đại; những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia; những khu chợ được quy hoạch tiện lợi… Cao tốc Lào Cai – Hà Nội được ví là trục “kinh tế xương sống” cho cả khu vực Tây Bắc, rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian, mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của các địa phương. Các bạn sinh viên học tập tại Hà Nội giờ đây chỉ cần 4 giờ đã được trở về với bố mẹ, điều mà tôi vẫn ao ước khi xưa.
Khi tôi đi xa
Về thủ đô thì mới biết mọi người vẫn nghĩ Lào Cai như vùng miền núi xa lạ
Họ vẫn cứ tưởng dân mình thì phải ở túp lều đi học bằng ngựa chứ đâu được như người ta…
Tôi ko trách họ vì họ đâu biết Lào Cai giờ đã khác xưa như thế nào.
Lào Cai, một trong sáu tỉnh nghèo nhất cả nước đã vươn mình lên trở thành tỉnh phát triển nhất vùng Tây Bắc, là tỉnh phát triển khá của Vùng trung du Miền núi Phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, duy trì ở mức cao, bình quân giai đoạn 1991 - 2020 đạt 10,89%/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp giảm mạnh. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 9.089 tỷ đồng (gấp 478 lần so với năm 1991), đứng thứ 3 so với các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc. Nông nghiệp luôn được tỉnh xác định là ngành trọng tâm, quan trọng nhất để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân cư. Kinh tế công nghiệp, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ có nhiều đột phá. Đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai hoạt động sôi động, thu hút được hàng nghìn doanh nghiệp, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh, khẳng định vị trí “mũi nhọn” của nền kinh tế. Du lịch từ chỗ mới có sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ở Sa Pa, nay được khai thác hiệu quả, thể hiện được sự đa dạng, phong phú, nét đặc trưng riêng biệt, độc đáo của Lào với các điểm du lịch tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát và thành phố Lào Cai, đặc biệt Khu du lịch quốc gia Sa Pa với đỉnh Phan Si Păng hùng vĩ từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam, cũng như thế giới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp, tương đối đồng bộ. Diện mạo khu vực nông thôn có nhiều khởi sắc; Chương trình giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 60% năm 1991 còn 8,2% năm 2020…
Đồng hành cùng phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Các công trình văn hóa từ thôn, bản, xã, phường, huyện, thành phố như: Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm văn hóa, Nhà thi đấu đa năng, sân vận động, các công viên… được đầu tư đồng bộ phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống tinh thần cho nhân dân. Sự nghiệp giáo dục đào tạo với nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục nằm trong tốp đầu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên, mạng lưới y tế phát triển từ tỉnh đến thôn bản. Quốc phòng, an ninh luôn được đảm bảo và giữ vững, quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng, tăng cường…
Công tác xây dựng Đảng được thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt có hiệu quả. Khi tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh có 493 tổ chức cơ sở đảng với 10.942 đảng viên; còn 451 thôn, bản chưa có đảng viên. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 50.000 đảng viên, tỷ lệ đảng viên; 100% thôn, bản có chi bộ độc lập.
Và còn rất nhiều những con số là kết quả minh chứng cho sự chuyển mình, bứt phá của Lào Cai trở thành tỉnh phát triển, sôi động nhất của khu vực Tây Bắc.
Đối với một người con sinh ra, trưởng thành trên mảnh đất Lào Cai, được chứng kiến sự thay đổi và phát triển của quê hương ngày một giàu đẹp, đó là sự tự hào, niềm vui phấn khởi. Có được kết quả và thành tựu đó là nhờ sự vun đắp từ những trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo lao động sản xuất dựng xây đất nước, từ sự hy sinh xương máu của các Anh hùng Liệt sỹ, từ mồ hôi, công sức, trí tuệ, tâm huyết của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước, từ sự nỗ lực cố gắng vươn lên của các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Đặc biệt, là vai trò tiên phong của Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quần chúng, quân, dân các dân tộc Lào Cai vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nhiều chiến công và thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Chặng đường phía trước đang mở ra cho Lào Cai nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít gian nan, thách thức. Nhưng bằng sự đoàn kết, phấn đấu, sự quan tâm của Trung ương, chính quyền và nhân dân các dân tộc của Lào Cai có quyền tự hào và khát vọng về một Thành phố Lào Cai trở thành "Đô thị quốc tế", khu hợp tác, khu kinh tế, logistic mang tầm quốc tế; Điểm đến của những chuyến bay đi khắp năm châu, của những con tàu, sân ga và tuyến đường cao tốc kết nối giao thương; người Lào Cai văn minh, hiếu khách, thân thiện chào đón khách thập phương đến với Sa Pa - thành phố trong sương, Y Tý - Đại ngàn, Bắc Hà - Cao nguyên trắng; là hình mẫu của mối quan hệ quốc tế "Láng giềng" hòa bình, hợp tác và phát triển.