“Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển” trong dòng chảy 30 năm

30 năm tái lập, Lào Cai ghi dấu biết bao đổi thay trong hành trình phát triển. Trong dòng chảy 30 năm ấy, không thể không kể đến sự đóng góp của các doanh nghiệp, những doanh nhân gắn bó từ những ngày đầu tái lập tỉnh.
Khu nghỉ dưỡng Topas tại Sa Pa là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Lào Cai.

30 năm lớn mạnh cùng tỉnh

Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khi đến Lào Cai, thậm chí cả người dân, từ lâu đã khá quen với cái tên Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đức (Công ty Minh Đức). Công ty đã ghi dấu ấn trên biết bao công trình lớn, nhỏ của tỉnh, như Tỉnh lộ 152 từ thị trấn Sa Pa đi Bản Dền, đường 4E gói 56 từ phường Bình Minh đến xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai), đường Quý Xa (Văn Bàn) - Tằng Loỏng (Bảo Thắng), đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai gói 10, đường Dền Sáng - Y Tý… Có những công trình đang được xây dựng, có những công trình đã xây dựng 5 đến 10 năm, nhưng cũng có những công trình được xây dựng cách đây gần 30 năm, để đến hôm nay và mai sau, người người được thụ hưởng, từ giao thông thuận lợi giúp giao thương thêm phát triển.

Gặp chị Nguyễn Thị Minh Hiền, Giám đốc Công ty Minh Đức trong một buổi chiều thu. Trong khi chờ chị pha chè, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng phòng làm việc của chị. Căn phòng được bài trí gọn gàng, có nhiều biểu trưng cao quý cho các thành tích của công ty cũng như giám đốc qua các thời kỳ, gồm Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; Cờ thi đua toàn diện và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của các bộ, ngành, địa phương; Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt… Tôi thầm ngưỡng mộ và cảm phục giám đốc đương nhiệm, đặc biệt là vị giám đốc đầu tiên của công ty - bà Nguyễn Thị Minh Đức (cũng chính là mẹ đẻ của chị Hiền), người đã đặt những viên gạch đầu tiên và chèo lái “con thuyền” Minh Đức vượt bao thác ghềnh trong gần 30 năm.

Đang ngồi thì cửa chợt mở, một phụ nữ lớn tuổi bước vào, đó là bà Nguyễn Thị Minh Đức. Trong câu chuyện cùng hai “nữ tướng” của công ty, chúng tôi ngược về thời kỳ đầu chia tách tỉnh. Khi đó, Lào Cai gian khó trăm bề, trụ sở làm việc của các cơ quan, ban, ngành đều là nhà dựng tạm hoặc nhà xây cấp 4, cơ sở vật chất thiếu thốn, giao thông khó khăn, nhiều tuyến đường còn chưa hình thành. Cũng như bao người con của quê hương, bà Đức mong được đóng góp công sức của mình cho công cuộc tái kiến thiết tỉnh. Sau 2 năm hoạt động xây dựng nhỏ lẻ, năm 1993, Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Minh Đức được thành lập với số vốn khởi nghiệp chỉ mấy chục triệu đồng.

Với phương châm “vừa làm vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng”, công ty thực hiện đa dạng hoạt động sản xuất, từ khai thác cát, sỏi, xây dựng các công trình giao thông, nhà máy đến kinh doanh vật liệu xây dựng, thương mại, nông sản. Với những bước đi vững chắc, Công ty Minh Đức ngày càng phát triển, khẳng định vị thế doanh nghiệp hàng đầu với những đóng góp quan trọng vào ngân sách tỉnh, chỉ tiêu doanh thu và nộp ngân sách ngày càng tăng, đặc biệt 10 năm gần đây, tốc độ tăng trường từ 10% đến 15%. Những năm đầu mới thành lập, doanh thu của công ty chỉ đạt 1 tỷ đồng, đến năm 2017 đã đạt hơn 500 tỷ đồng, tăng 500%. Trong 2 năm trở lại đây, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng doanh thu của công ty vẫn giữ ở mức 3 con số.

Không chỉ góp phần quan trọng trong việc tái kiến thiết tỉnh, công ty còn góp phần hỗ trợ địa phương giải quyết việc làm cho nguồn nhân lực tại chỗ với quân số lao động mỗi thời điểm luôn ổn định trên dưới 200 người. Việc chăm lo đời sống, thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động được chú trọng.

Gần 30 năm nhìn lại, không thể nhớ đã thực hiện bao nhiêu dự án, công trình, nhưng cả 2 vị giám đốc đều tự hào khi nhắc đến những công trình mang tên Minh Đức. Ở đó không chỉ là hiệu suất kinh doanh, mà trên hết là sự trăn trở mong được hòa vào “hơi thở” phát triển của quê hương.

Công ty Minh Đức ghi dấu trên những công trình giao thông của tỉnh.

Đưa hình ảnh Lào Cai bay xa

Không chỉ đến khi tái lập tỉnh năm 1991, mà trong câu chuyện của hơn trăm năm trước đó, kể từ khi tỉnh được thành lập vào năm 1907, Lào Cai đã là một điểm sáng về cảnh quan tươi đẹp, khơi gợi những tiềm năng du lịch cho muôn đời. Đến bây giờ, Lào Cai luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước.

Tập đoàn Topas (Đan Mạch) cũng như nhiều nhà đầu tư khác đều “phải lòng” Lào Cai. Chẳng thế mà sau gần chục năm trải nghiệm, đưa các tour khách từ Đan Mạch và các nước châu Âu đến Sa Pa, đầu những năm 2000, những nhà lãnh đạo của tập đoàn đã tìm kiếm môi trường đầu tư, lên ý tưởng xây dựng khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge tại Sa Pa thuộc sự điều hành của Topas Việt Nam. Năm 2003, khu nghỉ dưỡng đặt những viên gạch đầu tiên và đến năm 2005 bắt đầu đón khách.

Nằm dưới chân núi Bạc thuộc thôn Lếch Dao, xã Thanh Bình (thị xã Sa Pa), khu nghỉ dưỡng được xây dựng trên những mỏm đồi bằng phẳng rộng 8 ha. Từ đây nhìn ra là không gian bao la với trùng điệp núi đồi, những con suối, dòng thác đổ trắng xóa. Tiết trời ở đây không quá lạnh về mùa đông như ở trung tâm phố thị và vẫn giữ được độ mát mẻ vào mùa hè, nên là nơi lý tưởng xây khu nghỉ dưỡng. Từ 16 nhà thuở đầu xây dựng, phát triển qua từng năm theo nhu cầu thị trường, đến nay, khu đã có 42 căn riêng lẻ phù hợp với du lịch gia đình. Hiện tại, khu đang xây dựng thêm 8 căn villa.

Đáp ứng thị hiếu khách hàng và cũng là tôn chỉ của đơn vị là tìm những điều khác lạ, tạo nên sự khác biệt, Topas Ecolodge đi theo hướng du lịch xanh. Ở đây, từ thiết kế khu, chất liệu tạo dựng công trình, các đồ vật hiện hữu đều được tuyển chọn kỹ càng, thân thiện với môi trường, như làm nhà đá, để sân đất trước mỗi căn, tạo khu vui chơi dân dã. Khu còn lồng ghép bản sắc văn hóa dân tộc bản địa trong nhiều chi tiết nhà ở, món ăn, văn hóa văn nghệ. Một điểm đặc biệt nữa là 90% lao động là người dân tộc thiểu số tại địa phương được đưa đi đào tạo nghiệp vụ, nên du khách ghé thăm có cảm giác thân quen và tìm được những nét văn hóa vùng miền. Khu nghỉ dưỡng nằm gần các bản làng nên từ đây du khách có thể thỏa sức đi tham quan, khám phá.

Chính những nét duyên ấy khiến Topas Ecolodge luôn được du khách chọn làm điểm đến. Có đến 90% khách nghỉ là người ngoại quốc, cho nên sau chuyến trải nghiệm, hình ảnh về Sa Pa, Lào Cai, về Topas Ecolodge xinh đẹp theo du khách bay xa. Vượt qua biên giới, trên các trang tạp chí của các nước, trên mạng xã hội,  hình ảnh bể bơi vô cực giữa dãy Hoàng Liên Sơn xanh thẫm, quần thể khu nghỉ dưỡng với những ngôi nhà tường đá yên bình trên núi cao, cả những điệu múa của người Tày, người Giáy nhận được phản hồi thích thú và mong đến của bao du khách, để rồi qua từng năm, số lượng khách lưu trú, doanh thu tăng trưởng mạnh. Những năm dịch Covid-19 chưa bùng phát, khu nghỉ dưỡng luôn full phòng.

Gần 20 năm gắn bó, khu còn tích cực hưởng ứng các hoạt động xã hội từ thiện, tỏa sáng tấm lòng nhân ái, xây dựng nhiều công trình ý nghĩa vì cộng đồng, như xây trường học, làm cầu, hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới…

Trong chiến lược phát triển thuở ban đầu cũng như sau này, Topas Việt Nam luôn coi khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge là “hòn ngọc”. Sẽ có những khu villa, nhà hàng tráng lệ mới được xây dựng với tầm nhìn 360 độ, nhưng tất cả sẽ được xây dựng như quỹ đạo vốn có, tạo không gian phát triển du lịch bền vững, gắn lợi ích của doanh nghiệp với sự phát triển của địa phương, ông Christian Milling, quản lý khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge khẳng định.

Thay cho lời kết

Công ty Minh Đức và khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge chỉ là 2 trong rất nhiều doanh nghiệp đã và đang phát triển, làm giàu cho quê hương Lào Cai. Nhìn lại 30 năm với những con số biết nói: Từ số lượng doanh nghiệp lướt trên đầu ngón tay buổi đầu tái lập đến cộng đồng gần 5.900 doanh nghiệp cùng tổng số vốn đăng ký hơn 58.000 tỷ đồng như hiện nay; từ đóng góp của doanh nghiệp chiếm khoảng 19,5% GRDP năm 2010 tăng lên khoảng 28% GRDP vào năm 2020; đóng góp vào ngân sách nhà nước năm 2020 chiếm 27,5% tổng thu trên địa bàn (tăng 8,5% so với năm 2010)…

Với sự nhanh nhạy thị trường, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, doanh nghiệp Lào Cai hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó thương mại, du lịch, dịch vụ chiếm 57,4%. Ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nhìn lại dòng chảy 30 năm, có thể thấy doanh nghiệp chính là cánh tay đắc lực của nền kinh tế Lào Cai. Phát triển doanh nghiệp giúp giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, đồng thời là điều kiện để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển các hoạt động xã hội. Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, Lào Cai luôn tạo mọi điều kiện phát triển cho doanh nghiệp. Bên cạnh việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nhân, tỉnh Lào Cai luôn thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn…

 

https://baolaocai.vn/bai-viet/347675-doanh-nghiep-phat-tai--lao-cai-phat-trien-trong-dong-chay-30-nam

Theo Tô Dung - Kim Thoa/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...