Những dấu ấn sáng tạo đưa Lào Cai “cất cánh”

Là lãnh đạo chủ chốt, gắn bó nhiều năm với tỉnh Lào Cai, đồng chí Bùi Quang Vinh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dành cho phóng viên Báo Lào Cai cuộc trò chuyện, chia sẻ về những dấu ấn sáng tạo đưa Lào Cai “cất cánh”.

Phóng viên: Sau 10 năm đầu tái thiết, tỉnh Lào Cai bắt đầu đứng trước những thời cơ mới. Trong thời điểm đó, việc khai thác nguồn lực đầu tư, nhất là ngoại lực và mở cửa quan hệ để có chặng đường phát triển mới đã được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Quang Vinh.

Đồng chí Bùi Quang Vinh: 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai, chúng ta tạm chia ra thành ba chặng đường. 10 năm đầu tiên (1991 - 2000) là khoảng thời gian khôi phục, ổn định. Bước sang chặng đường 10 năm thứ 2 (2001 - 2010), Lào Cai bắt đầu khai thác các tiềm năng để phát triển, đây là khoảng thời gian rất quan trọng trong 30 năm qua. Quan trọng ở chỗ, sau khi đã ổn định tình hình, chúng ta phải nghĩ đến việc Lào Cai sẽ phát triển như thế nào và theo hướng nào. Những năm 2000, tôi và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy đã bàn bạc rất nhiều để tìm ra giải pháp cho tỉnh phát triển. Qua đánh giá vị thế, khó khăn của Lào Cai, chúng tôi thống nhất nhận thức rằng tỉnh chỉ có thể phát triển khi biên giới hòa bình, hữu nghị, mọi người mới yên tâm làm ăn, sinh sống, du lịch... Vì vậy, vấn đề đối ngoại với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được tỉnh quan tâm rất sớm. Tư tưởng xây dựng Lào Cai trở thành cửa ngõ, điểm trung chuyển hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Tây Nam Trung Quốc và ngược lại, lâu dài sẽ là một tuyến đường quốc tế nối ASEAN với Trung Quốc… cũng bắt đầu hình thành từ đây.

Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), năm 2001, tôi (khi ấy là Chủ tịch UBND tỉnh) đã dẫn đầu đoàn công tác dưới sự hỗ trợ của Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Bitis) mở tọa đàm trực tiếp trên sóng truyền hình của Thành phố Hồ Chí Minh với tiêu đề: “Lào Cai - cầu nối với thị trường Tây Nam Trung Quốc”. Tôi đã trả lời rất nhiều câu hỏi của những chuyên gia, nhà báo, doanh nghiệp lớn của Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và việc Lào Cai sẽ làm gì để trở thành cầu nối, cửa ngõ giao thương... Thời gian sau đó đã có rất nhiều doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh ra Lào Cai hợp tác làm ăn, tìm hiểu cơ hội đầu tư bên Vân Nam, Trung Quốc. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã trở thành 1 trong 3 cửa khẩu chính xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc.

Chính từ quan hệ hợp tác giao thương đã phát triển các mối quan hệ khác giữa  doanh nghiệp, Nhân dân, sau đó là hợp tác giữa Đảng và chính quyền 2 tỉnh Lào Cai - Vân Nam. Tôi là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Lào Cai sang làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, 2 bí thư tỉnh ủy đã ký kết biên bản hợp tác. Một trong những điểm nhấn quan trọng là Lào Cai và Vân Nam đã thống nhất hằng năm luân phiên tổ chức hội chợ giới thiệu hàng hóa 2 bên, đến nay vẫn duy trì hoạt động này.

Sau đó, Lào Cai tiếp tục báo cáo với Chính phủ và được đồng ý phát triển mối quan hệ hợp tác thành hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Bắt đầu từ đây, Lào Cai từng là ngõ cụt, “điểm cuối đường hầm” trở thành điểm kết nối, cửa ngõ thông thương giữa vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc với Việt Nam. Lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai ngày càng lớn, đồng nghĩa số lượng xe ô tô vận tải hàng hóa đến Lào Cai ngày càng nhiều. Trong khi đó, Quốc lộ 70 quá nhỏ, ngay Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cũng quá chật hẹp, không đủ sức chứa cho hàng trăm xe container một ngày, thực trạng đó đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết đối với thành phố Lào Cai như tình trạng tắc nghẽn, ảnh hưởng đến thông thương hàng hóa, cơ chế quản lý hai bên không phù hợp…

Phóng viên: Phải chăng, sự bức thiết đó đã thôi thúc tỉnh Lào Cai quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường và “dời đô” để tạo ra nhiều không gian hơn cho thành phố Lào Cai - trung tâm tỉnh lỵ phát triển, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Quang Vinh: Đúng vậy! Thường trực Tỉnh ủy đã sớm nhận ra hạn chế này. Không gian thị xã Lào Cai (nay là thành phố Lào Cai) chật hẹp, nhưng lại có ưu thế về mặt thương mại, trong khi đó thị xã Cam Đường và khoảng giữa 2 thị xã rất bằng phẳng, vị trí địa lý đẹp lại bỏ trống. Vậy nên tôi đã đề xuất trong Thường trực Tỉnh ủy về việc sáp nhập thị xã Lào Cai với thị xã Cam Đường làm một. Thứ hai là sẽ xây dựng một khu hành chính mới nằm ở khoảng giữa, lùi về xuôi 10 km để vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh và nhường toàn bộ khu vực thị xã Lào Cai cũ để xây dựng khu kinh tế cửa khẩu.

Có nhiều người đặt câu hỏi tại sao một tỉnh vừa tái lập được 10 năm lại dời đô, một số ý kiến chưa đồng thuận, băn khoăn nguồn lực ở đâu để làm trong khi bao nhiêu thứ phải giải quyết, nếu làm một khu đô thị mới cần rất nhiều tiền, trong điều kiện tỉnh còn rất nhiều khó khăn…

Phóng viên: Vậy thời điểm đó tỉnh đã làm thế nào để có nguồn lực thực hiện, thưa đồng chí?

Tuyến đường Trần Hưng Đạo là minh chứng cho sự vận dụng sáng tạo về cơ chế của tỉnh Lào Cai.

Đồng chí Bùi Quang Vinh: Đấy cũng là vấn đề khi đưa ra bàn có nhiều người hoài nghi, nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn quyết định “dời đô” và đưa ra rất nhiều giải pháp sáng tạo để triển khai thực hiện. Tôi chỉ kể một ví dụ, khi làm tuyến đường trục chính, chính là Đại lộ Trần Hưng Đạo, tôi và Giám đốc Sở Giao thông vận tải đã về Bộ Giao thông vận tải trình bày về tính cấp thiết của con đường, đồng thời đề nghị Bộ cho chuyển Quốc lộ 4E vào trong đường 58 m.

Theo quy định, quốc lộ đi qua trung tâm tỉnh lỵ thì được đầu tư mở rộng theo quy hoạch. Tỉnh cam kết thực hiện toàn bộ giải phóng mặt bằng, đắp đất, san nền đường, còn lại phần mặt đường như thảm nhựa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật… do Bộ thực hiện. Nhờ vậy, thành phố Lào Cai đã có được con đường to đẹp như hôm nay.

Đến 2007, các cơ quan của tỉnh bắt đầu chuyển về Khu Đô thị mới Lào Cai - Cam Đường. Khu đô thị mới không chỉ rộng mà còn được Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá rất đẹp vì bảo tồn được những rừng cây xanh rộng hàng trăm ha, cố gắng đưa các trụ sở lên đồi cao để hạn chế san gạt… Dời đô, tôi cho đó là tầm nhìn rất hợp lý, tư tưởng trong quy hoạch cũng rất tiên tiến, đến hôm nay vẫn đang phát huy hiệu quả.

Phóng viên: Thưa đồng chí, trong giai đoạn 10 năm này (2001 - 2010), Lào Cai cũng rất nổi tiếng với việc không xin tiền mà xin cơ chế để có điều kiện tốt hơn cho địa phương phát triển? Đây là một trong những sáng tạo rất lớn của Lào Cai?

Đồng chí Bùi Quang Vinh: Khoảng những năm 2001 - 2005, ngân sách nhà nước rất hạn chế, mà tỉnh nào cũng xin nên tỉnh Lào Cai có xin thế, xin nữa cũng không có. Quan trọng nhất là cơ chế, có cơ chế sẽ kiếm ra tiền, chỉ có điều phải nghĩ ra cơ chế gì. Tôi ví dụ công trình đường 58 m chính là điển hình cho việc xin cơ chế của Lào Cai. Hoặc như kinh tế cửa khẩu ngày càng phát triển, nhu cầu đầu tư đáp ứng yêu cầu bến bãi, kiểm hóa lớn. Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu không chỉ cho Lào Cai mà cả nước, vì vậy, tỉnh đã đề nghị Trung ương cho địa phương được để lại 50% số vượt thu của cửa khẩu theo kế hoạch Bộ Tài chính giao hằng năm. Đề xuất đó đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, từ đó, mỗi năm Lào Cai có thêm vài trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng. Số tiền đó với điều kiện của một tỉnh nghèo như Lào Cai cũng rất quý, đó là những điển hình về việc xin cơ chế.

Ngoài ra, còn rất nhiều cơ chế, chính sách khác về lĩnh vực nông nghiệp, giữ rừng; các cơ chế nếu làm tăng, địa phương sẽ được hưởng thụ hoặc một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh phát sinh doanh thu trên địa bàn, tỉnh đã thống nhất với Tổng cục Thuế để phân chia đóng thuế hợp lý. Tất cả những cách làm đó thể hiện sự sáng tạo của Lào Cai. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh phải thực sự “vắt óc” suy nghĩ để làm sao tỉnh có được nguồn lực, tiết kiệm xây dựng Lào Cai phát triển.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

https://baolaocai.vn/bai-viet/347424-nhung-dau-an-sang-tao-dua-lao-cai-cat-canh

Theo Thành Phú/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...