Về Bảo Yên nghe câu hát then và tiếng đàn tính
Nếu ai một lần đặt chân đến 2 xã Vĩnh Yên và Nghĩa Đô (Bảo Yên – Lào Cai) đều vấn vương với tiếng hát then trong trẻo và âm điệu đặc sắc của chiếc đàn tính.Hát then gắn liền với đời sống tinh thần của người dân tộc Tày (Bảo Yên)
Hát then được người Tày ở Nghĩa Đô và Vĩnh Yên gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần, phong tục tập quán và tín ngưỡng từ lâu đời. Vì thế, câu hát then mỗi khi cất lên đều được người dân nơi đây, từ trẻ đến già yêu mến và cảm thấy gần gũi, thân thiết đối với câu then như lời ăn tiếng nói của mình. Điều đặc biệt là, những làn điệu hát then nơi đây không lẫn với bất cứ làn điệu hát then ở những vùng Tày khác, mà đó là những sáng tạo của chính cư dân bản Tày nơi đây.
Hát then có mặt trong những nghi lễ quan trọng của người Tày vùng này như nghi lễ cúng then, cúng thần linh, cúng tổ tiên và nghi lễ tang ma. Hát then còn có mặt trong những lễ hội cổ truyền của người Tày như hội xuống đồng, hội mừng cơm mới, nghi lễ mừng nhà mới, cưới hỏi... cùng các hoạt động văn hóa của đồng bào Tày.
Nếu hát then là một món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Tày, thì cây đàn tính là một nhạc cụ không thể thiếu để tạo nên nhịp điệu hài hòa cho điệu hát. Chính vì vậy, cây đàn tính là một nhạc cụ gần gũi, thân thuộc trong những điệu hát then.
Theo các nghệ nhân dân gian ở Bảo Yên, hát then từ lâu đã có mặt ở các bản Tày ở Bảo Yên và đó là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc Tày sống quần tụ dưới các triền núi. Để có những giai điệu then trong trẻo, ấm áp thì cây đàn tính là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Cây đàn tính hay còn gọi là tính tẩu, xưa kia được đồng bào Tày Bảo Yên chế từ quả bầu và gỗ rừng.
Cây đàn tính của người Tày gồm ba bộ phận chính: Bầu vang, cần đàn và dây đàn. Bầu vang là bộ phận tăng âm được làm bằng nửa quả bầu khô. Người Tày thường chọn quả bầu khô to, già và tròn từ mùa trước để làm đàn. Từ khi trồng bầu, với mục đích lấy quả để làm đàn tính, người Tày chăm sóc cây bầu rất chu đáo, thường họ không bón phân mà chỉ dùng nước sạch từ rừng tưới cho bầu. Vì vậy, bầu luôn xanh tốt và ra quả to đúng như ý muốn. Cần đàn được làm bằng gỗ, có một đầu xuyên qua bầu vang, đầu còn lại được uốn cong hình lưỡi liềm gọi là đầu đàn. Một cây đàn Tính hát Then thường có ba dây. Theo người dân tộc Tày, ba dây của cây đàn tính tượng trưng cho cha, cho mẹ và cho đất nước.
Cây đàn tính đối với đồng bào Tày (Bảo Yên) không chỉ là một nhạc cụ dùng trong sinh hoạt hát then, mà nó đã trở thành một vật linh thiêng trong nghi lễ cúng then của các thầy mo ở bản Tày. Cây đàn được các thầy mo cất giữ và bảo quản rất cẩn thận. Khi trong bản có người đến mời thầy then đến cúng, thầy then thắp hương làm lễ cúng xin phép thần linh được mang cây đàn tính cùng các vật cúng lễ để đi làm cúng, rồi mới mang cây đàn tính từ trên gác trao cho người mời mang về trước, hẹn ngày lành tháng tốt sẽ đến làm lễ.
Hãy một lần đến với Bảo Yên, ngắm dòng Nậm Luông hiền hòa thơ mộng và những mái nhà sàn truyền thống của người Tày. Thong thả lắng nghe những câu hát then ngọt ngào và âm điệu đặc biệt từ cây đàn tính, bạn sẽ cảm nhận được cuộc sống hữu tình ở nơi đây.