Ngời sáng một Lào Cai mới: Những ngày đầu vượt gian khó
Ngày 12/8/1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn, tái lập tỉnh Lào Cai. Ngay sau khi Trung ương ra quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời Lào Cai, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhanh chóng triển khai mọi công việc của tỉnh mới. Từ ngày 23/9, các cơ quan từ thị xã Yên Bái bắt đầu chuyển lên khu tập kết của tỉnh tại huyện Bảo Thắng và khu Mỏ apatit Cam Đường. Ngày 1/10, tỉnh Lào Cai chính thức đi vào hoạt động.Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai (tháng 6/1992). Ảnh: Tư liệu |
Tháng 1/1992, sau 3 tháng triển khai đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất (nay sắp xếp lại là Đại hội X) diễn ra thành công tại Hội trường Xí nghiệp Liên hợp Apatit Lào Cai. Đại hội đã ra nghị quyết những vấn đề mang tầm vóc lịch sử, mở đầu tiến trình xây dựng lại quê hương. Tái lập tỉnh, Lào Cai phải đối mặt với muôn vàn thách thức do lịch sử để lại. Kinh tế khó khăn, 54% hộ nghèo; hệ thống hạ tầng bị tàn phá và xuống cấp, 43 xã và hầu hết thôn, bản chưa có đường ô tô, điện lưới, điện thoại; công nghiệp kém phát triển; nhiều xã “trắng” về y tế, trường học, 60% trẻ trong độ tuổi không được cắp sách tới trường, an ninh nông thôn không ổn định; khu vực biên giới Việt - Trung, trong đó có Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai chưa được khai thông... Mục tiêu sớm đưa Lào Cai ra khỏi diện tỉnh nghèo mà Nghị quyết Đại hội đề ra là ước mong cháy bỏng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đó là niềm tin thôi thúc Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc Lào Cai bước vào thời kỳ mới.
Nhớ lại những tháng mùa xuân 1992, đón Tết đầu tiên nơi tập kết tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, ông Nguyễn Quý Đăng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Vui xuân trong không khí náo nức trở lại Lào Cai nhưng vẫn luôn canh cánh nghĩ đến bao công việc bộn bề. Bắt tay vào xây dựng quê hương với rất nhiều khó khăn trong những ngày đầu lên tỉnh mới, ưu tiên hàng đầu là phải định canh, định cư cho đồng bào, sớm giảm nghèo, đói cho hơn chục vạn đồng bào vùng cao, đồng thời không để xảy ra “điểm nóng” trong thôn, bản, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động. Tết đầu tiên, tỉnh chủ trương là “Tết gần dân, về với cơ sở”, nhiều đoàn cán bộ tỉnh tỏa về huyện, xã, quán triệt chủ trương mới, truyền hào khí, quyết tâm xây dựng lại quê hương Lào Cai xứng tầm vị thế mới.
Theo ông Trần Văn Luân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khi đó nói: Là cán bộ từ Bắc Hà được cấp trên điều động về Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn, trở lại quê hương thấy đời sống đồng bào mình khổ quá. Tôi luôn trăn trở suy tính, làm sao đánh thức được tiềm năng của nông dân, chiếm trên 87% dân số của tỉnh, trong đó 67% là đồng bào dân tộc thiểu số chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm - nghiệp, tấn công vào đói nghèo.
Ông Nguyễn Đức Thăng, khi đó là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng cho biết: Khí thế về lại Lào Cai được chuyển tải tới cán bộ, đảng viên và đồng bào khi quán triệt Nghị quyết Đại hội như mang theo hào khí mới, vững tin vào đường lối đổi mới, vào chủ trương lớn của tỉnh. Tuy nhiên, công tác tư tưởng phải nuôi dưỡng được niềm tin khi thực tế lúc đó đời sống quá khó khăn, chuyển đổi cơ chế bao cấp sang cơ chế mới còn lúng túng, biên giới lại chưa thông thoáng. Đặc biệt là khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã, công tác tư tưởng vừa phải quán triệt sâu sắc nội dung cơ bản Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, đặc biệt là nội dung cơ bản “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”, cung cấp thông tin đổi mới tới cán bộ, đảng viên, vừa phải định hướng dư luận xã hội, nắm vững diễn biến tư tưởng để báo cáo tỉnh kịp thời chỉ đạo.
Ông Lương Xuân Mầu, khi đó là Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng chỉ đạo tiếp đón, bố trí các cơ quan từ Yên Bái chuyển lên vẫn nhớ như in các cơ quan huyện, đồng bào thị trấn Phố Lu, Tằng Loỏng, xã Cam Đường; lãnh đạo, công nhân Xí nghiệp Liên hợp Apatit Lào Cai chia sẻ khó khăn, nhường phòng làm việc, cơ sở vật chất cho các cơ quan tỉnh chuyển lên. Tình người khi về lại Lào Cai sao mà sâu đậm, không gợn chút toan tính tư lợi, tất cả vì cái chung để các cơ quan đầu não của tỉnh mới sớm đi vào hoạt động.
Khu trung tâm hành chính tỉnh Lào Cai hôm nay. |
Hôm nay, đội ngũ lãnh đạo thế hệ “dẫn quân” về lại Lào Cai đều đã ngoài 80 tuổi, nhiều người đã về với đất mẹ, khi gợi hỏi về ký ức xưa, họ đều nói những điều rất chân thành rằng: Thế hệ lãnh đạo đi mở đất khi đó chưa dám nghĩ về những điều lớn lao, chỉ tập trung chỉ đạo sớm thoát nghèo cho đồng bào, giữ vững an ninh biên giới, củng cố hệ thống chính trị từ cơ sở, nuôi dưỡng ý chí, quyết tâm xây dựng lại quê hương Lào Cai.
Thành tựu 10 năm đầu chặng đường xây dựng lại Lào Cai (1991 - 2001) rất tự hào, trân trọng và thiêng liêng. Đó là chặng đường vượt lên khó khăn, thách thức trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước. Sự kiện đầu tiên khẳng định quyết tâm xây dựng lại quê hương là việc Tổng Bí thư Đỗ Mười trong chuyến thăm Lào Cai tháng 4/1992 đã chỉ đạo thực hiện quy hoạch xây dựng thị xã tỉnh lỵ ngay trên mảnh đất sát biên giới bị tàn phá sau chiến tranh biên giới. Tiếp đó, tháng 8/1992, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt thăm, kiểm tra việc triển khai, thực hiện các mục tiêu kế hoạch Nhà nước, quyết đáp trực tiếp những đề xuất tháo gỡ khó khăn của tỉnh Lào Cai. Ngày 18/5/1993, tỉnh tổ chức thông tuyến 34 km đoạn đường sắt Phố Lu - Lào Cai, khôi phục cầu Hồ Kiều và mở lại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu vốn bị khóa chặt nhiều năm, mở ra chương mới trong giao thương. Tháng 6/1993, cơ quan cuối cùng của tỉnh rời khu tập kết, nơi chia sẻ khó khăn những ngày đầu lên tỉnh mới, về lại thị xã tỉnh lỵ. Nhờ chủ trương, chính sách rất táo bạo của tỉnh về định cư, gia đình cán bộ, công chức tỉnh, thị xã và đông đảo người ly tán sau chiến tranh biên giới được cấp đất ở, bắt đầu lại cuộc sống trong niềm vui khôn tả.
Thành tựu những năm sau ngày tái lập tạo nên một Lào Cai đổi thay lớn về kinh tế - xã hội, những khó khăn ngày tái lập được từng bước giải quyết; biên giới khai thông, tỉnh đầu tiên khu vực biên giới Việt - Trung hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên thực địa; đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đã có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn vững vàng bước vào thiên niên kỷ mới cùng công cuộc đổi mới của đất nước...
https://baolaocai.vn/bai-viet/347156-ngoi-sang-mot-lao-cai-moi-nhung-ngay-dau-vuot-gian-kho