Tả Phìn – Cách làm sáng tạo trong công tác xóa đói, giảm nghèo

Tả Phìn là xã vùng cao thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, trong những năm gần đây, nhờ cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế với phát triển du lịch cộng đồng, đã tạo việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước là điều kiện không thể thiếu cho các địa phương thoát nghèo. Tuy nhiên, cách mà Tả Phìn lựa chọn đã phát huy hiệu quả cao nhất. Cụ thể, chỉ với hạng mục làm đường, thay vì hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho khu vực trung tâm, xã chọn ưu tiên cho thôn bản khó khăn trước. Tả Chải là thôn xa nhất được ưu tiên làm đường trước, khi con đường trải bê tông dài hơn 5 km nối liền thôn với trung tâm hoàn thành, giao thương thuận lợi đã giúp cho các hộ dân thôn Tà Chải vốn có thế mạnh về trồng hoa lan, trồng rau và chăn nuôi tự tin triển khai các mô hình kinh tế mới.

Một cách làm khác là việc hỗ trợ hộ nghèo, cách làm của Tả Phìn cũng rất sáng tạo. Không chia sẻ đều sự hỗ trợ nguồn lực cho tất cả các hộ nghèo mà lựa chọn những hộ có tư duy tích cực, chủ động thoát nghèo để tập trung nguồn lực. Là địa phương đầu tiên của Sa Pa triển khai cho các hộ nghèo làm đơn đăng ký thoát nghèo. Những hộ chủ động làm đơn, xã cử cán bộ điều tra thực trạng, tìm hiểu phương án giảm nghèo làm cơ sở đề xuất hỗ trợ nguồn lực cũng như khoa học, kỹ thuật; đồng thời phân công cán bộ theo dõi sát sao. Với cách làm này, hiệu quả giảm nghèo nhanh chóng được lan tỏa và những hộ thoát nghèo lại hỗ trợ cho các hộ nghèo khác. Cứ như vậy, Tả Phìn không những đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững mà còn xóa bỏ tư tưởng trông chờ ý lại của một bộ phận người nghèo.

Thuốc tắm người Dao đỏ là sản phẩm du lịch tiêu biểu của người dân Tả Phìn.

Cùng với hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư, ưu tiên cho phát triển giao thông với các thôn bản xa xôi, khó khăn nhất, Đảng bộ Tả Phìn chủ trương mở rộng không gian phát triển kinh tế. Với một vùng đất có lợi thế về trồng hoa, rau, dược liệu, chủ trương chuyển đổi 85 ha đất lúa, ngô sang trồng hoa, rau công nghệ cao đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Khi thực hiện, những vấn đề mấu chốt nhất như vốn, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm được tính toán chi tiết thông qua các dự án. Các hộ bằng cách này, hay cách khác nếu có quyết tâm đều được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, việc quy hoạch lại vùng trồng rau, hoa chuyên canh và dược liệu được chú trọng, tiện cho ứng dụng công nghệ đã mang lại kết quả tích cực. Đồng thời các mô hình canh tác, tổ công tác, liên kết tiêu thụ rau, hoa cũng hình thành, gỡ khó cho đầu ra của sản phẩm. Từ đây, giá trị cây trồng có bước nhảy vọt. Giá trị canh tác trên 1 ha từ 38 triệu đồng năm 2018 lên 108 triệu đồng/ha năm 2020.

Bên cạnh nông nghiệp, thế mạnh du lịch cộng đồng cũng được Tả Phìn quan tâm. Hiện toàn xã có hơn 40 homestay cho khách lưu trú. Để phát triển bền vững, Tả Phìn đặc biệt chú trọng đến việc chuẩn hóa các dịch vụ du lịch hiện có, coi trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng sản phẩm đặc trưng, giữ gìn làng nghề thủ công truyền thống như: thuốc tắm người Dao đỏ, dệt thêu thổ cẩm, chạm bạc, nghề rèn… Yêu cầu đặt ra cho các dịch vụ du lịch hiện nay của xã đó là cung ứng những sản phẩm khách du lịch cần chứ không phải là những gì mà người dân làm du lịch của xã sẵn có.

Thành công từ chủ trương đúng và trúng, nhưng mấu chốt của vấn đề đó chính là tinh thần đoàn kết, thống nhất của đội ngũ cán bộ chủ chốt cũng như cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Chính quyền đã truyền niềm tin và động lực để bà con vươn lên thoát nghèo.

Tả Phìn hôm nay đang dần “thay da đổi thịt” trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xã đã được công nhận chuẩn nông thôn mới từ năm 2018, với tổng số tiêu chí hoàn thành 19/19 tiêu chí. Quá trình xây dựng nông thôn mới đã giúp 6/6 thôn của xã được đầu tư điện lưới, số hộ nghèo giảm hơn 10 lần, từ 43% năm 2015 xuống còn chưa đến 3% năm 2020; Thu nhập bình quân từ mức 9 triệu lên mức 32 triệu đồng/người/năm là minh chứng rõ nhất cho chủ trương đúng và sáng tạo này./.

Hà Phương

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...