Mùa đi xây ước mơ

“Nhà báo muốn lên điểm trường Séo Phìn Than à? Điểm trường xa nhất cách trung tâm xã gần 18 km đấy, đường khó đi lắm, mà mưa thế này thì không thể đi nổi đâu. Học sinh lớp 1 tựu trường rồi. Mai nắng lên thì phải quấn xích vào lốp xe cho bám đường mới lên tới nơi được”.

Qua đoạn thoại, giọng thầy giáo Hoàng Văn Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 xã Cốc Mỳ (Bát Xát) nhòa đi trong màn mưa dữ dội. Nghe thầy Trường nói, tôi cũng thấy ái ngại với đoạn đường khó, nhưng nghĩ tới các thầy cô giáo mưa bão vẫn đến điểm trường dạy chữ cho học sinh đầu năm học mới, nên chúng tôi quyết tâm dù ngày mai có mưa vẫn phải lên tới điểm trường Séo Phìn Than.

Nắn từng nét chữ.

Ám ảnh đường lên Séo Phìn Than

Nhiều lần đi qua xã Cốc Mỳ để lên các xã Trịnh Tường, A Mú Sung, nhưng tôi vẫn giữ cho mình ý nghĩ Cốc Mỳ là xã vùng trung của huyện Bát Xát, mọi điều kiện đều thuận lợi cho phát triển giáo dục, các điểm trường chắc cũng gần trung tâm xã và chẳng khó khăn gì. Nhưng trái với suy nghĩ đó của tôi, ngoài Trường Tiểu học và THCS Cốc Mỳ ngay gần UBND xã, Cốc Mỳ còn có Trường Tiểu học số 2 ở khuất tận trong khu khai trường mỏ tuyển đồng Sin Quyền. Từ cầu Đoàn 5 phải băng qua suối, vượt qua 5 km đường đất đá xuyên qua khai trường bụi mù mới vào tới Trường Tiểu học số 2 Cốc Mỳ ở thôn Nậm Chỏn.

Thật may cho chúng tôi, dù hôm trước trời mưa xối xả nhưng hôm sau khi xuất phát lên điểm trường Séo Phìn Than thì nắng vàng rực rỡ. Nhìn đoạn đường từ trường chính lên thôn Séo Phìn Than chìm trong biển sương mờ ảo, thầy giáo Hoàng Văn Trường, Phó Hiệu trưởng nhà trường và thầy giáo trẻ Triệu Tam Cao bảo, tuy nắng nhưng đường vẫn trơn và nhiều đoạn nguy hiểm lắm, phải tranh thủ lên ngay nhỡ chiều mưa thì không về được.

Đường lên điểm trường Séo Phìn Than.

Tôi ngồi sau tay lái thầy giáo Triệu Tam Cao vượt dốc hướng về phía Séo Phìn Than. Sau đoạn đường bê tông chỉ vài trăm mét là đến đoạn đường khó và dốc ngược, xe về số 1 rồ ga xả khói khét lẹt, trầy trật “bò” lên dốc. Sau những trận mưa lớn hồi tháng 7, mặt đường lên Séo Phìn Than bị nước cuốn trôi hết đá, hai bên là rãnh sâu hoắm, ở giữa trồi lên như sống trâu khiến xe vượt dốc càng khó khăn. Cứ một lúc, thầy giáo Cao lại nhắc tôi ngồi sát vào để giảm trọng lực phía sau xe mới lên được.

Trên đường đi, thầy Cao kể, năm 2013, khi Trường Tiểu học số 2 Cốc Mỳ được tách ra từ Trường Tiểu học số 1, anh được phân công lên dạy ở Séo Phìn Than, khi ấy đường còn khó đi hơn nhiều. Có lần anh đưa vợ ở Yên Bái lên điểm trường chơi, lúc về vợ anh cứ khuyên chồng nghỉ dạy học về quê làm công nhân cho đỡ vất vả. Nghĩ tới lũ trẻ vùng cao, anh vẫn bám trụ ở điểm trường suốt 3 năm mới chuyển sang điểm trường khác. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi vượt qua 4 km đường đất thì đến đoạn đường bê tông, từ đây còn 8 km nữa mới lên tới điểm trường.

Qua một đoạn dốc cao nhìn lên là vách đá sừng sững, hai thầy giáo dừng xe lại nghỉ cho đỡ nóng máy. Thầy giáo Hoàng Văn Trường chỉ đoạn đường ngoằn ngoèo xuyên qua vách đá và rừng chuối, rừng vầu phía trước bảo đây là dốc đá Tả Suối Câu, nỗi ám ảnh của bất kỳ ai lên Séo Phìn Than. Năm 2020, khi đoạn này chưa đổ bê tông, đỉnh dốc chưa được hạ xuống vô cùng khó đi, hai người một xe máy đi số 1 không leo nổi lên đỉnh dốc. Vậy mà đầu tuần các thầy giáo tiểu học và các cô giáo mầm non vẫn phải vượt qua đây để lên lớp dạy học sinh. Cách đây mấy hôm, một cô giáo khi vượt con dốc phía dưới bị ngã lăn mấy vòng, may chỉ bị thương nhẹ.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Quân dạy học sinh lớp 1 những nét chữ đầu tiên.

Mùa đi xây ước mơ

Khoảng 10 giờ, chúng tôi mới tới thôn Séo Phìn Than. Từ dưới đường nhìn lên điểm trường Séo Phìn Than chỉ thấy lá cờ đỏ sao vàng treo trên cây vầu khô thẳng tắp tung bay trong gió. Dãy lớp học là khu nhà khung sắt, tường ốp tôn, sơn màu trắng. Trong lớp, một thầy giáo trẻ dáng người dong dỏng đang cầm tay uốn từng nét chữ cho mấy học trò nhỏ người Mông mới vào lớp 1. Đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Quân, giáo viên chủ nhiệm lớp ghép 1+2 ở điểm trường này. Tôi đếm lớp học có 7 học sinh nhỏ xíu, mấy em nữ mặc váy Mông xòe hoa rực rỡ như hoa rừng. Em nào nét mặt cũng ngây thơ, thấy người lạ đến xấu hổ lấm lét nhìn.

Tranh thủ lúc học sinh đang tập viết, thầy giáo Quân trò chuyện: Năm học 2021 - 2022, điểm trường Séo Phìn Than có 17 học sinh lớp 1 và lớp 2, trong đó 7 học sinh lớp 1 đã tựu trường làm quen với nền nếp từ ngày 23/8, còn 10 học sinh lớp 2 đến ngày 1/9 mới tựu trường. Các em nhỏ đều là người Mông, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mấy em ở đầu thôn xa trường buổi trưa không về ăn cơm được phải mang cặp lồng cơm tới lớp. Vì mới ra học lớp 1 nên các em còn nhút nhát, đa số nói tiếng phổ thông chưa sõi. Tuy nhiên, bộ sách giáo khoa mới có kênh hình, kênh chữ và nội dung dạy học gần gũi với học trò vùng cao nên các em rất thích học, việc giảng dạy cũng không gặp nhiều khó khăn.

Hỏi chuyện các thầy giáo, tôi được biết Trường Tiểu học số 2 Cốc Mỳ thành lập năm 2013, năm học 2021 - 2022, trường có 12 lớp với 250 học sinh, trong đó có gần 100 học sinh bán trú. Ngoài điểm trường chính còn có 3 phân hiệu, trong đó phân hiệu Dìn Pèng gần nhất cách trường chính 5 km, phân hiệu Tả Câu Liềng cách 10 km, phân hiệu Séo Phìn Than xa nhất cách trường chính 12 km. Vì các phân hiệu đều ở nơi khó khăn nên mỗi năm học, nhà trường phân công các thầy giáo trẻ luân phiên lên dạy học, ưu tiên các cô giáo dạy ở trường chính. Tuy nhiên, cũng có cô giáo trẻ bất chấp khó khăn lên dạy ở điểm trường xa như phân hiệu Tả Câu Liềng, hiện chưa có điện lưới như cô giáo Phàn Thị Anh cùng chồng là thầy giáo Lục Đức Chung cùng xung phong lên dạy học trò, con nhỏ 3 tuổi gửi ông bà nội ở xã Lùng Vai, huyện Mường Khương trông giúp, cuối tuần mới về thăm.

Các cô giáo điểm trường mầm non Séo Phìn Than chuẩn bị cho năm học mới.

Niềm vui bên ngôi trường mới

Ở thôn Séo Phìn Than không chỉ có điểm trường tiểu học, mà ngay bên dưới còn có điểm trường mầm non. Tuy đến ngày 1/9 học sinh mầm non mới tựu trường nhưng từ đầu tháng 8, các cô giáo đã có mặt tại đây vệ sinh trường, lớp chuẩn bị đón học sinh. So với điểm trường tiểu học thì điểm trường mầm non Séo Phìn Than khang trang hơn bởi có dãy phòng học mới xây. Trong phòng học, 3 cô giáo trẻ đang bận rộn sắp xếp lại đồ dùng, đồ chơi và quét lớp sơn rơi xuống nền gạch hoa.

Cô giáo Trần Thị Trinh, sinh năm 1996 tươi cười: Học kỳ I năm học trước, đây vẫn là dãy nhà khung sắt, tường đất trộn xi măng, mái tôn đã cũ, hỏng, mùa đông sương mù và gió lùa vào lạnh thấu xương. Nhờ Tỉnh đoàn kết nối với Quỹ Hy vọng đầu tư xây cho cô trò dãy nhà mới gồm 2 phòng học có vệ sinh khép kín, 1 phòng bếp, 1 nhà công vụ. Huyện đoàn Bát Xát cũng tặng sân vui chơi với xích đu, bập bênh, thú nhún được làm từ đồ tái chế. Vậy là trong năm học mới này, chúng em có trường mới, mùa đông sẽ bớt lạnh giá, lại thêm niềm vui có đường, có điện nên ai cũng vui.

Trong câu chuyện với các cô giáo mầm non ở điểm trường Séo Phìn Than, tôi biết thêm trong 3 cô giáo trẻ thì cô giáo Trinh chưa lập gia đình, còn cô giáo Nguyễn Thị Nga, cô giáo Sầm Thị Thu Trang đều có chồng ở xa, con nhỏ 3 - 4 tuổi phải gửi ông bà chăm sóc. Tiếng trống khai trường ngân vang cũng là lúc các cô tạm xa gia đình thân yêu để đi xây ước mơ cho đám trẻ nghèo trên đỉnh núi. Ở nơi cả thôn không có ti vi, không có mạng internet, sau mỗi buổi lên lớp, các cô phải đi tìm vớt từng chút sóng điện thoại rơi để gọi điện cho chồng, con cho đỡ nhớ. Có lẽ, chỉ có tình yêu thương học trò vô bờ bến mới có thể níu giữ những con người ấy ở đây suốt những mùa đông mịt mù giá lạnh.

Đến trưa, lúc chúng tôi chia tay Séo Phìn Than để trở về xã Cốc Mỳ thì trời chuyển mây xám và sương mù ở đâu kéo đến khiến bản Mông nhỏ giữa đại ngàn chìm trong biển sương trắng mênh mông. Nghĩ đến đoạn đường xuống núi trơn như đổ mỡ, chúng tôi cầu trời không mưa và mong cho dịch Covid-19 sớm qua để ngày mai các thầy cô trên điểm trường tổ chức lễ khai giảng cho các em được trọn niềm vui. Bên đường, lũ trẻ hân hoan cùng nhau hát bài hát “Mùa thu ngày khai trường”, từng câu hát rộn ràng ngân vang như nhịp đập trái tim các thầy cô giáo nơi đây: Mùa thu ơi!Mùa thu!/Mùa đi xây những ước mơ/Tung bay màu khăn thắm/Rực rỡ trên vai em/Mùa thu ơi!Mùa thu!/Mùa thơm trang sách mới/Tiếng trống ngày khai trường/Trong sáng như trời thu.

Theo Tuấn Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...