Lùng Vai phát huy thế mạnh cây chè
Từ diện tích trồng phân tán, hiệu quả kinh tế thấp, đến nay chè đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của xã Lùng Vai (Mường Khương).Người dân Lùng Vai thu hái chè xuân. |
Gia đình ông Vàng Việt Cường, thôn Giáp Cư là một trong những hộ trồng chè lâu năm tại xã Lùng Vai. Theo ông Cường, cây chè có thời gian thu hoạch dài nhất, nhiều đợt nhất so với các cây trồng tại địa phương. Mỗi năm chè cho thu búp trong khoảng 9 tháng, từ tháng Giêng đến tháng 10 âm lịch. Vậy nên trồng chè sẽ có thu nhập đều và mỗi tháng gia đình thu nhập từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng từ cây chè.
Là xã vùng thấp của huyện Mường Khương, Lùng Vai được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, phù hợp để cây chè sinh trưởng và phát triển tốt. Xã hiện có 940 ha chè, trong đó có trên 790 ha chè kinh doanh, 149 ha chè kiến thiết và 45 ha chè mới được trồng. Sản lượng 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt khoảng 5.000 tấn chè búp tươi, doanh thu đạt trên 31 tỷ đồng. Hiện cây chè là hướng đi chủ lực để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế của nhiều hộ dân trong xã.
Ông Nguyễn Tiến Lượng, Chủ tịch UBND xã Lùng Vai cho biết: Cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng ủy xã về nâng cao giá trị và chất lượng cây chè, UBND xã xây dựng kế hoạch vận động nhân dân thay đổi cơ cấu giống chè. Những giống chè già cỗi, năng suất thấp trước đây được thay thế bằng giống chè mới có chất lượng tốt và năng suất cao. Để duy trì và phát triển bền vững cây chè, xã khuyến khích nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chăm sóc chè theo quy trình VietGAP. Đến nay, Lùng Vai đã hình thành vùng nguyên liệu chè tập trung, chất lượng cao với các giống chủ lực như chè Kim Tuyên, chè Shan Tuyết, Ô Long…
Với nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, địa phương đã thu hút được các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trên địa bàn xã hiện có 2 cơ sở chế biến chè là Công ty TNHH Một thành viên chè Thanh Bình và Hợp tác xã chè Mường Khương. Xã làm trung gian để khuyến khích, vận động nhân dân ký hợp đồng liên kết với hai đơn vị chế biến, hình thành vùng sản xuất chuyên canh. Nhờ vậy, sản phẩm chè búp tươi thu hoạch tới đâu được nhà máy thu mua đến đó và có thu nhập ổn định.
https://baolaocai.vn/bai-viet/346748-lung-vai-phat-huy-the-manh-cay-che