Tăng cường công tác tuyên truyền đối với đồng bào dân tộc trong kỷ nguyên công nghệ 4.0
Xác định công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Với tinh thần đó, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn toàn tỉnh.Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, với 25 dân tộc chung sống. Sau 30 năm tái lập tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, Lào Cai đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10,08% năm, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vùng và cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp từ 15,4% xuống còn 12,2%; tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp xây dựng từ 42,58% lên 45,3%. Khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng khó khăn được tập trung nguồn lực đầu tư có chuyển biến mạnh mẽ; các khu kinh tế, du lịch, đô thị phát triển, từng bước hình thành các vùng kinh tế động lực. Tiềm năng, lợi thế được khai thác hiệu quả; liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh và giữa các ngành, lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu; Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng an ninh ổn định, quan hệ đối ngoại mở rộng, nhân dân vui mừng về thành tựu của đất nước và của tỉnh, tin tưởng vào đường lối và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước. Để có được thành công chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ thiết bị nghe xem cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Nghị quyết 13/2019/NQ-HĐND.
Với mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin giữa các vùng miền, tỉnh Lào Cai đã triền khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa thông tin về cơ sở. Lào Cai đã ban hành các chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách về thông tin cơ sở; đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; đầu tư, nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở; tăng cường nội dung thông tin về miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới; đặt hàng sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc (Mông, Dao, Giáy); cấp phát các ấn phẩm báo chí cho các điểm bưu điện văn hóa xã, các thôn, bản, các điểm sinh hoạt cộng đồng. Từ năm 2012 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lớp tập huấn tăng cường công tác biên soạn nội dung tuyên truyền cho cán bộ truyền thông cơ sở cho hơn 1.500 lượt cán bộ quản lý, vận hành trạm truyền thanh cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên đến từ các xã và cán bộ quản lý, vận hành cụm loa thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Hội thi phát thanh cơ sở với chủ đề “Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền tại cơ sở;…
Cũng trong giai đoạn 2012-2020, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức biên soạn, cung cấp trên 70 chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật, 26 luật và bộ luật, 01 pháp lệnh, 01 nghị định và nhiều nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND tỉnh Lào Cai. Các văn bản này đã được biên tập, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến cán bộ, đảng viên, nhân dân các đồng bào dân tộc tại hơn 12.000 hội nghị tuyên vận xã, phường, thị trấn và các cuộc họp triển khai nhiệm vụ của 1.503 tổ tuyên vận thôn, tổ dân phố để tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp Nhân dân hằng tháng. Ngoài ra, tỉnh Lào Cai đã biên tập, xuất bản, tái bản 10.300 cuốn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, trong đó có gần 20 chuyên đề liên quan đến phổ biến, giáo dục pháp luật cung cấp cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động của tỉnh. Theo thống kê, từ năm 2012 - 2021, UBND tỉnh đã cấp khoản 150 tỷ đồng từ ngân sách địa phương đáp ứng thực hiện công tác tuyên truyên truyền.
Tập huấn cho các cán bộ làm công tác tuyên truyền tại cơ sở.
Thực hiện Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ phương tiện nghe, xem thực hiện Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong năm 2019- 2020, tỉnh đã hỗ trợ 1.260 tivi và 1.225 radio cho các hộ nghèo thuộc các dân tộc ít người, tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đây là chính sách giúp người dân tiếp cận thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, thay đổi và chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu lớn của Chính phủ “Không có ai bị bỏ lại phía sau”.
Cũng trong năm 2020, tỉnh đã hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất với việc hỗ trợ và lắp đặt 4909 đầu thu truyền hình số vệ tinh (DTH) và 460 đầu thu truyền hình số mặt đất (DVB-T2) cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Điều này thực sự đã mang lại niềm vui cho các hộ gia đình, chủ yếu là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ truyền hình, giúp cho bà con có thể chủ động tiếp cận thông tin, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Lào Cai cũng đã tích cực hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông phù hợp với điều kiện của địa phương. Giải pháp truyền thanh thông minh đã và đang được triển khai đến người dân ở huyện Bắc Hà, Bát Xát, thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa. Việc triển khai mô hình hệ thống truyền thanh thông minh góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định số 135 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin cũng như công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai.
Với mong muốn là một trong những tỉnh tiên phong đưa công nghệ vào truyền thông, những năm qua, Lào Cai đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các hoạt động tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở. Điển hình là việc khai trương Cổng giao tiếp điện tử tỉnh Lào Cai vào năm 2004. Đến nay, hệ thống Cổng TTĐT có 1 cổng chính và trên 90 cổng thành phần. Các cơ quan báo chí truyền thông của tỉnh không ngừng đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý và sản xuất nội dung, chuyển dần phương thức hoạt động truyền thống sang hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ. Năm 2007, Báo Lào Cai điện tử đi vào hoạt động. Năm 2010, Trang thông tin điện tử tổng hợp, các trang mạng xã hội Facebook, Youtube của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đi vào hoạt động. Năm 2013, khai trương Cổng Thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai. Tháng 4/2018, khai trương trang thông tin của UBND tỉnh Lào Cai trên mạng xã hội Facebook. Tháng 8/2019, triển khai mô hình Chính quyền thông minh trên Zalo với tên gọi “Cổng hành chính công Lào Cai” nhằm tăng cường sử dụng mạng xã hội trong đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, người dân.
Truyền thông Lào Cai hôm nay đã lớn mạnh cả về bề rộng và chiều sâu, vươn tới mọi ngõ ngách, từ nông thôn đến thành thị, đến vùng cao, vùng biên giới xa xôi. Truyền thông đã trở thành cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh Lào Cai năng động, phát triển, là điểm đến an toàn./.