Lào Cai với dấu ấn 30 năm nỗ lực giảm nghèo
Vào thời điểm mới tái lập tỉnh Lào Cai ( năm 1991), tỷ lệ hộ đói nghèo toàn tỉnh là 54,8%, trong đó, số hộ đói chiếm tới 31%. Với những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sau hành trình 30 năm nỗ lực giảm nghèo, đến nay Lào Cai đã vượt lên, tự tin phấn đấu trở thành tỉnh phát triển của khu vực miền núi phía Bắc.Nỗ lực vượt qua đói nghèo
Thời điểm tháng 10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập trong điều kiện hết sức khó khăn do lịch sử để lại. Toàn tỉnh có 488,8 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, du canh du cư khá phổ biến các huyện vùng cao; kinh tế nhiên tự cung, tự cung tự cấp, thuần nông và độc canh là chủ yếu. Theo số liệu thống kê, bình quân ruộng đất thấp, vùng cao sản xuất một vụ là chính, hệ số sử dụng đất (riêng ruộng cả tỉnh là 1,43 lần, 5 huyện vùng cao là 1,2 lần), lao động trong nông thôn vừa thiếu việc làm, vừa sử dụng thời gian lao động trong ngày thấp. Trình độ dân trí thấp, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên rất cao (3,61%), lương thực bình quân chỉ đạt 184 kg/người/năm. Tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 54,8%, trong đó hộ đói 31%. Những khó khăn về kinh tế, kết cấu hạ tầng, trình độ dân trí và tập quán sản xuất lạc hậu, cùng với những phát sinh trong quá trình chuyển đối cơ chế quản lý, sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước với những tích cực và khó khăn, hạn chế đan xen nên vấn đề giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và các vấn đề xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp thiết, vừa lâu dài có ý nghĩa chiến lược nhằm ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2000.
Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) phấn khởi thu hoạch lúa mùa.
Thực hiện chủ trương của Đảng về công tác xóa đói, giảm nghèo và từ điều kiện cụ thể của một tỉnh vừa tái lập; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ X (tháng 01/1992) chỉ rõ mục tiêu đến năm 1995: “Có cải thiện một bước đời sống nhân dân các dân tộc, đẩy lùi tiêu cực, thực hiện công bằng xã hội”; “xây dựng chính sách điều động sắp xếp dân cư hợp lý trên địa bàn từng xã, từng huyện để tăng khả năng giải quyết việc làm tại chỗ”. Giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (tháng 5/1996) đưa ra mục tiêu tổng quát: “Gắn phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kính tế với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái”; “ Lấy hiệu quả kinh tế - xã hội là tiêu chuẩn cơ bản để xác định phương án đầu tư theo quy hoạch, có trọng tâm trọng điểm, chú trọng đầu tư cho công tác xóa đói giảm nghèo, từng bước thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.
Trước thực trạng đói nghèo khi mới tái lập, Lào Cai tập trung vào giải quyết lương thực, cân đối ngân sách và tiền tệ, từ đó ổn định dần đời sống cho nhân dân các dân tộc. Đối với vùng cao tỉnh đã tập trung giải quyết nước ăn, từng bước xóa bỏ tình trạng đói giáp hạt; chú trọng đầu tư cho công tác xóa đói giảm nghèo và gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tập trung ở nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bước vào giai đoạn 1996 - 2000, Tỉnh ủy Lào Cai chỉ đạo cụ thể: “Phải làm cho vùng sâu, vùng xa có sự chuyển biến thực sự, căn bản không còn hộ đói thường xuyên, giảm nhanh hộ nghèo và tạo ra những tiền đề cần thiết để đẩy nhanh hơn sự phát triển ở giai đoạn sau”; “khu vực nông nghiệp và nông thôn phải được coi trọng tâm để chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng xóa bỏ nền kinh tế tiểu nông, độc canh, tự cấp, tự túc để chuyển sang kinh tế hàng hó, trên cơ sở khai thác các lợi thế và tiềm năng về khí hậu, đất đai, lao động”. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1995-2005 (Quyết định số 122/QĐ-UB ngày 5/6/1997); trong đó, nhấn mạnh tiếp tục thực hiện các chính sách, biện pháp trợ giúp phát triển kinh tế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người nghèo.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (tháng 12/2000) xác định rõ hơn quyết tâm tấn công vào đói nghèo, với mục tiêu: “đến năm 2005, không còn hộ đói thường xuyên và ổn định dân cư, cơ bản định canh định cư cho gần 10 vạn dân vùng cao”. Sau Đại hội, nhiều chủ trương sát, đúng, trúng được triển khai: 7 chương trình công tác trọng tâm với 29 đề án, kế hoạch và nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng… quyết tâm huy động mọi nguồn lực để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo nền tảng để phát triển bền vững cho những năm tiếp theo.
Đồng thời, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo giai đoạn 1998 - 2000 (Quyết định số 05/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ- Chương trình 133), Chương trình phát triển kinh tế -xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135)… Giai đoạn 1999 - 2011, Lào Cai đã huy động các nguồn lực, thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo định cư, phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Các ngành, các cấp chính quyền địa phương đã có sự phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, qua đó tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, sự tham gia tích cực của toàn xã hội nói chung và người nghèo nói riêng về công tác xóa đói giảm nghèo.
Nhờ thực hiện các giải pháp, các chương trình, đề án, dự án được thực hiện lồng ghép trên các lĩnh vực đã tạo nguồn lực tập trung xóa đói, giảm nghèo góp phần nâng cao thu nhập và đời sống vật chất cho người dân. Cụ thể, các dự án định canh định cư, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư các xã vùng cao biên giới, xã đặc biệt khó khăn đã ổn định đời sống cho 66.127 hộ; dự án mô hình xóa đói giảm nghèo bắt đầu từ năm 2004 đã phát huy được hiệu quả, việc tổ chức quy trình dự án theo phương thức hỗ trợ khép kín đã giúp cho hộ nghèo tự tin hơn, mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm hơn. Đến năm 2011, Lào Cai đã xây dựng được 10 mô hình xóa đói giảm nghèo tại 10 xã trên trong tỉnh (chẳng hạn, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát; xã Nấm Lư, huyện Mường Khương; xã Nậm Dạng, huyện Văn Bàn; xã Sa Pả, huyện Sa Pa…); các mô hình này đều có thể nhân rộng trên diện rộng để các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép các chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn, các xã đặc biệt kó khăn, bao gồm Chương trình: 135, 186, 120 (các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình: phát triển KTXH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; phát triển kinh tế-xã hội ở 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía bắc thời kỳ 2001-2005; phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tuyến biên giới Việt Trung đến năm 2010); chương trình kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, kiên cố hóa trường học, nâng cấp trạm y tế, hỗ trợ đầu tư các xã nghèo vùng II và một số chương trình khác. Theo đó, Lào Cai đã xây dựng được hàng nghìn công trình giao thông, điện, cấp nước, cơ sở y tế, trường học… cho các xã vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Hơn nữa, để góp phần giảm bớt khó khăn cho người nghèo, tỉnh Lào Cai đã phân công 109 cơ quan, đơn vị giúp đỡ 95 xã thuộc Chương trình 135. Lào Cai còn mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo, tổ chức trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số, tổ chức trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu sô, đối tượng chính sách, trẻ em vị thành niên… qua đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Thành quả trong công cuộc xóa đói giảm nghèo được minh chứng bằng con số GDP bình quân đầu người/năm của tỉnh Lào Cai năm 2011 đạt 24,3 triệu đồng, cao gấp 35,7 lần so với năm 1991 (đạt 0,68 triệu đồng). Đặc biệt, sản lượng lương thực tăng nhanh hàng năm giúp cho hộ nghèo vùng cao trong tỉnh dần thoát khỏi cảnh thiếu đói triền miên. Đến năm 2011, sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 395kg, tăng 2,14 lần so với năm 1991 (184kg/người/năm).
Đặc biệt, với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở Lào Cai trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đến năm 1995 tỷ lệ hộ nghèo của Lào Cai giảm xuống còn 33,8% (trong đó, đói còn 15%); năm 2000 còn 21,1% và cơ bản xóa được đói, sau 10 năm (1991-2000) tỷ lệ hộ đói nghèo đã giảm được 33,7%. Đến hết năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn 16,68%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
20 năm sau ngày tái lập, diện mạo Lào Cai đã đổi thay, những khó khăn ngày tái lập từng bước được giải quyết; văn hóa, xã hội có bước tiến vượt bậc; an ninh nông thôn được củng cố vững chắc; khu vực biên giới được khai thông, nguồn lực lao động mới, nguồn cán bộ cơ sở được đào tạo đang đáp ứng dần với nhiệm vụ mới; tỷ trọng kinh tế của tỉnh nghèo và khó khăn đã phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch; kinh tế cửa khẩu đã phát huy tiềm năng, vị thế Lào Cai - “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai với Côn Minh và vùng Tây Nam của Trung Quốc.
Thành quả trong công cuộc xóa đói giảm nghèo sau chặng đường 20 năm tái lập cho thấy, tỉnh Lào Cai đã đạt được bước tiến mới, có ý nghĩa lớn, góp phần vào ổn định và phát triển kinh tế - xã hội và là tiền đề cho giai đoạn sau trong hành trình giảm nghèo với yêu cầu cao hơn.
Tạo đột phá trong hành trình giảm nghèo
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, với chuẩn hộ nghèo mới theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho giai đoạn 2011-2015; tại thời điểm theo kết quả điều tra hộ nghèo năm 2011, tỉnh Lào Cai còn 35,29% hộ nghèo tương đương với 50.939 hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 12,11% tương đương với 17.491 hộ cận nghèo. Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo thời gian này vẫn còn cao là do năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn ở một số ngành, lĩnh vực còn thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Nhận thức của người nghèo ở một số nơi chưa thay đổi nhiều; các hộ nghèo chủ yếu là dân tộc thiểu số, phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt còn lạc hậu; tư duy và các kỹ năng phát triển kinh tế hộ gia đình còn yếu; hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; thiếu kiến thức, đất sản xuất…
Mô hình nuôi ngựa là một trong những hướng thoát nghèo tại các xã nghèo của huyện Bát Xát.
Bước vào thời kỳ mới, cùng với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, XIV, XV gắn với việc triển khai Chương trình 135/CP và tiếp đó là Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đem lại cho Lào Cai những bước tiến mới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV đã xác định mục tiêu tổng quát: “Cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới từ 3% - 5%/năm”.
Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Tỉnh uỷ Lào Cai đã phê duyệt Đề án “Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2015” với mục tiêu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 25%; Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 11/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020; Nghị quyết số 37/2014/NQ-HĐND ngày 17/12/2014 của HĐND tỉnh về hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp đối với các huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và quyết định đến thành công của công tác giảm nghèo. Cùng với đó, Lào Cai đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo của người nghèo.
Trên cơ sở các giải pháp chỉ đạo của tỉnh, 4 nhóm chính sách đã được các ngành, địa phương tập trung triển khai, gồm nhóm chính sách hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh và tiếp cận với các dịch vụ xã hội; nhóm chính sách hỗ trợ về sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; nhóm chính sách nâng cao năng lực về giảm nghèo; nhóm chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững ở các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/NQ – CP (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai). Những chính sách đối với hộ nghèo theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh được quan tâm, chỉ đạo kịp thời và đã đạt được những kết quả ấn tượng: Năm 2015, sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 420kg, tăng 115,3% so với năm 2010. Ở nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang hình thành vùng sản xuất hàng hóa đối với một số loài cây, như chuối, dứa với giá trị thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng/ha. Giai đoạn này, toàn tỉnh đã huy động được gần 5.800 tỷ đồng cho công tác xoá đói, giảm nghèo. Đến hết năm 2015, số hộ nghèo còn lại trên địa bàn tỉnh là 18.925 hộ, chiếm 12,11% so với tổng số hộ; tỷ lệ giảm nghèo bình quân là 6,2%/năm (tính theo chuẩn nghèo đa chiều thực hiện theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 34,3%, hộ cận nghèo chiếm 9,98%).
Thực tiễn cho thấy, vùng dân tộc và miền núi khó khăn vốn được coi là “lõi nghèo” của tỉnh Lào Cai; do đó, để giúp đồng bào sống ở khu vực này có điều kiện vươn lên thoát nghèo, đồng thời thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và căn cứ vào yêu cầu thực tiễn ở địa phương đã có sự thay đổi, đòi hỏi cao hơn và sự nỗ lực vượt bậc so với giai đoạn trước, cho nên, tỉnh Lào Cai đã có những cách làm chủ động, sáng tạo, với phương châm: Lấy động lực và tư duy dẫn đường cho công tác giảm nghèo. Với tinh thần đó, tỉnh Lào Cai xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Trong mỗi giai đoạn, tỉnh Lào Cai đều phân tích, đánh giá kỹ về thực trạng, nguyên nhân nghèo, xác định “lõi” nghèo, từ đó đưa ra các giải pháp chỉ đạo “tấn công” vào đói nghèo. Đặc biệt, tỉnh chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của công tác giảm nghèo tại địa phương.
Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, Tỉnh uỷ Lào Cai ban hành Đề án số 09-ĐA/TU về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với các mục tiêu: Cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; Nghị quyết số 22-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020, với nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó có cơ chế hỗ trợ 2 tỷ đồng xã/năm để tập trung chăn nuôi đại gia súc, làm thay đổi tỷ trọng cơ cấu sản xuất từ trồng trọt sang chăn nuôi là chủ yếu để nâng thu nhập cho người dân; từ huyện nghèo nhất tỉnh với tỷ lệ nghèo 57,01%, đến nay giảm còn 13,09%.
Đặc biệt, Nghị quyết số 20/NQ-TU ngày 24/5/2019 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến 2025 và có xét đến năm 2030 (Tỉnh tập trung 43 xã nghèo nhất; hiện nay sau khi sáp nhập còn 37 xã). Để cụ thể hóa Nghị quyết số 20/NQ-TU, ngày 10/7/2019 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND của về sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019-2025 . Theo đó, ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội bình quân 1 tỷ đồng/xã/năm cho 43 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019-2025, với lãi suất ưu đãi để cho vay các hộ trên địa bàn các xã phát triển kinh tế. Đây thực sự là Nghị quyết xóa nghèo đặc biệt, thể hiện sự quyết tâm và sáng tạo của Lào Cai trong thực hiện xóa vùng “lõi nghèo” ở địa phương.
Thực tế sau 30 năm tái lập tỉnh cho thấy, với nhiều giải pháp trọng tâm được triển khai một cách đồng bộ, Lào Cai đã giải quyết dứt điểm tình trạng hộ đói; đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2% tương ứng 14.322 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (Mục tiêu giảm nghèo từ 3% - 4%/năm); hộ cận nghèo còn 16.370 hộ, chiếm 9,37%. Tỷ lệ giảm nghèo các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai) bình quân giảm 8,6%/năm (vượt mục tiêu Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ là giảm 4%/năm).
Kết quả đạt được trong giai đoạn 1991- 2021 chủ động xóa đói, tìm ra “lõi” nghèo và có những cách làm sáng tạo “tấn công” vào đói nghèo đã đem lại cho Lào Cai nhiều kinh nghiệm. Đó là, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, vai trò chủ đạo của Nhà nước là yếu tố quyết định đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người nghèo, cùng với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư nhằm tạo thêm nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo cải thiện cuộc sống của mình. Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong việc điều hành và phân công trách nhiệm cụ thể: Đối với cấp tỉnh, trong công chỉ đạo, điều hành đảm bảo lồng ghép chính sách và nguồn lực, đồng thời phân cấp trách nhiệm nhiều hơn cho các huyện, thành phố, thị xã; đối với các huyện, thành phố, thị xã gắn trách nhiệm, đưa vào chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với người đứng đầu; đối với cấp xã, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục hướng dẫn, hỗ trợ người nghèo tìm giải pháp thoát nghèo phù hợp với điều kiện của mình. Khuyến khích sự chủ động tham gia của người nghèo, cộng đồng dân cư cùng với việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo là điều kiện để nâng cao khả năng thoát nghèo.
Với bản lĩnh vượt khó, kinh nghiệm, sáng tạo và đột phá trong tư duy xây dựng chính sách giảm nghèo; đặc biệt là truyền thống đoàn kết suốt 30 năm qua, người dân Lào Cai luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cùng quyết tâm để có thêm những thành công mới trong hành trình giảm nghèo nhanh và bền vững trong thời gian tới, để Lào Cai thực sự trở thành địa phương phát triển ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc/.