Huy Thức và thơ

Nói về Huy Thức, trước tiên phải nói đến ảnh. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống chụp ảnh ở Thành Nam, tham gia kháng chiến chống Mỹ, lên tới chức Tiểu đoàn phó thì bị thương, phải ra Bắc điều trị. Rời quân ngũ, ông lại nối tiếp công việc nhiếp ảnh dịch vụ của gia đình, rồi duyên tình đưa ông đến với Lào Cai. Được sống ở mảnh đất mới đầy màu mỡ cho những người làm văn học, nghệ thuật, cái chất nghệ sỹ nhiều năm nuôi dưỡng trong ông dần dần được tỏa sáng, đỉnh cao về nhiếp ảnh của ông là huy chương vàng, bạc khu vực Tây Bắc - Việt Bắc, giải thưởng Phan Si Păng của tỉnh Lào Cai.

Đấy là con đường sáng tác ảnh, còn thơ. Bài thơ đầu tiên của ông là bài mà ông nổi hứng lột tóc giả ném xuống bàn trong đêm thơ Tằng Loỏng. Ông bảo, sự cổ vũ “nổ trời” đêm đó đã dẫn ông vào đời. Mà quả thật, vốn nổi tiếng khắp Phố Lu là người làm ảnh, ham vui, quảng giao, lại đúng vào lúc chữ nghĩa lên ngôi nên ông nổi như cồn là phải.

Ông Huy Thức vẫn đam mê thơ và nhiếp ảnh.

Hồi đó, Huy Thức dẫn tôi đi khắp những nơi mà ông quen biết, đến nơi nào, nhà nào cũng thơ, cũng rượu, cũng những lời có cánh đưa con người lên mây. Những ngày đó người ta yêu thơ đến mức có người “quan trọng” vỗ vai an ủi tôi: “Người ta bảo “Lập thân tối hạ thị văn chương” nhưng nhà thơ đừng buồn, trong ba cái lập nhớn ở đời thì lập ngôn, trong đó có lập văn chương đứng cuối chứ không phải văn chương là hèn hạ đâu”. Tôi đồ rằng ông “quan trọng” này không rõ xuất xứ và ý nghĩa của hai câu thơ của nhà thơ Viên Mai nổi tiếng đất Hàng Châu (Trung Quốc): “Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch/Lập thân tối hạ thị văn chương” (Mỗi bữa không quên ghi thẻ trúc/Lập thân thấp (hèn) nhất ấy văn chương), nhưng có người yêu thơ, yêu mình như thế là quý như vàng rồi.

Ở tuổi ngoại 70, đã từng xông pha nơi bom đạn, mang vết thương chiến tranh trong người, Huy Thức đã trải nghiệm, chứng kiến quá nhiều đau thương, mất mát, nhưng ông không bi lụy, quá khứ cùng những biến động của cuộc sống dường như không ảnh hưởng tới tính cách hồn hậu, vô tư trong đời cũng như trong thơ ông.

Viết về người cha liệt sỹ, ông viết: “… Ngày giỗ cha mẹ hay cúng cá/Mong hồn thiêng đừng lặn lội sông hồ/Thương cha lắm/Giấy tiền, vàng mã/Biết thiếu gì?, dưới lớp cỏ non tơ…” Gửi người cha liệt sỹ.

Viết về người em nằm lại ở chiến trường, ông viết: “… Em ở đâu?/Năm mươi năm đằng đẵng/Mãi không về/Nước mắt mẹ cạn khô/Em vẫn tuổi hai mươi - anh Bộ đội Cụ Hồ…” - Gửi em.

Viết người bạn già nửa đời người phấn đấu mới được đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông chia sẻ: “Bạn tôi/Hạnh phúc - tự hào/Sự nghiệp trăm năm góp nhiều hoa trái/Người trí thức già/Mái tóc pha sương/Cuộc đời như trẻ lại/Bạn tôi/Như tấm gương soi” - Bạn tôi vào Đảng.

Chứng kiến cảnh nghiệt ngã của hai vợ chồng chia tay nhau, ông thốt lên: “Tàu cạn - máng khô rồi/Nhờ toà án chia bôi/Họ nhặt nhạnh lên/Nhà - cửa - chiếu - chăngiường - chảo - xoong - nồi/Còn một thứ không bổ đôi chia được: Con…” - Chia bôi.

Và nữa, đó là những vần thơ tự sự, không trốn tránh góc khuất của đời mình. Cuộc đời đưa đẩy ông suốt đời phải gánh hai vai, rất may tính xuề xòa, đôn hậu, vô tư của ông luôn trùm lên làm bóng mát, lấy lại thế bình quân cho hai ngôi nhà nhỏ mà to, to mà nhỏ của ông.

Trong thơ Huy Thức, nhiều bài còn thiếu cái xuất thần, cái ảo, nhưng bù lại, nhiều bài thơ của ông thật thà, ca ngợi cái hay, cái đẹp của con người cụ thể, vùng đất cụ thể và đôi khi những vần thơ thô mộc lại có hiệu quả bất ngờ.

Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu từng nhắn nhủ: “Trong văn nghệ, trong thơ phải chân, nghĩa là mình có bao nhiêu tâm hồn thì viết bấy nhiêu, đừng gắng hơi, đừng cố mượn hơi ở đâu, ở người khác mà thổi vào cái bong bóng của mình; Phải chân chứ đừng định đánh lừa người đọc, phải chân như cái hương tự nhiên của tâm hồn”. Có lẽ đâu đó Huy Thức đã lĩnh hội được lời nhắn nhủ này. Sự hiển lộ trong thơ của ông dù có số bài khiêm tốn, có bài thô nhám, đói từ, có bài thiếu vắng những ý tứ sâu sắc, nhưng chắc chắn có sự chân thật bao trùm lên và đó mới là Huy Thức.

Trong tự nhiên, mỗi loài hoa sinh ra đều có lý lẽ, sự kiêu hãnh, biểu lộ sự sinh tồn và đóng góp với đời khác nhau, mong trong vườn hoa trăm hoa đua nở, thơ của Huy Thức sẽ là những bông hoa tự nhiên.

https://baolaocai.vn/bai-viet/346335-huy-thuc-va-tho

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...