Dừng hoạt động chợ phiên nhưng không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện 06 về việc tạm dừng hoạt động các chợ phiên từ 12 giờ ngày 5/8 đến hết 15/8/2021. Các ngành, địa phương đã khẩn trương vào cuộc, vừa thực hiện nghiêm quy định, vừa chủ động phương án khai thác, dự trữ, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Ban Quản lý Chợ văn hóa Bắc Hà nhắc nhở người dân chấp hành quy định phòng, chống dịch.

Thực hiện nghiêm Công điện 06

Thứ 6 hằng tuần diễn ra chợ phiên xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà. Mỗi phiên chợ thu hút khoảng 800 - 1.000 lượt người. Tuy nhiên, phiên chợ ngày 6/8 (chợ phiên đầu tiên dừng hoạt động sau khi Công điện 06 có hiệu lực), không có người dân và tiểu thương đến chợ. UBND xã Lùng Phình đã sớm tuyên truyền đến các hộ và tiểu thương nội dung công điện, đồng thời, sáng sớm ngày 6/8, UBND xã đã chỉ đạo các lực lượng lập chốt chặn tại các lối ra, vào chợ, hướng dẫn những người chưa biết nội dung công điện.

Mặc dù không thuộc diện phải dừng hoạt động theo Công điện 06 nhưng Ban Quản lý Chợ văn hóa Bắc Hà vẫn thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế người dân đến chợ và tuyên truyền đến các tiểu thương kinh doanh mặt hàng không thiết yếu không đến kinh doanh tại chợ trong thời gian từ ngày 5 đến 15/8. Ban Quản lý chợ đã niêm phong 3/5 khu vực bán hàng (là những khu vực chợ hoạt động theo phiên), bố trí khu vực rửa tay sát khuẩn, tuyên truyền các cơ sở kinh doanh ăn uống, nước giải khát chỉ bán hàng mang về, bắt buộc người dân và tiểu thương khi ra, vào chợ phải đeo khẩu trang… Chợ văn hóa Bắc Hà hiện chỉ còn gần 100 điểm bán hàng thiết yếu hằng ngày (giảm 300 điểm so với thời điểm trước dịch). Riêng phiên chợ Chủ nhật - 8/8, UBND thị trấn Bắc Hà và Ban Quản lý chợ đã lập 5 chốt kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, vận động người dân hạn chế ra, vào chợ. UBND huyện Bắc Hà cũng chỉ đạo các xã có chợ phiên, chợ tạm khác như Bản Liền, Bảo Nhai, Cốc Ly, Nậm Lúc, Bản Liền, Tả Củ Tỷ dừng hoạt động chợ.

Sau khi nắm được thông tin chợ phiên dừng hoạt động, chị Nguyễn Thị Huyền, thôn Trung Tâm, xã Lùng Vai (huyện Mường Khương) đã đến các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn để mua thêm một số mặt hàng sử dụng trong thời gian không diễn ra chợ phiên. Theo chị Huyền, đối với người dân khu vực nông thôn như xã Lùng Vai, việc đóng cửa chợ phiên 10 ngày không phải là vấn đề quá lớn bởi hầu hết các hộ gia đình có thể tự cung ứng được lương thực, thực phẩm, rau xanh… hằng ngày. Còn hàng tiêu dùng thiết yếu, các cửa hàng tạp hóa vẫn mở cửa, chỉ cần nguồn cung dồi dào thì sẽ không lo vấn đề tăng giá. “Chúng tôi ủng hộ chủ trương này vì mục tiêu phòng, chống dịch bệnh” - chị Huyền nói.

Trên địa bàn huyện Mường Khương có 10 phiên chợ được tổ chức hằng tuần, trung bình mỗi phiên chợ thu hút khoảng 4.000 - 5.000 lượt người, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh tại những khu vực này rất cao nếu không được kiểm soát tốt. UBND huyện Mường Khương đã chỉ đạo các xã thực hiện nghiêm việc tạm dừng các chợ phiên trên địa bàn. Riêng đối với chợ trung tâm thị trấn Mường Khương, hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa vẫn được diễn ra bình thường nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Huyện Mường Khương cũng tăng cường tuyên truyền người dân hạn chế đi chợ, chỉ đi chợ mua, bán các mặt hàng thiết yếu và các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh khác.

Chợ phiên xã Thanh Bình, Mường Khương (trái ảnh) và chợ phiên xã Lùng Phình, Bắc Hà (phải ảnh) đã dừng hoạt động.

Ông Hoàng Trường Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, ngoài việc cho phép các cửa hàng tạp hóa, siêu thị hoạt động với yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kết nối với các đầu mối cung ứng, tạo luồng xanh cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu hoạt động thuận lợi trên địa bàn.

Còn tại Bát Xát, huyện có 6 chợ phiên phải dừng hoạt động theo nội dung của Công điện 06, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã tăng cường tuyên truyền để người dân biết, tuân thủ các quy định và chủ động mua sắm hàng hóa thiết yếu; rà soát, nắm khó khăn, kiến nghị của người dân trong thời gian dừng chợ phiên để có phương án điều tiết, cung ứng hàng hóa.

Bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương có chợ phiên dừng hoạt động, đa số người dân và tiểu thương ủng hộ việc dừng hoạt động chợ phiên theo Công điện 06. Chúng tôi cũng rà soát, cho phép một số hộ kinh doanh thịt lợn, rau, cá, trứng, thịt gia cầm… được kinh doanh tại gia đình ở khu vực trung tâm các xã với điều kiện phải ký cam kết đảm bảo thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch.

Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu

Dừng hoạt động chợ phiên nhưng không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, là yêu cầu mà UBND tỉnh đặt ra đối với các ngành và địa phương. Toàn tỉnh có 64 chợ hạng 3 (chợ phiên, chợ nông thôn) bị ảnh hưởng nếu thực hiện theo Công điện. Ngành công thương và các địa phương đã phối hợp rà soát, đánh giá nhu cầu hàng hóa để có phương án cung ứng. Đối với mặt hàng gạo sản xuất tại Lào Cai, nguồn cung dồi dào, lượng dự trữ khoảng gần 1.000 tấn. Ngoài ra, nguồn cung gạo từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng hiện hơn 500 tấn, đủ phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh. Các mặt hàng thực phẩm bao gói sẵn (mỳ gói các loại, gia vị, nước chấm, đường, sữa, bánh kẹo…) và hàng công nghệ phẩm được khai thác ngoài tỉnh thông qua 8 doanh nghiệp phân phối chính tại Lào Cai và chuỗi cửa hàng bán lẻ (Vinmart). Đến thời điểm này, các mặt hàng thực phẩm bao gói sẵn tại các cơ sở bán lẻ, các siêu thị vẫn được bổ sung, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.

Hàng hóa dồi dào tại các cửa hàng tạp hóa ở vùng cao.

Các mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt gia súc gia cầm, rau xanh các loại, trứng gia cầm, thủy - hải sản), toàn bộ nguồn cung ứng trong tỉnh, không phải khai thác từ các tỉnh khác. Tại các địa bàn sản xuất thực phẩm chủ lực như Bảo Thắng, Bảo Yên, Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, sản lượng thịt, cá các loại mỗi tháng cung ứng khoảng 3.800 tấn, thịt lợn hơi 1.800 tấn, các loại thịt gia súc khác 200 tấn, thịt gia cầm khoảng 1.200 tấn, cá các loại gần 600 tấn, trứng gia cầm 25 triệu quả, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong khoảng 1 tháng của người dân, thậm chí có thể cung ứng cho các thị trường khác. Các sản phẩm thủy - hải sản phải nhập từ các tỉnh, thành khác thuộc “luồng xanh” được vận chuyển hàng hóa bình thường, mỗi ngày cung ứng cho thị trường Lào Cai từ 5 đến 10 tấn.

Đối với mặt hàng rau xanh, tại các địa phương có diện tích sản xuất quy mô lớn và sản xuất tập trung như Sa Pa, Bảo Thắng, Bắc Hà, Bát Xát và thành phố Lào Cai, sản lượng rau chủ yếu cung cấp tại chỗ và trao đổi giữa các địa phương. Các huyện còn lại hầu hết sản xuất tự cung ứng phục vụ người dân trên địa bàn. Sản lượng rau vụ hè ước khoảng 3.000 tấn (riêng quả su su mỗi ngày thu hoạch 30 - 50 tấn). Bên cạnh đó, thị trường Lào Cai đang nhập một phần nông sản từ Trung Quốc (khoai tây, bí đỏ, hành, tỏi…), nên các mặt hàng này đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh.

Với phương án cung ứng, điều tiết hàng hóa của ngành công thương và các địa phương, việc dừng hoạt động chợ phiên 10 ngày sẽ không gây nhiều xáo trộn, mất cân bằng cung - cầu, thiếu hụt hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.

http://baolaocai.vn/bai-viet/345876-dung-hoat-dong-cho-phien-nhung-khong-de-dut-gay-chuoi-cung-ung-hang-hoa

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...