Thêm sinh kế cho đồng bào vùng cao
Sau gần 1 năm thực hiện mô hình phục hồi rừng sau canh tác nương rẫy có nguy cơ sa mạc hóa, diện tích rừng màng tang tại xã Bản Vược (Bát Xát) đang phát triển tốt, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc vùng cao.Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh hướng dẫn người dân chăm sóc rừng màng tang. |
Dẫn chúng tôi đi tham quan vạt rừng màng tang xanh tốt, anh Trần Văn Quang, thôn Sơn Hà, xã Bản Vược (Bát Xát) cho biết: Trước đây, vạt đồi này chỉ là bãi chăn thả gia súc. Có một số vụ, gia đình thấy tiếc đất, trồng thử ngô, sắn nhưng đất khô cằn, gia súc tàn phá nên năng suất rất thấp, không đủ chi phí đầu tư. Trên đất này chỉ có cây màng tang mọc phân tán, gia đình thường lấy làm củi đun và làm hàng rào.
Đầu năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai mô hình trồng rừng và chiết xuất tinh dầu cây màng tang, phục hồi rừng sau canh tác nương rẫy có nguy cơ sa mạc hóa cao, anh Quang đã tham gia. Theo anh Quang, ban đầu thấy cán bộ kiểm lâm tuyên truyền chăm sóc cây màng tang để bán quả, bán lá, anh cũng nửa tin nửa ngờ, nhưng nghĩ đến màu xanh của rừng được khôi phục, chống sa mạc hóa đất giúp anh có động lực. Bắt tay vào cải tạo đất, phát quang thực bì, khoanh nuôi kết hợp trồng mới, diện tích cây màng tang của gia đình sinh trưởng tốt. Vừa qua, gia đình anh thu hái hơn 200 kg quả màng tang, được Hợp tác xã Mường Kim, xã Mường Vi thu mua, gia đình thu hơn 2 triệu đồng.
Mô hình làm giàu rừng được triển khai tại xã Bản Vược (Bát Xát) với sự tham gia của 1 hộ, diện tích thực hiện 1 ha. Đây là diện tích cây màng tang tái sinh tự nhiên. Tham gia mô hình, hộ này được hỗ trợ kinh phí chăm sóc, tiền mua phân bón và tỉa thưa các cây sâu bệnh, phát triển kém và trồng bổ sung 300 cây. Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, sau hơn 8 tháng triển khai mô hình, diện tích cây màng tang tái sinh và những cây mới trồng đang sinh trưởng rất tốt trên đất cằn cỗi, bạc màu.
Màng tang là loại cây thân gỗ, mọc tự nhiên, cao từ 2 đến 4 m, lá mọc so le, dài và nhỏ. Hoa màng tang ra thành từng chùm, màu vàng nhạt. Quả màng tang nhỏ, nhưng rất nhiều, mùi thơm nồng đậm, khi chín có màu đen sậm. Từ quả, lá, rễ của loài cây này, nhiều nơi đã chiết xuất tinh dầu dùng trong y học, mỹ phẩm... Theo đông y, tinh dầu màng tang có vị cay, đắng, tính ấm, có mùi thơm của sả, có tác dụng kháng khuẩn, tán phong hàn, trừ thấp, giảm đau. Đây là dược liệu quý có tác dụng tốt cho sức khỏe con người, được sử dụng rộng rãi trong đông y và ngành chế biến dược phẩm.
Về giá trị kinh tế, theo tính toán của các ngành chuyên môn, cây màng tang cho thu hái quả từ tháng 4 đến tháng 9, rễ và lá thu quanh năm. Với mật độ trồng từ 200 đến 300 cây/ha, năng suất bình quân đạt 6 đến 10 kg quả/cây/năm. Giá bán từ 8 nghìn đến 10 nghìn đồng/kg quả tươi, sẽ đem lại nguồn từ 20 đến 30 triệu đồng/ha/năm.
Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Màng tang là loài cây phân bố tự nhiên và phát triển tốt trên diện tích đất nương đồi khô, cằn, chịu được khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là trên đất nương bạc màu, có nguy cơ sa mạc hóa mà ít loại cây nào sống được. Qua thực hiện mô hình trồng rừng và chiết xuất tinh dầu cây màng tang phục hồi rừng sau canh tác nương rẫy có nguy cơ sa mạc hóa tại xã Bản Vược cho thấy, cây khi được chăm sóc phát triển tốt, quả ra nhiều, hàm lượng tinh dầu đạt tiêu chuẩn đặt ra. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với hộ tham gia theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây màng tang, đồng thời trồng mới 4 ha màng tang tại các huyện: Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên” - ông Điệp nói.
Việc triển khai mô hình trồng rừng và chiết xuất tinh dầu cây màng tang phục hồi rừng sau canh tác nương rẫy có nguy cơ sa mạc hóa không chỉ góp phần bảo tồn một loài lâm sản, mà còn thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, thêm mô hình sinh kế cho đồng bào dân tộc vùng cao, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.