Độc đáo Lễ “Áy lay” của người Dao họ ở Khe Mụ

Trong các dân tộc sinh sống ở xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, đồng bào Dao họ thôn Khe Mụ có những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, thể hiện trong đời sống thường ngày, qua lễ hội dân gian, những bài ca, điệu múa, truyện kể, ca dao, tục ngữ, câu đố… Đặc biệt, Lễ cầu làng - còn gọi là “Áy lay” - là nét văn hóa đặc sắc, mang sắc thái tín ngưỡng đặc trưng và được duy trì đến ngày nay.
Các bậc cao niên, người có uy tín làm các hình mẫu, hình nộm, vàng mã cho nghi lễ

Thôn Khe Mụ là nơi sinh sống của 17 hộ người Dao họ. Theo chủ làng Bàn Văn Sang, xưa kia, Lễ cầu làng thường được tổ chức 4 lần trong năm, nhưng nay rút xuống còn 3 lần. Ở mỗi thời điểm tổ chức, nghi lễ mang một ý nghĩa riêng. Lần thứ nhất, lễ diễn ra vào tháng 2 âm lịch với mong muốn cầu cho nhà nhà khỏe mạnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; lần thứ 2 diễn ra vào ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch và được tổ chức với quy mô lớn bởi đây là lễ cúng giữa năm, báo cáo lên thần linh, thổ địa kết quả cả làng đạt được trong 6 tháng đầu năm, vì thế lễ vật cũng đầy đủ hơn; lần thứ 3 diễn ra vào tháng 10 âm lịch với ý nghĩa tổng kết cuối năm, đánh giá 1 năm các hộ làm được gì và chưa làm được gì, hướng khắc phục trong năm tới.

Mặc dù Lễ cầu làng được tổ chức nhiều lần trong năm nhưng nội dung và diễn trình của nghi lễ tương đối thống nhất. Thầy cúng Lý Văn Chiên cho biết: Trước ngày diễn ra Lễ cầu làng, chủ làng chọn ngày tốt, lựa chọn thầy cúng có uy tín, được người dân trong làng tín nhiệm. Thầy cúng phải mặc trang phục truyền thống, mang sách cúng để thực hiện nghi lễ. Lễ cúng sẽ được tổ chức ở nhà chủ làng.

Thầy mo đại diện trong bản người Dao thực hiện nghi lễ cúng quan trọng nhất

Lễ vật cầu làng của người Dao họ khá đơn giản, đúng theo quan niệm có gì dâng nấy, quan trọng vẫn là tấm lòng thành của người dân. Điều đặc biệt nhất là tất cả đồ dâng cúng phải do các gia đình tự trồng, tự nuôi, thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần linh của người Dao họ. Các lễ vật như gà, thịt lợn, rượu trắng, gạo... được các gia đình đóng góp, sau đó tập trung về một hộ có uy tín trong cộng đồng đã được chọn từ trước để chuẩn bị thực hiện các nghi lễ.

Từ sáng sớm, người dân tập trung ở nhà chủ làng chuẩn bị lễ vật, sau đó mời thầy đến cúng. Ý nghĩa của bài cúng là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại, con cháu học hành thành đạt, nhà nhà no đủ, mọi sự bình yên. Tùy từng dịp, thầy cúng sẽ có bài văn riêng khấn bằng tiếng Dao. Tuy nhiên, tất thảy các bài khấn đều phải thể hiện sự biết ơn bề trên và cầu sự chở che, phù hộ của thần linh với bản làng.

Lễ cầu làng kết thúc, người dân trong làng cùng nhau bày mâm cỗ ăn uống tại nhà chủ làng thể hiện sự gắn kết, thắt chặt tình cảm cộng đồng.

Ông Hoàng Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hà cho biết: Lễ cầu làng của người Dao họ ở thôn Khe Mụ là một nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây. Trải qua hàng trăm năm, nghi lễ này đã trở thành hoạt động cộng đồng đặc sắc, được gìn giữ cho đến ngày nay, có tác dụng cổ vũ, động viên người dân bước vào vụ sản xuất mới. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào về những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở địa phương, trong đó có Lễ cầu làng.   

http://baolaocai.vn/bai-viet/214393-doc-dao-le-ay-lay-cua-nguoi-dao-ho-o-khe-mu

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...