Nghề dệt vải của người Dao Họ

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay nghề dệt vải của người Dao Họ xã Cam Cọn huyện Bảo Yên vẫn được duy trì và phát triển. Trong các bản làng của người Dao Họ, những sản phẩm dệt thủ công truyền thống vẫn hiện hữu trong đời sống hàng ngày của bà con nơi đây.

Ngoài những lúc lên nương, xuống chợ phụ nữ dân tộc Dao Họ luôn chăm chỉ quay sợi, se tơ dệt vải, làm nên những bộ trang phục mang đậm nét đặc trưng của dân tộc mình. Với phụ nữ dân tộc Dao Họ, việc gìn giữ, phát triển nghề dệt vải truyền thống trở thành nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của người dân.

Để tạo được một sản phẩm dệt thủ công hoàn chỉnh, nghề dệt vải của người Dao Họ phải trải qua nhiều công đoạn: sang sợi, luộc sợi, cuốn sợi, kéo sợi và đưa sợi vào khung để dệt thành những tấm vải thô. Khác với nhiều dân tộc khác là nhuộm vải xong mới cắt may thành quần áo, người Dao Họ lại cắt, khâu thành trang phục hoàn chỉnh mới đem nhuộm chàm. Mỗi công đoạn đều đỏi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ và chị em người phụ nữ Dao Họ sẽ là người đảm nhiệm nhiệm vụ này. Dệt vải được xem là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo, cần mẫn của người phụ nữ. Cho nên phần lớn phụ nữ rất khéo tay trong việc kéo sợi, dệt vải. Ngay từ độ tuổi 15-16, các cô gái đã được các bà, các mẹ truyền dạy cho các công đoạn đếm sợi, chọn sợi, chọn vải, cách tìm cây lấy màu cũng như kỹ thuật pha màu, phối màu, cách dệt những sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp. Và khi đến độ tuổi trưởng thành, mỗi phụ nữ người Dao Họ ai cũng giỏi việc dệt may. Hiện nay người Dao Họ ở Cam Cọn vẫn thường xuyên làm trang phục để phục vụ nhu cầu của bản thân hoặc bán cho ai có nhu cầu đặt mua.  

Phụ nữ Dao Họ (Cam Cọn - Bảo Yên) bên khung dệt vải.

Từ những dụng cụ thô sơ, tự tạo, thông qua các thao tác thủ công cùng bàn tay khéo léo, sự chăm chỉ của người phụ nữ đã tạo ra những sản phẩm dệt màu sắc đẹp mắt. Nếu như các dân tộc khác cắt may, dùng thước và máy may hỗ trợ, thì với người Dao Họ chỉ dùng cách thủ công là dùng những bộ quần áo cũ hoặc gang tay để áng chừng số đo. Trang phục sau khi được cắt khâu thủ công xong rồi mới mang đi nhuộm chàm, khác với quy trình nhuộm vải rồi mới may trang phục của các dân tộc khác. Cùng với khâu dệt vải, cắt may, người Dao Họ rất coi trọng khâu nhuộm vải. Trước đây bà con thường lên rừng để tìm cây chàm nhưng giờ đây các gia đình đã tự trồng trong vườn để tiện cho việc nhuộm trang phục. Khâu nhuộm vải cũng cầu kỳ không kém, đòi hỏi thời gian và trải qua nhiều công đoạn. Sau khi lấy cây chàm về, cho vào ngâm với nước vôi và nước tro bếp khoảng 1 tháng mới dùng được. Theo kinh nghiệm của mỗi người khi nhuộm sẽ thử màu, nếu màu dính ra tay và lên màu như ý muốn thì lúc đó mới có thể cho vải vào nhuộm. Khâu nhuộm cũng phải mất nhiều lần mới đạt màu mong muốn. Việc dệt vải thường được thực hiện vào cuối ngày hay những lúc nông nhàn. Hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung cửi dệt vải đã rất quen thuộc, gần gũi trong đời sống của người Dao Họ.

Có thể nói, nghề dệt vải là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc trong đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của người Dao Họ. Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thủ công truyền thống của người Dao Họ xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên không chỉ góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình mà quan trọng hơn chính là gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao Họ./.

Minh Phượng

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...