7 giải pháp lớn để phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025
Ngày 6/7, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 280/KH - UBND về phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đưa ra 7 giải pháp lớn.Nội dung phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh và thế mạnh của địa phương; phát triển đa dạng hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ; đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực quản lý các cấp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ và người sản xuất; tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ.
Sản phẩm quế hữu cơ Nậm Đét (Bắc Hà). |
Để thực hiện được các nội dung trên, 7 giải pháp lớn để phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 được đưa ra. Đó là, quy hoạch, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển các chuỗi giá trị; hỗ trợ chứng nhận và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Mục tiêu của kế hoạch là phát huy lợi thế so sánh của địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ trong nước và quốc tế phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu; thích ứng biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt từ 1,5% - 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp.