Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Hướng thoát nghèo bền vững ở Lào Cai
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được các cấp, ngành và các địa phương ở Lào Cai tích cực triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, góp phần làm thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Giờ học thực hành nghề điện theo đặt hàng của doanh nghiệp tại Trường Cao đẳng Lào Cai
Đào tạo gắn nhu cầu thực tiễn
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được coi là “chìa khóa” giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bởi vậy, những năm qua, Lào Cai đã luôn quan tâm đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn bằng việc ban hành Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Đề án “Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.
Tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành quy định về đặt hàng dạy nghề, quy định đơn giá đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ người học trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Việc triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn theo hình thức đặt hàng dạy nghề, phân cấp cho các địa phương là chủ đầu tư đã giúp cho các địa phương chủ động, thuận lợi trong việc tổ chức các lớp dạy nghề gắn với thực tiễn nhu cầu sử dụng ở từng địa phương.
Ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã chuyển hướng đào tạo từ cung sang cầu thị trường lao động; thực hiện tốt mô hình 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường và Nhà doanh nghiệp; tăng cường công tác liên doanh, liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn tỉnh. Đào tạo nghề còn gắn với thực tiễn sản xuất nông, lâm nghiệp và yêu cầu xây dựng nông thôn mới, phù hợp với nhu cầu của người học và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất và có cơ hội tìm được việc làm phù hợp.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Lào Cai xác định mục tiêu cụ thể là đào tạo nghề cho 56.400 lao động nông thôn; chia theo lĩnh vực: đào tạo 29.550 lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 26.850 lao động thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề tối thiểu đạt 75%.
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai đã cân đối bố trí nguồn lực ngân sách hỗ trợ kinh phí trong công tác giáo dục nghề nghiệp nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đối thoại, tổ chức hội nghị phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sinh viên; bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ đối với lao động nông thôn tham gia học nghề được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách. Tỉnh đã tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại 17 cơ sở dạy nghề trong tỉnh và tại các xã, phường, thị trấn. Đa số lao động nông thôn tích cực tham gia học nghề, nhiều lớp được tổ chức tại các xã, thôn, bản trong đó có nhiều thôn/bản đặc biệt khó khăn đã tạo thuận lợi trong việc đi lại cho người học. Trong quá trình tổ chức lớp học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có sự linh hoạt về thời gian, địa điểm đào tạo cho phù hợp với thực tế sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi và điều kiện của người học.
Giai đoạn này, Lào Cai đã xây dựng và nhân rộng một số mô hình nghề mới đem lại hiệu quả kinh tế khá cao như: Mô hình trồng chuối mô đã phát triển mạnh trên địa bàn huyện Bát Xát với hơn 100 ha, tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn xuất khẩu sang nước bạn Trung Quốc, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/ tháng. Mô hình kỹ thuật nề xây dựng đã phát huy hiệu quả, các lao động sau khi được đào tạo nghề đã thành lập các tổ, đội, tích cực tham gia các hạng mục công trình phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh. Mô hình nuôi lợn tại xã Xuân Quang (Bảo Thắng), trừ chi phí mỗi hộ thu nhập khoảng 70 -90 triệu đồng/ năm. Mô hình trồng hoa Lan tại huyện Sa Pa cho thu nhập từ 70 – 100 triệu/năm.
Đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp điển hình là mô hình đào tạo theo vị trí việc làm của các doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần Đồng Tả Phời, Tổng Công ty Khoáng sản TKV, Công ty TNHH Tổng hợp Tiến Thành, Công ty Phốt Pho, Công ty May Nguyễn Hoàng.....được thực hiện theo phương thức ký kết hợp đồng đào tạo gắn với giải quyết việc làm, có mức lương cơ bản ổn định từ 5-9 triệu đồng/tháng, có đơn vị trên 10 triệu đồng/tháng đã thu hút đông đảo lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số tham gia đào tạo và được nhận vào làm tại các doanh nghiệp này sau khi kết tốt nghiệp.… Các mô hình tiêu biểu trên hiện đang được phổ biến, nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh. Sau đào tạo, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm đạt trên 75% (gồm có việc làm mới và tiếp tục làm nghề cũ nhưng với năng suất và thu nhập cao hơn).
Với kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh từ 43,1% năm 2015 lên 56,89% năm 2020. Đào tạo nghề đã có đóng góp quan trọng trong việc tạo việc làm cho trên 13.000 lao động mỗi năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 34,3% (năm 2015) xuống còn 8,2% (năm 2020).
Chuyển biến lớn nhất trong đào nghề cho lao động nông thôn là đã góp phần chuyển biến nhận thức của các cấp chính quyền địa phương về công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, giúp cho người lao động nông thôn nhận thức đúng về việc học nghề để có trình độ tay nghề nhất định. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở từng địa phương, của tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững. Đồng thời góp phần cải thiện chỉ số đào tạo lao động trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). giúp cho tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Định hướng trong thời gian tới
Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Lào Cai tập trung phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ cửa khẩu; trung tâm công nghiệp luyện kim, hóa chất; phát triển nông nghiệp đặc hữu trên nguyên tắc: Phát triển nhân lực phải phù hợp với nhu cầu, hài hòa về cơ cấu theo ngành/lĩnh vực/địa phương và gắn với yêu cầu hội nhập với sự phát triển chung của đất nước, khu vực và quốc tế.
Giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu của tỉnh trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là tập trung đào tạo mới; đào tạo, bồi dưỡng lại cho khoảng 58.000 lao động. Giai đoạn 2026 – 2030: đào tạo mới, bồi dưỡng lại cho khoảng 60.000 lao động; tập trung hỗ trợ đào tạo cho trên 80% là lao động nông thôn và cho khoảng 37% lao động thuộc lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp; chú trọng đào tạo trình độ cao đáp ứng yêu cầu tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu ấy, ngay từ thời điểm này, tỉnh Lào Cai đã và đang tiếp tục triển khai những giải pháp đồng bộ liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực cho lao động nông thôn: tăng cường tuyên truyền tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó đặc biệt ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở lĩnh vực phi nông nghiệp và đổi mới việc tổ chức các lớp dạy nghề phi nông nghiệp gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động và xuất khẩu lao động; chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho lao động nông thôn vay vốn sau khi học nghề để phát triển sản xuất, tạo việc làm; kết nối hiệu quả giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ việc tuyển dụng lao động, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động sau khi được học nghề.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, hy vọng rằng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động./.