Chuyển đổi số là động lực để Lào Cai phát triển
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Thực hiện chương trình này, Lào Cai đang nỗ lực triển khai các giải pháp hiệu quả để chuyển đổi số, đặc biệt là phát triển chính quyền số, từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, kiến tạo sự phát triển cho xã hội.Xác định mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh là phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Lào Cai quan tâm chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng điểm, địa bàn ưu tiên, đó là: Chuyển đổi số trong các cơ quan khối Đảng, trong các lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa và Du lịch, Nông nghiệp và phòng chống thiên tai, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng - Giao thông vận tải, An ninh trật tự; Phát triển khu Kinh tế cửa khẩu thành mô hình mẫu thông minh, mở rộng giao thương qua kết nối số; thí điểm chuyển đổi số toàn diện tại một số địa phương cấp xã, Xây dựng mô hình thí điểm tổ dân phố và thôn nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã bắt tay xây dựng chính quyền số dựa trên những kết quả và sự thành công của kiến trúc chính quyền điện tử. Lào Cai đã thực hiện việc kết nối liên thông văn bản điện tử trong và ngoài tỉnh, ký số văn bản 4 cấp hành chính. Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng toàn tỉnh đạt 79,76%; Tỷ lệ văn bản đi được ký số hoàn toàn đạt 79,53%;... Đến nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh là 1.194 dịch vụ/2.019 thủ tục hành chính đạt 59,1%, 759 dịch vụ công mức độ 4 đạt 37,6% (đạt chỉ tiêu Chính phủ giao tối thiểu 30%); tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 56,24 %. Đồng thời đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Duy trì ứng dụng Zalo trong xây dựng Chính quyền điện tử, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp khai thác, tra cứu thông tin, thực hiện thủ tục hành chính.
Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh - "Bộ não số" của chính quyền tỉnh Lào Cai.
Thực hiện giám sát an toàn thông tin mạng, kết nối với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng mạng quốc gia; Triển khai hội nghị truyền hình phục vụ đồng thời trên cả 3 cấp tỉnh/huyện/xã trong các đợt học tập nghị quyết, bầu cử HĐND các cấp,…; Lào Cai tiếp tục triển khai giai đoạn 2 xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP 2.0), với hạng mục chính gồm: Kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của Trung ương qua nền tảng NGSP Quốc gia, các dịch vụ nền tảng xử lý hồ sơ nghiệp vụ, giám sát quy trình nghiệp vụ, dịch vụ thanh toán điện tử,...
Triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) đặt tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh giúp cho tỉnh giám sát, điều hành, điều phối, thống kê, báo cáo, hỗ trợ ra quyết định trong chỉ đạo, điều hành, quản lý xã hội. Đây là nơi cập nhật số liệu hoạt động của cả tỉnh theo thời gian thực; có khả năng phân tích dữ liệu, hỗ trợ lãnh đạo tỉnh quản lý, đưa ra các quyết định nhanh chóng, hiệu quả. Góp phần tạo ra bước chuyển căn bản trong việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số. Đồng thời lựa chọn UBND thị xã Sa Pa, UBND thành phố Lào Cai là các đơn vị điểm triển khai các phân hệ (OC) của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC).
Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số của tỉnh Lào Cai thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu của vùng trung du, miền núi phía Bắc; tỉnh Lào Cai nằm trong danh sách 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số; 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT-Index); 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh,…