Tiêu thụ sản phẩm nông sản trong điều kiện Covid-19
Chiều ngày 29/5, UBND thị xã Sa Pa tổ chức Hội nghị đánh giá sản lượng nông sản đặc hữu vụ hè thu và tìm thị trường tiêu thụ trong điều kiện dịch Covid-19. Đồng chí Vương Trinh Quốc – Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa chủ trì hội nghị. Tham gia có đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai; phòng Kinh tế, chủ các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Sa Pa.
Đồng chí Vương Trinh Quốc - Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa phát biểu tại hội nghị.
Năm nay thời tiết diễn biến thuận lợi, nên thị xã Sa Pa được mùa hoa, quả, rau các loại; sản lượng cá nước lạnh thành phẩm tồn trong các cơ sở chăn nuôi còn khá nhiều. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid 19 đã và đang tác động rất lớn giá cả các mặt hàng nông sản, thị trường tiêu thụ bị hạn chế làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất, kinh doanh hàng nông sản của người dân và doanh nghiệp. Giá bán rau, hoa các loại giảm sâu hơn năm trước: rau bán từ 5.000 – 10.000/1kg tuỳ loại; su su quả bán tại vườn còn 3.000đ/1kg, hoa ly còn 12.000đ/1 bông to đẹp; 20.000đ/ 1kg mận tây…
Thị trường tiêu thụ nông sản đặc hữu của Sa Pa là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội đang có diễn biến phức tạp do dịch Covid-19, dẫn đến một số sản phẩm nông sản của Sa Pa khó tiếp cận các thị trường này dù giá bán đã giảm kịch sàn, người sản xuất chỉ hoà, hoặc chịu lỗ.
Dự tính đến hết năm 2021, thị xã Sa Pa thu khoảng 12 ngìn tấn su su quả, khoảng 800 tấn cá hồi thương phẩm. Đây là sản phẩm đặc hữu của Sa Pa nhưng cũng đang khó tìm thị trường tiêu thụ do nhu cầu của người tiêu dùng bị thu hẹp, công tác vận chuyển liên tỉnh phải tuân thủ công tác phòng, chống Covid-19.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vương Trinh Quốc – Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa đã chia sẻ những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm mà các doanh nghiệp, cá nhân đang gặp phải do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, đồng chí khẳng định thị xã Sa Pa sẽ đề xuất với Sở Công thương hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản đặc hữu Sa Pa lên kệ siêu thị lớn và các sàn thương mại điện tử; đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện, có cơ chế hỗ trợ vận chuyển nông sản đi tiêu thụ tại các thị trường ngoài tỉnh; đề nghị các ngân hàng có cơ chế giãn, đảo nợ, giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tái sản xuất sau khi dịch Covid-19 được khống chế.