Giữ vị trà cổ thụ trên đất Nàn Sín

Những ai từng tới Nàn Sín (xã vùng cao xa xôi, khó khăn nhất huyện Si Ma Cai) cách đây vài năm, giờ trở lại hẳn ngạc nhiên trước sự đổi thay của vùng đất này. Trong những nét mới, nổi bật của xã Nàn Sín phải kể đến kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, đặc biệt làviệc người dân chăm sóc, bảo vệ cây chè cổ thụ.
Người dân Nàn Sín thu hái chè Shan tuyết cổ thụ. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Anh Giàng Seo Hồ ở thôn Giàng Trá Chải đưa tôi đi tham quan đồi chè cổ thụ của gia đình. Những cây chè cao lớn, búp xanh non mơn mởn vươn lên trong nắng. Đồi chè của gia đình anh hiện có 10 cây đã trồng được hàng chục năm.

Anh Hồ cho biết: Theo những người già trong thôn thì đây là giống chè Shan tuyết, thường mọc ở những khu vực cao, khí hậu trong lành, mát mẻ như Nàn Sín. Trước đây, người dân chỉ biết thu hái rồi sơ chế chè và cất giữ để gia đình sử dụng hoặc thết đãi khách đến chơi nhà. Cây chè cổ thụ cũng không có giá trị về gỗ nên một số hộ trong thôn còn chặt để trồng cây khác.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng của loại chè cổ thụ, Đảng ủy, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân tận dụng lợi thế, chăm sóc cây chè cổ thụ để tạo thành sản phẩm hàng hóa. Hiện tại, xã Nàn Sín có khoảng 300 cây chè cổ thụ, tập trung chủ yếu tại 3 thôn: Nàn Sín, Giàng Trá Chải và Phìn Chư. Để hái được chè, người dân phải đeo gùi, bắc thang trèo lên cây; có thể hái chè thành 2 loại: Loại thường (búp có 2 - 3 lá non) và loại đặc biệt (búp chỉ có 1 lá non). Với giá bán trung bình 40.000 đồng/kg búp tươi và 400.000 - 450.000 đồng/kg chè khô, loại đặc biệt có giá lên tới hơn 1 triệu đồng/kg chè khô, cây chè cổ thụ ở Nàn Sín mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân địa phương. Mỗi năm, cây chè cho thu hoạch 2 - 3 vụ; tùy cây chè cho sản lượng khác nhau, nhưng trung bình khoảng 5 kg búp tươi/vụ.

Anh Hầu Seo Lằng ở thôn Phìn Chư cho biết: Gia đình tôi có 15 cây chè Shan tuyết cổ thụ. Trước đây, chúng tôi không biết loại chè này có giá trị kinh tế cao như vậy nên không chăm sóc, cứ để cây phát triển tự nhiên, đến vụ thu hoạch, nhiều khi còn không hái hết hoặc cho người khác hái. Từ khi được xã tuyên truyền và chỉ đạo hợp tác xã đứng ra thu mua, chúng tôi yên tâm, tập trung chăm sóc, đốn tỉa, thu hái búp và làm chè thành phẩm để bán. Vụ chè này, tôi đã hái và bán được hơn 30 kg búp tươi và 2 kg chè khô.

  Người dân chế biến chè bằng phương pháp thủ công nhưng vẫn giữ được hương vị trà cổ đặc trưng.

Để có được một mẻ chè khô đặc sản, người dân Nàn Sín phải trải qua nhiều công đoạn làm chè vất vả. Vì không phải sản xuất chè chuyên nghiệp nên các công đoạn và thao tác đều phải làm thủ công, từ việc hái, sao, sấy, vò chè…

Cũng theo anh Lằng, muốn chè ngon, giữ được hương vị chuẩn thì ngay khi hái xong phải sơ chế luôn. Nếu 2 người cùng làm liên tục thì phải mất 3 - 4 tiếng đồng hồ mới được một mẻ chè khô.

Ông Sùng Seo Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Nàn Sín cho biết: Tôi đã từng được uống nhiều loại chè ở nhiều nơi nhưng hương vị chè cổ thụ Nàn Sín rất khác, thơm nhẹ, ngọt dịu chứ không quá chát. Nước chè có màu vàng nhạt. Đó là những nét đặc trưng của chè cổ thụ ở Nàn Sín mà xã muốn lưu giữ và phát triển thành thương hiệu của địa phương.

Hiện nay, cùng với việc tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích kinh tế của cây chè cổ thụ, xã đang tạm thời thu mua và tiêu thụ sản phẩm chè cho bà con, tạo sự tin tưởng, phấn khởi để người dân quan tâm, chăm sóc, bảo vệ cây chè, đồng thời mở rộng cây chè Shan tuyết. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, giống chè Shan tuyết chỉ sau 3 năm trồng là cho thu hoạch. Xã đang có kế hoạch phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các doanh nghiệp hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và phát triển cây chè cổ thụ.

Xã Nàn Sín có 479 hộ với hơn 2.600 nhân khẩu, 99% là người dân tộc Mông. Xã đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp (25,22 triệu đồng/năm). Do đó, việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác những lợi thế sẵn có của địa phương, trong đó có việc giữ gìn và phát triển vùng chè cổ thụ là một trong hướng đi để phát triển kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

http://baolaocai.vn/bai-viet/211866-giu-vi-tra-co-thu-tren-dat-nan-sin

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...