Hiệu quả công tác dân tộc ở Lào Cai
Thực hiện tốt công tác dân tộc trong thời kỳ mới không những góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Tiết mục văn nghệ đón nhận Bằng chứng nhận
Nghệ thuật trang trí trang phục và Nghề làm Trống - dân tộc Dao, Sa Pa
Tập trung nguồn lực đầu tư
Là tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm tới 66%, do đó, công tác dân tộc luôn được cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp đặc biệt chú trọng. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khoá XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã gắn việc thực hiện công tác dân tộc với thực hiện có hiệu quả 04 chương trình công tác trọng tâm được cụ thể hoá thành 19 đề án toàn khoá hướng về cơ sở nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, thúc đẩy nhanh công cuộc xoá đói giảm nghèo cho nhân dân vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Lào Cai đã chú trọng lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu Quốc gia với các chương trình của địa phương cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2016-2020, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành các nghị quyết hỗ trợ phát triển các khu vực đặc biệt khó khăn trong tỉnh như: Nghị quyết 22 về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020; Nghị quyết 20 về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên. HĐND tỉnh cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách liên quan đến vùng DTTS và miền núi với nguồn lực thực hiện lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã có hơn 120 chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS, miền núi và hỗ trợ cho đồng bào DTTS đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong đó đã tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Do làm tốt công tác tập trung đầu tư nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội vùng sâu vùng xa, vùng DTTS của tỉnh có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh bình quân đạt 5%/năm; đến nay, hộ nghèo toàn tỉnh còn 8,2%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99%; 100% xã và 98% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; 100% các xã có trạm y tế; 100% thôn có điện lưới quốc gia, 95% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình được xóa nhà tạm; đường giao thông liên thôn được phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu đi lại và lưu thông thị trường.
Để chính sách phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả, công tác đầu tư cho giáo dục đặc biệt được chú trọng. Đến nay, 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; các thôn bản ở xa trung tâm xã đều có điểm trường (phân hiệu); 9/9 huyện, thành phố đều có trường phổ thông dân tộc nội trú; chế độ, chính sách về giáo dục và đào tạo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai nghiêm túc.
Công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động được quan tâm thích đáng. Đồng chí Đinh Văn Thơ, Phó giám đốc Sở Lao động – TBXH tỉnh cho biết: giai đoạn 2013 – 2020, Lào Cai đã triển khai đào tạo nghề cho người lao động là DTTS đạt 73.435/tổng số 123.421 người được đào tạo, chiếm 59,5%. Trong đó, số người dân tộc thiểu số tham gia học nghề chủ yếu là người dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái, Xa Phó,... Số lao động sau khi học xong nghề đã được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc, một số tự tạo việc làm nâng cao chất lượng tăng gia sản xuất tại địa phương, một số tham gia các công trình xây dựng nông thôn mới tại thôn, bản, xã.
Việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) được triển khai thực hiện từ tuyến xã với tổng số 152 trạm y tế xã, phường, thị trấn; đã thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh đối với tuyến huyện tạo điều kiện cho người dân được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế gần nơi sinh sống nhất và ở bất cứ cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trong tỉnh mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến. Hệ thống cơ sở y tế tại các địa phương được đầu tư xây dựng, đội ngũ cán bộ y tế ngày càng nâng cao tay nghề nên chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân các dân tộc.
Công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân cũng được quan tâm. Trong đó, Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai” đã cụ thể hoá thành nhiều chương trình, dự án phù hợp với đặc điểm của địa phương, góp phần tích cực trong công cuộc xoá đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ. Việc phát huy tri thức văn hoá dân gian, tri thức bản địa vào vấn đề phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai đã phát huy hiệu quả. Các hoạt động văn hoá thể thao, lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc được duy trì tổ chức vào dịp đầu năm cũng như việc định kỳ 2 năm/lần tổ chức Đại hội thể thao các dân tộc thiểu số đã khôi phục các giá trị văn hoá truyền thồng của đồng bào. Việc cải tạo tập quán lạc hậu trong đồng bào đã có bước chuyển biến tích cực, nhất là đã hạn chế việc thách cưới cao, cơ bản hạn chế được hôn nhân cận huyết thống, tình trạng người chết không cho vào áo quan được xoá bỏ. Đến nay cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với việc cải tạo tập tục lạc hậu đi vào chiều sâu và được nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia.
Tạo sức bật mới
Để công tác dân tộc đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới, cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa IX về Công tác dân tộc trong tình hình mới. Do đó, trong thời gian tới tỉnh Lào Cai tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, nhất là Nghị Quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 gắn với việc thực hiện 18 đề án toàn khoá của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI.
Tiếp tục đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS, trọng tâm là đồng bào các xã khu vực III, các thôn vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; phát huy tính tự lực tự cường, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh việc tiếp nhận và ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp truyền thống sang liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị. Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích; từ đó, góp phần cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng đồng bào DTTS.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực, qui hoạch, đào tạo cán bộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tương xứng với tỷ lệ dân tố, nâng cao chất lượng dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số. Tăng cường việc sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; nâng cao thời lượng các chương trình phát thanh - truyền hình bằng tiếng dân tộc.
Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh; Tập trung đào tạo, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc ở các cấp. Đồng thời thực hiện tốt chính sách phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở cơ sở; tiếp tục làm tốt công tác phát triển đảng trong vùng đồng bào dân tộc. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh cho người dân; đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động lợi dung vấn đề dân tộc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo vệ, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và quốc phòng, an ninh./.